Sân khấu hóa chuyện quê, chuyện phố

ĐẶNG TRƯƠNG 11/01/2024 13:30

Những năm gần đây, Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới tỉnh Quảng Nam và Liên hoan nghệ thuật quần chúng thôn, khối phố văn hóa tiêu biểu tỉnh Quảng Nam góp phần khắc họa bức tranh làng quê xứ Quảng sinh động và đầy màu sắc.

Một tiểu phẩm dự thi Liên hoan nghệ thuật quần chúng tổ, thôn, khối phố văn hóa tiêu biểu tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đ.T
Một tiểu phẩm dự thi Liên hoan nghệ thuật quần chúng tổ, thôn, khối phố văn hóa tiêu biểu tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đ.T

Lan tỏa điều hay

Trong những năm qua, đội ngũ những người viết kịch dân ca, tiểu phẩm sân khấu ở các địa phương, đặc biệt là vùng miền núi thưa vắng dần, có nơi còn thiếu trầm trọng.

Nhưng từ thực tế cuộc sống, trước những đổi thay mạnh mẽ của phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương, chủ thể văn hóa đã trở thành người cảm nhận, chiêm nghiệm và trăn trở để tạo nên những “đứa con tinh thần” nơi mình sinh sống, đưa lên sân khấu.

Đồng bào Cơ Tu ở các địa phương Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang luôn xem trọng và truyền tụng nét đẹp kết đoàn trong ứng xử đời thường và trong văn hóa bằng những lời ca mộc mạc: “Chia nhau miếng cơm, bao rau/ Ngô sắn khoai khi ta được mùa/ Chia nhau con cá, con tôm, trái cây ngọt lành/ Ta chia cho nhau từng cửa từng nhà/ Gái trai trẻ già mừng rỡ vui cười”…

Cũng chính từ tinh thần đoàn kết ấy, thôn văn hóa Pơrning (xã Lăng, Tây Giang) đã phát huy sức mạnh tập thể, cùng nhau đoàn kết làm du lịch xanh, bảo vệ rừng để con cháu noi theo.

Hay như ở tổ dân phố Ngã Ba (thị trấn Prao, Đông Giang) với tinh thần lá lành đùm lá rách, suốt nhiều năm nay, tổ trưởng dân phố Ngã Ba không ngại khó đến từng nhà, vận động quyên góp hỗ trợ các gia đình khó khăn trong thôn. Câu chuyện kết đoàn ấy được cụ thể hóa trên sân khấu khiến người xem xúc động và quý hơn nét đẹp nơi đại ngàn của đồng bào Cơ Tu.

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ ở Quảng Nam. Những vùng ven TP.Tam Kỳ, TP.Hội An cùng với sự chuyển động của công nghiệp hóa, dịch vụ thương mại, cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết để có sự hài hòa giữa phát triển đô thị và sinh kế người dân.

Thông qua các liên hoan nghệ thuật, người xem có thể tìm thấy câu chuyện xây dựng khối phố Đông Trà (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) hướng tới tiêu chí xanh - sạch - đẹp. Hay trong câu chuyện “Xây đường tương lai” của thôn Xuân Tân (xã Tam Hòa, Núi Thành) đã thể hiện rất rõ tinh thần đoàn kết, hiến đất mở đường giao thông...

Nghệ sĩ nhân dân Từ Minh Hiệp - người nhiều năm làm giám khảo các liên hoan nghệ thuật quần chúng, khẳng định: “Ngoài việc đảm bảo các tiêu chí của thực tế cuộc sống địa phương, những tiểu phẩm được dàn dựng tham gia các liên hoan đã thể hiện được tính kết cấu của bố cục kịch bản, sử dụng đa dạng ngôn ngữ sân khấu, nói, hát ca kịch bài chòi… Điều này không chỉ làm lan tỏa năng lượng tích cực cho các phong trào mà còn góp phần gìn giữ vốn quý dân ca kịch truyền thống xứ Quảng”.

Tăng yếu tố phản biện

Ở một phía khác, tuy phong trào xây dựng NTM đang đem lại hiệu quả tích cực nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tiểu phẩm thôn 1, xã Trà Mai, Nam Trà My trên sân khấu Liên hoan nghệ thuật quần chúng thôn, tổ văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh năm 2023 là tệ nạn rượu chè, bạo hành gia đình trong tiểu phẩm “Anh sai rồi”. Thực tế này vẫn còn phổ biến ở những nơi vùng đồng bào ít người.

Đặc biệt, sự can thiệp kịp thời của chính quyền, sự đồng lòng quyết tâm của từng gia đình, cộng đồng đã góp phần cảm hóa người có hành vi sai trái. Nhiều câu chuyện về bảo vệ môi trường, tình làng nghĩa xóm… đã được các “nhà viết kịch” không chuyên, quan sát, cảm nhận và đưa vào tác phẩm trên sân khấu, tạo hiệu ứng không nhỏ cho người xem.

Ông Phan Hồng Vĩnh - Văn phòng Điều phối NTM Quảng Nam cho rằng: “Chúng tôi hết sức biểu dương tinh thần trách nhiệm của người dân ở những nơi đã và đang phát triển mạnh mẽ, bền vững các tiêu chí xây dựng NTM.

Họ đã mạnh dạn nêu ra và đưa lên sân khấu những cái được và chưa được. Chính nhờ vậy, các địa phương khác đã tiếp cận, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, vững bền hơn phong trào xây dựng NTM và ngày càng đi vào chiều sâu”.

Còn nhà viết kịch không chuyên Lê Trung Thùy - người nhiều năm dành tâm huyết để viết kịch dân ca ở Quảng Nam, nói: “Nếu chúng ta cứ nhìn thấy mặt tích cực mà không gạn lọc, phát hiện cái chưa tốt để đưa vào kịch bản tiểu phẩm sân khấu ở các liên hoan nghê thuật quần chúng về xây dựng NTM, thôn, khối phố văn hóa… thì đó cũng là điều đáng tiếc. Bởi vì cái hay, cái tốt đẹp thì luôn quý với mỗi người, với cộng đồng, nhưng biết được mình đang thiếu cái gì, hạn chế mặt nào thì đó mới là chìa khóa làm nên thành công”.

ĐẶNG TRƯƠNG