[eMagazine] - Xây nền móng vững chắc cho thể thao xứ Quảng
Thể thao xứ Quảng ngày càng được khẳng định bằng những thành tích xuất sắc tại đấu trường quốc gia lẫn quốc tế. Từ sự đột phá trong các cơ chế chính sách, từ thể thao học đường và phong trào thể thao quần chúng, bước đầu thể thao thành tích cao xứ Quảng đã đem lại quả ngọt.
Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, đặc biệt hướng tới thể thao thành tích cao đang được Quảng Nam thực hiện và đã đem lại kết quả khá ấn tượng.
Dấu ấn thành tích
Trong tổng số 230 huy chương các loại đạt được ở các giải đấu quốc gia, quốc tế năm 2023, dấu ấn rực rỡ nhất của thể thao Quảng Nam là hai tấm huy chương vàng (HCV) thế giới của vận động viên (VĐV) mới 18 tuổi Huỳnh Đỗ Đạt tại giải vô địch Wushu thế giới và Bùi Xuân Nhật tại giải vô địch Vovinam thế giới.
Không có cơ hội tỏa sáng như các đàn em, song tấm HCV giải vô địch Taekwondo Đông Nam Á của “cô gái vàng” thể thao xứ Quảng Phạm Thị Thu Hiền cũng là dấu ấn cá nhân, góp thêm vào thành tích ấn tượng của một năm đầy thành công của thể thao xứ Quảng. Cô gái người Tam Kỳ được xem là “tượng đài” của Taekwondo Việt Nam sau khi gặt hái nhiều vinh quang từ SEA Games, vô địch Đông Nam Á đến đấu trường Asiad; trong đó kỳ tích dự 5 kỳ SEA Games liên tiếp với 3 HCV và 2 HCB.
Theo dòng chảy lịch sử, Quảng Nam luôn biết cách khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thể thao cả nước ở nhiều môn, từ Pencak Silat, điền kinh, Võ cổ truyền đến Karate, Taekwondo, bóng đá và mới nhất là Wushu, Vovinam.
Điều đặc biệt là các kỳ SEA Games hoặc các giải quốc tế từ trước đến nay, Quảng Nam đều đóng góp những gương mặt ưu tú cho đội tuyển quốc gia và tất cả đều thành công, như Đặng Thị Thúy, Lê Thị Hồng Ngoan (Pencak Silat), Nguyễn Thị Hòa (điền kinh), Nguyễn Hồng Ninh (Võ cổ truyền), Bùi Thị Triều (Karate), Phạm Thị Thu Hiền (Taekwondo)…
Bên cạnh thể thao thành tích cao, Quảng Nam còn tập trung xây dựng, phát triển bền vững phong trào thể dục thể thao (TD-TT) cho mọi người, đặt nền móng vững chắc cho quá trình phát triển sự nghiệp TD-TT. Hàng năm, trung bình có khoảng 10 giải thể thao phong trào được tổ chức, tạo động lực cho các tầng lớp nhân dân tập luyện và thi đấu; qua đó góp phần phát hiện tài năng, tạo nguồn đào tạo, phát triển thể thao thành tích cao thông qua việc tuyển chọn, đào tạo tại Trung tâm Đào tạo - thi đấu TD-TT tỉnh.
Từ phong trào tại địa phương đã phát hiện một số tài tỏa sáng, trở thành tuyển thủ quốc gia, như bóng đá nữ có Trần Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Vạn, Lương Thị Thu Thương hay bóng đá Futsal là thủ môn Hồ Văn Ý. Công tác bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc, truyền thống cũng được quan tâm đúng mức.
Nhiều chính sách thu hút
Năm 2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 27 quy định chính sách thu hút, đãi ngộ đối với vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 – 2025 với kinh phí khoảng 12,8 tỷ đồng. Với chính sách này, Quảng Nam kỳ vọng thu hút VĐV và HLV có năng lực trên cả nước, giúp thể thao thành tích cao Quảng Nam có sự bứt phá, nâng lên tầm vóc mới tương xứng với các đơn vị, địa phương trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, từ nhiều năm qua, địa phương luôn dành nhiều sự quan tâm đối với công tác đào tạo, huấn luyện VĐV các đội tuyển bằng cách tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ về tiền công, dinh dưỡng trong thời gian tập huấn trước thi đấu. Điều này đảm bảo nguồn tuyển chọn VĐV vào các đội tuyển thể thao của tỉnh đạt chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, đáp ứng cho công tác phát triển thể thao thành tích cao.
Mới đây, Sở VH-TT-DL đã trình UBND tỉnh văn bản quy phạm pháp luật về "Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Nam".
Quy định trên nhằm áp dụng cho việc tính chi phí giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thể thao về tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao trên địa bàn tỉnh... Định mức này quy định mức đầu tư cho 27 môn thể thao với các chi phí được tính đúng, tính đủ, góp phần nâng tầm việc đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao của Quảng Nam thời gian tới.
Thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng
Trung tâm Thể dục Thể thao (TDTT) Phạm Gia (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), từ nhiều năm nay trở thành lựa chọn của những người mê thể thao. Từ sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân tennis tiêu chuẩn đến cả phòng tập thể hình đều được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp.
Xây dựng như một khu phức hợp thể thao giải trí, Trung tâm TDTT Phạm Gia đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dân địa phương. Không khí tập luyện, thi đấu giao hữu giữa các CLB bóng đá, tennis diễn ra sôi nổi, đặc biệt vào các dịp cuối tuần, thu hút nhiều người chơi, nhất là giới trẻ, cán bộ, viên chức, thanh thiếu niên.
Không mang tính quy mô như khu phức hợp thể thao nhưng các sân bóng đá cỏ nhân tạo cũng đang nở rộ tại nhiều địa phương. Chị Thu Phương – hiện đầu tư sân bóng cỏ nhân tạo tại huyện Nông Sơn cho biết, nhu cầu tập luyện thể thao, đặc biệt là bóng đá luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Với chất lượng đảm bảo, từ mặt sân được lót cỏ nhân tạo, có lưới cước bao quanh, hệ thống thoát nước và đèn cao áp chiếu sáng phục vụ ban đêm, sân bóng đá cỏ nhân tạo do chị Thu Phương đầu tư trở thành điểm đến được ưa thích của người dân vùng thượng nguồn.
Thống kê từ Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp và khoảng 250 hộ đầu tư kinh doanh và tổ chức hoạt động dịch vụ thể thao với nhiều loại hình hoạt động. Từ sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân quần vợt, hồ bơi, phòng tập thể dục thể hình và fitness, thể dục thẩm mỹ, yoga, billiards cho đến các loại hình thể thao mới như mô-tô nước trên biển, lặn biển, gofl, nhà tập cầu lông, bóng bàn, các CLB võ thuật... thu hút đông đảo người dân thường xuyên đến tập luyện, thi đấu.
Tận dụng từ các thiết chế
Trong kế hoạch phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Quảng Nam đặt mục tiêu 100% huyện có sân vận động, nhà tập luyện TDTT cũng như có 5 huyện có bể bơi đạt chuẩn.
Cạnh đó, 100% xã có ít nhất 1 công trình TDTT quy mô cấp xã từ sân vận động, nhà tập luyện TDTT, bể bơi, điểm lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục ngoài trời và các công trình thể thao khác. Các xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới phấn đấu có ít nhất 2 công trình TDTT và có điểm lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục ngoài trời. Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35% và số gia đình thể thao đạt 25%, số CLB TDTT tăng 3 - 5%/năm.
Bắt đầu từ cấp xã, phường, thị trấn của Quảng Nam đều đã hoàn thành quy hoạch đất cho TDTT. Số người tập luyện TDTT thường xuyên tính đến cuối năm 2022 đạt 33,5% và số gia đình thể thao đạt 23,9%. Toàn tỉnh đã thành lập 841 câu lạc bộ TDTT cùng hàng nghìn công trình thể thao hoạt động, hằng năm phục vụ khoảng 1.700 giải thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh.
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, việc lắp đặt các khu vui chơi, khu tập luyện TDTT ngoài trời tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đón nhận sự hưởng ứng của nhân dân đến tham gia sinh hoạt, luyện tập thường xuyên để nâng cao sức khỏe.
Các công trình, cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư và hoạt động có hiệu quả, thu hút đông đảo người dân thuộc mọi đối tượng tham gia, kích thích phong trào thể thao quần chúng phát triển sâu rộng.
Toàn tỉnh có 2.044 thiết chế thể thao, trong đó 1.484 thiết chế cấp thôn, 465 thiết chế cấp xã, 91 thiết chế cấp huyện và 4 thiết chế cấp tỉnh. Trong đó, có 650 khu thể thao thôn, tổ dân phố đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới (bao gồm sân bóng đá 7 - 11 người, sân bóng chuyền, cầu lông).
[VIDEO] - Sân bóng đá cỏ nhân tạo 5 người được Nhà nước đầu tư trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn Phú Đông, xã Tam Phú (Tam Kỳ) hiện đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng:
Được xem là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng, thể thao học đường thời gian qua được quan tâm rất lớn. Đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành GD-ĐT mà còn có sự vào cuộc đầy trách nhiệm của nhiều ngành, cơ quan, đơn vị, góp thêm vào sự phát triển thể thao học đường.
Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện năm học 2023 - 2024 đang diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương. Lãnh đạo ngành GD-ĐT các địa phương cho rằng, đây là dịp đánh giá công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học, tìm các giải pháp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Đồng thời giúp ngành GD-ĐT các địa phương tuyển chọn, tập huấn và bồi dưỡng tài năng thể thao, chuẩn bị lực lượng vận động viên (VĐV) tham gia thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng. Qua hoạt động thể thao trường học giúp những mầm tài năng thể thao nảy nở, cung cấp nguồn lực cho ngành TD-TT bồi dưỡng, đào tạo thành những VĐV chuyên nghiệp.
Hằng năm, ngành GD-ĐT cấp huyện, các trường học tổ chức một số giải thể thao, tạo sân chơi cho học trò. Còn với quy mô lớn hơn là Hội khỏe Phù Đổng, đây được xem là "đại hội TD-TT của ngành" được tổ chức bài bản từ cấp trường, huyện đến tỉnh.
Mỗi kỳ Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh thu hút khoảng 3.000 - 4.000 VĐV của 18 phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố và các trường THPT, phổ thông DTNT tham gia tranh tài, chưa kể hàng nghìn HS tham gia cổ vũ, tạo ra không khí sôi nổi. Số lượng môn thi đấu cũng ngày càng được mở rộng, gần nhất là Hội khỏe Phù Đổng lần thứ IX được tổ chức 13 môn, với các môn thể thao phát triển mạnh trong học đường, gồm bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh, bơi lội, cầu lông, đá cầu, bóng bàn, thể dục - aerobic, kéo co, đẩy gậy, cờ vua, võ cổ truyền.
Không chỉ riêng ngành GD-ĐT, thể thao học đường còn được nhiều ngành, cơ quan, tổ chức cùng “xắn tay áo” chăm lo. Nổi bật nhất phải kể đến giải Việt dã Báo Quảng Nam. Đều đặn 26 năm qua kể từ ngày Quảng Nam tái lập, giải Việt dã Báo Quảng Nam luôn dành cho học trò “khoảng sân” rộng lớn để các em học sinh bậc THCS và THPT thi thố tài năng. Thế nên, không ngạc nhiên khi năm nào giải cũng thu hút hầu hết đơn vị phòng GD-ĐT, trường THPT tham gia với số lượng VĐV đông đảo, trở thành lực lượng hùng hậu nhất của giải.
“Một mũi tên trúng hai đích”, thông qua sân chơi này, việc tạo nguồn cho ngành TD-TT có những tín hiệu tích cực, nhiều tài năng trẻ học đường đã có điều kiện bước lên đội tuyển năng khiếu của tỉnh. Trong số đó, một vài gương mặt ưu tú sau này trở thành VĐV chuyên nghiệp, gặt hái được kết quả cao tại giải quốc gia như Nguyễn Thị Hòa, Lê Thị Tươi, Tô Nhựt, Trần Thị Kiều.
Theo ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, xác định trường học là môi trường quan trọng nuôi dưỡng, phát triển năng khiếu thể thao, ngành TD-TT đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành GD-ĐT trong việc đưa các môn thể thao vào học đường. Với sự mới mẻ của việc dạy các môn thể thao trong trường học nên khi triển khai thí điểm vào năm 2016 tại 5 địa phương, đến nay 5 môn là Taekwondo, Karatedo, Võ cổ tuyền, bóng rổ và bóng đá đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.
Đáng chú ý, từ phong trào này đã có một số em thể hiện tốt năng khiếu, được tuyển chọn vào Trung tâm Đào tạo - thi đấu TD-TT tỉnh để phát triển tài năng, có thể kể đến như Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Nguyễn Hoàng Bảo My, Đỗ Huy Hoàng (Karate), Nguyễn Lâm, Nguyễn Hoàng Tường, Lê Thị Diễm Huỳnh (Võ cổ truyền).
Nói đến thể thao học đường, cũng cần nhắc sự hỗ trợ tích cực của tổ chức Swim Việt Nam trong phát triển môn bơi. Bắt đầu tổ chức dạy bơi cho học sinh Hội An từ năm 2008 và sau đó mở rộng ra Duy Xuyên, Tam Kỳ và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, đến nay Swim Việt Nam đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng xây dựng bể bơi và dạy bơi cho gần hàng chục nghìn học sinh. Nhờ đó, tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016, học trò Quảng Nam đã gây bất ngờ khi lập kỳ tích với 8 HCV, 5 HCB, 2 HCĐ môn bơi.
Muốn có thành tích ở đấu trường quốc gia, quốc tế thì việc đầu tư cơ sở vật chất lẫn con người đối với thể thao thành tích cao là cần thiết.
Để làm công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao, năm 1998 Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh được thành lập, đến năm 2019 đổi tên thành Trung tâm Đào tạo - thi đấu TD-TT tỉnh trên cơ sở hợp nhất Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh và Trung tâm TD-TT tỉnh. Theo thời gian, quy mô đào tạo tăng lên, từ 5 môn với 90 VĐV những năm đầu tiên đến nay có 13 môn với 270 VĐV. Mỗi môn có đủ 3 cấp độ gồm đội tuyển năng khiếu, tuyển trẻ, tuyển tỉnh bên cạnh tuyến năng khiếu ở cơ sở. Với nỗ lực trong đào tạo, huấn luyện, trung tâm đã mang về nhiều thành tích cho tỉnh nhà (riêng môn bóng đá chuyển sang CLB bóng đá Quảng Nam).
Kết qủa năm đầu triển khai, chính sách đãi ngộ theo Nghị quyết số 27, ngày 14/10/2022 của HĐND tỉnh đã cho thấy tín hiệu tích cực khi có 2 VĐV Quảng Nam giảnh 2 HCV thế giới. Thế nhưng, việc thu hút VĐV, HLV xem ra không dễ thực hiện vì đây là câu chuyện dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả cần có chiến lược xúc tiến, kêu gọi.
Trong chiến lược phát triển thể thao thành tích cao, ngành TD-TT xác định đầu tư sâu các môn nhóm I bao gồm đua thuyền, bắn súng, Karate, Vovinam, Taekwondo, Võ cổ truyền; nhóm II gồm Wushu, bóng chuyền, điền kinh, bơi. Đồng thời khuyến khích các môn theo hướng xã hội hóa như Billard Snooker, quần vợt, cầu lông, bóng bàn. Tuy nhiên, hiện nay bài toán thiếu đội ngũ HLV vẫn chưa có lời giải khi mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu.
Đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu cũng cần đầu tư thêm mới đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Nhà tập luyện được xây dựng cách đây hơn 20 năm là cơ sở phục vụ duy nhất của các bộ môn trong nhà, song diện tích nhỏ gây nhiều khó khăn.
Trong khi đó, nơi tập luyện của các bộ môn ngoài trời tạm bợ như môn đua thuyền phải lấy sông Tam Kỳ làm nơi tập luyện; điền kinh sử dụng đường piste sân Tam Kỳ hư hỏng nặng, rất dễ gây chấn thương cho VĐV; còn môn bắn súng phải gửi đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng do chưa có sân tập.
Thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy, hiện toàn ngành chỉ có 65/445 trường tiểu học, THCS có hồ bơi và tổ chức dạy bơi cho học sinh. Từ năm 2016, đề án phổ cập bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh được soạn thảo và mới đây một lần nữa được mang ra bàn bạc trở lại nhưng cuối cùng vẫn gặp trắc trở do khó khăn về nguồn kinh phí.
Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, Nghị quyết 11 (20/7/2021) của Tỉnh ủy nhấn mạnh đẩy mạnh công tác phổ cập bơi và phòng chống tai nạn do đuối nước trong các cơ sở giáo dục phổ thông và sự cấp thiết của đề án nên cần được thông qua để triển khai.
Trong khi đó, thể thao phong trào vẫn cần nhiều hơn sự quan tâm đầu tư của các địa phương, nhất là các giải trẻ. Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, kể từ năm 2023 ngành tập trung tổ chức nhiều giải đấu dành cho các lứa tuổi trẻ để qua đó vừa động viên, phát triển phong trào, tạo điều kiện cho VĐV thi đấu cọ xát, vừa góp phần phát hiện tài năng để bổ sung cho các đội năng khiếu của tỉnh. Hy vọng với cách làm này, sau vài năm sẽ có được lực lượng VĐV tốt cho thể thao thành tích cao của tỉnh.