Xã Đại Hưng mạnh mẽ chuyển mình, vững bước đi lên
Thành lập năm 2004, lúc bấy giờ, hạ tầng thiết yếu của xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc) hầu như chưa có gì, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Qua 20 năm vươn lên từ vùng đất khó, Đại Hưng đã mạnh mẽ chuyển mình, về đích nông thôn mới và đang hướng tới mục tiêu cao hơn.
Khởi đầu gian khó
Nơi cư trú bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở bờ sông, gia đình bà Võ Thị Bảy được di dời vào trung tâm thôn Mậu Lâm vào năm 2001. “Nơi ở mới, cuộc sống của chúng tôi vẫn thiếu trước hụt sau, mưu sinh rất vất vả do đường sá bùn đất lầy lội, sản xuất nông nghiệp bấp bênh.
Bây giờ thì khác rồi, người dân trong thôn đã có của ăn của để, đời sống tinh thần được nâng lên đáng kể” - bà Bảy chia sẻ. Bà Bảy cũng không ngờ nhà bà đang ở nằm đối diện với trung tâm hành chính xã Đại Hưng, sau khi được chia tách từ xã Đại Lãnh vào năm 2004.
Xã Đại Hưng lúc mới thành lập gần như chưa có gì, từ cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Trụ sở cơ quan đều phải tận dụng lại của xã Đại Lãnh hoặc mượn tạm nhà sinh hoạt văn hóa thôn để hoạt động, làm việc. Nhân dân muốn sử dụng các dịch vụ thương mại, đi chợ nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu đều phải ra Hà Tân (trung tâm xã Đại Lãnh).
Có thôn bị chia cắt, đi lại cách trở bởi dòng sông Kôn, đến mùa mưa bão còn vất vả bội phần. Nhiều hộ quanh năm lo cái ăn, cái mặc mà vẫn thiếu trước hụt sau, nhà cửa tạm bợ, dột nát...
Song, theo ông Phạm Quang Hiển - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, qua 20 năm thành lập, xây dựng và phát triển, dưới sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh, huyện; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Hưng đã nỗ lực hết mình, đoàn kết, thống nhất vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Cơ sở hạ tầng xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại.
Tuyến ĐT609 qua địa bàn xã đã, đang nâng cấp, mở rộng khơi huyết mạch lưu thông kết nối liên vùng từ đồng bằng lên Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, giáp đường Hồ Chí Minh (xã Mà Cooih, Đông Giang).
Các tuyến đường huyện (ĐH), liên thôn được nâng cấp, mở rộng đủ cho ô tô lưu thông 2 chiều, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng địa phương.
Chuyển mình mạnh mẽ
Trụ sở của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Đại Hưng sôi động với một xưởng may gia công đồng phục bảo hộ lao động, được đơn vị liên kết với đối tác để giải quyết việc làm cho người dân.
Lãnh đạo hợp tác xã cho hay, xưởng may có 40 lao động sản xuất trực tiếp là người dân địa phương và số ít đến từ các xã Đại Sơn, Đại Lãnh. Bình quân thu nhập mỗi người hơn 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài xưởng may, hoạt động chủ yếu của hợp tác xã (có 191 hộ thành viên) này vẫn là “bà đỡ” liên kết theo chuỗi giá trị về sản xuất lúa giống (62ha), bắp giống (12ha) giữa doanh nghiệp với nhà nông. Các mảng hoạt động dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện thu nhập cho người dân.
Ông Phạm Quang Hiển - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, cơ cấu kinh tế của địa phương hiện nay gồm nông - lâm nghiệp chiếm 37,27%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản 32,41% và thương mại - dịch vụ 30,32%. So với năm 2004, tỷ lệ tương ứng là 64,5% - 13,6% - 21,9%.
Kinh tế nông - lâm nghiệp được chú trọng phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững. Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 32,8 tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với thời điểm mới thành lập xã.
Một dấu ấn lớn chứng tỏ địa phương đã vươn mình về mọi mặt, khi Đại Hưng được công nhận là “Xã nông thôn mới” vào năm 2020. Thôn Mậu Lâm đạt chuẩn “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”. Xã đang tập trung xây dựng để thôn Trung Đạo đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chợ Trúc Hà được xây dựng mới và đưa vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân. Làng trái cây Thái Sơn (thôn Thái Chấn Sơn) trở thành điểm đến trong du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn với du khách. Các lĩnh vực giáo dục, y tế và xã hội khác được chăm lo. Toàn xã chỉ còn 27 hộ nghèo (hầu hết thuộc diện bảo trợ xã hội), chiếm 1,35% tổng số hộ dân...
Trên chặng đường mới, ông Phạm Quang Hiển cho biết, xã Đại Hưng xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn đồi (lợi thế có hơn 6.700ha đất rừng); khuyến khích hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Địa phương mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cấp trên; sự động viên bằng tinh thần, vật chất đầy tâm huyết của bà con đồng hương xa quê để đưa Đại Hưng ngày càng vững bước đi lên.