Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Trăm năm gương sáng còn soi
Với 53 tuổi đời, hơn 30 năm cống hiến cho Đảng và Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương sáng ngời của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực; một nhà lãnh đạo tài năng; một người con ưu tú của dân tộc; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh năm 1914 trong một gia đình nông dân tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế).
Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (13-15/8/1945), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh.
Người cộng sản kiên trung, mẫu mực
Khi còn ở tuổi 17, được các lớp đàn anh giác ngộ cách mạng, Nguyễn Vịnh đã tham gia đấu tranh chống lại bọn cường hào ở địa phương và sau đó tham gia phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ những năm 1936 - 1939, được kết nạp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937. Mới 24 tuổi Nguyễn Vịnh đã được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Từ khi tham gia hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị trọng trách, tháng 7/1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được điều động vào quân đội.
Năm 1959, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương. Cuối năm 1964, đồng chí được điều động vào miền Nam công tác, giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy quân giải phóng miền Nam.
Tháng 6/1967, theo yêu cầu của Trung ương, đồng chí ra Hà Nội để báo cáo tình hình, kế hoạch hoạt động của các chiến trường và nhận thêm chỉ thị mới. Ngày 6/7/1967, đúng vào ngày lên đường trở lại chiến trường miền Nam, đồng chí đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng.
Do có nhiều đóng góp xuất sắc đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu Bình - Trị - Thiên rồi Bí thư Liên khu ủy 4, đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào thực tiễn chiến trường, trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến Bình - Trị - Thiên khói lửa, xứng đáng với danh hiệu “Vị tướng du kích” mà Bác Hồ trao tặng.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào miền Nam. Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy quân giải phóng miền Nam, đồng chí đã đưa ra những đánh giá, phân tích khoa học và biện chứng về thực chất sức mạnh của Mỹ.
Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ của Đảng và dân tộc ta mãi mãi khắc ghi tư tưởng chỉ đạo tác chiến mang đậm dấu ấn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “cứ đánh Mỹ khắc tìm ra cách đánh hay”, lập các “vành đai diệt Mỹ”...
Với tác phong sâu sát thực tiễn, gắn bó máu thịt với nhân dân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuống cơ sở nghiên cứu tình hình, tìm những hình thức và biện pháp thích hợp thực hiện đường lối của Đảng. Đồng chí đặc biệt coi trọng việc chỉnh đốn các tổ chức của Đảng và phát triển đoàn thể quần chúng.
Từ sáng kiến của đồng chí, các cơ sở đảng và đoàn thể được sắp xếp lại gọn nhẹ, tăng cường hiệu lực. Các cuộc hội nghị được chuẩn bị và rút ngắn thời gian nhưng hiệu quả.
Cán bộ, đảng viên được nâng cao về nhận thức đường lối, sửa đổi lề lối làm việc. Quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho thấy, đồng chí liên tục có mặt ở những mặt trận khó khăn nhất, trong những thời điểm đầy thử thách, quyết liệt. Vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, một lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, cống hiến hết mình cho dân tộc và Tổ quốc.
Vị tướng quân đội tài ba
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức; bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân là cống hiến lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên cương vị lãnh đạo cấp cao về chính trị, quân sự trong quân đội.
Đồng chí khẳng định: “Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội”. Quân đội nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, thống nhất về mọi mặt của Đảng, đó là nguyên tắc tối cao, là nguồn gốc sức mạnh và là cơ sở cho mọi thắng lợi của quân đội.
Trong xây dựng quân đội về chính trị và tư tưởng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn nhất quán đây là mặt quyết định, quan trọng nhất. Lãnh đạo chính trị - mà hạt nhân là công tác tư tưởng - là cái gốc của mọi vấn đề.
Quân đội cách mạng phải đi theo đúng đường lối giai cấp của Đảng; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chính trị và quân sự; giữa con người và vũ khí; giữa tiền tuyến và hậu phương, giữa lãnh đạo và chỉ huy… làm cho quân đội ta trong bất kỳ tình huống nào đều phát huy tốt bản chất, truyền thống cách mạng, nâng cao sức mạnh tổng hợp, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.
Khi trở vào chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực.
Đồng chí đã góp phần xác định đúng sự thay đổi chiến lược của đế quốc Mỹ, sắc sảo trong việc đánh giá thực chất sức mạnh của Mỹ, nêu cao quyết tâm, niềm tin đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nêu những ý kiến sắc sảo, những khẩu hiệu đánh Mỹ được tổng kết, hiện thực hóa thành phong trào thi đua.
Sự có mặt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường miền Nam trong thời điểm “nóng bỏng” mang lại bước chuyển biến mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam.
Quan điểm kết hợp chiến tranh du kích với “quả đấm” của các binh đoàn chủ lực trong tổng thể đường lối chiến tranh nhân dân mang dấu ấn của một tinh thần sáng tạo, thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược trong tư duy quân sự Nguyễn Chí Thanh, góp phần phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Tin vào sức mạnh của nhân dân
Cuộc đời cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là chuỗi năm tháng đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết. Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đồng chí đã tỏ rõ bản lĩnh cách mạng; càng gian khổ, đồng chí càng trưởng thành, bộc lộ rõ tố chất đặc biệt của một nhà lãnh đạo tài năng.
Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, quyết tâm suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đạo đức của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, thương yêu, kính trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Xuất phát từ quan điểm “tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng kết: “Dân là cái vốn cách mạng quý nhất, quý hơn tất cả. Vì: Còn dân thì nước còn. Mất dân thì nước mất”.
Quán triệt sâu sắc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn khẳng định: “Quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
Mặt trận Bình - Trị - Thiên là một minh chứng hùng hồn, sinh động cho quan điểm của đồng chí về lòng dân, sức dân, trí dân. Với tư tưởng “Chúng ta phải tranh thủ từng người, từng thôn. Chúng ta không để mất dân, chết cũng không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”, đồng chí đã chỉ đạo phát triển chiến tranh du kích trong lòng dân, từ đó góp phần làm nên nhiều chiến công oanh liệt ở mặt trận Bình - Trị - Thiên khói lửa.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định “chiến lược, chiến tranh nhân dân chỉ có thể hình thành và vận dụng thắng lợi trên cơ sở biết dựa trên tinh thần, trên nguồn vật chất, trên đầu óc sáng tạo vĩ đại của nhân dân, nhất là công nông”.
Trên cương vị Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, không sức mạnh nào có thể so sánh nổi sức mạnh của quần chúng trong lao động sản xuất. Phát hiện và tin, dựa vào sức mạnh, tài trí của nhân dân đã làm nên một Nguyễn Chí Thanh với cách gọi trìu mến của Bác Hồ là “Đại tướng nông dân”.