Lê Ngọc Giá - người con của Điện Dương anh hùng
Lê Ngọc Giá sinh năm 1910 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hà Lộc, nay thuộc khối phố Tân Khai, phường Điện Dương (Điện Bàn). Lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân, đế quốc xâm chiếm, người thanh niên Lê Ngọc Giá sớm có tinh thần yêu nước.
Người thanh niên yêu nước
Sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Lê Ngọc Giá tham gia Hội Nông dân cứu quốc, được nhân dân cử làm Thôn trưởng thôn Hà Gia (Hà Lộc - Gia Lộc). Năm 1948, ông được kết nạp vào Đảng, lần lượt làm tổ trưởng đến Chi ủy viên Chi bộ Hồ Quang Ngự.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông tích cực trong mọi lĩnh vực công tác, từ việc vận động nhân dân tham gia Tuần lễ vàng, Tuần lễ đồng, hũ gạo kháng chiến, tăng gia sản xuất đến phong trào bố phòng xây dựng làng kháng chiến, động viên thanh niên tham gia dân quân du kích, tòng quân giết giặc.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, ông được cấp trên chỉ định ở lại hoạt động bí mật, lãnh đạo phong trào cách mạng tại quê nhà.
Nhằm phá âm mưu, vạch trần trò hề “trưng cầu dân ý” của chính quyền Ngô Đình Diệm vào tháng 10/1955, Lê Ngọc Giá cùng Nguyễn Chung, Lê Khế lãnh đạo cơ sở vận động quần chúng, biến cuộc trưng cầu dân ý tại Hà My thành cuộc biểu dương sức mạnh của nhân dân.
Cuộc bầu cử của địch bị thất bại, ông cùng chi ủy kịp thời chỉ đạo tiếp tục đấu tranh, khiêng người bị thương xuống đòi địch cứu chữa. Hơn 100 người già, phụ nữ, trẻ em kéo xuống Hội An đòi gặp Tỉnh trưởng Lê Khương giải quyết, kiến nghị Ủy ban Quốc tế can thiệp vụ việc.
Mặc dù hoảng hốt nhưng với bản chất tàn bạo, địch đã dùng trực thăng rà thấp uy hiếp; đồng thời tung bọn cảnh sát, công an mật vụ và một đại đội lính tỏa ra các ngả đường ngăn chặn và giải tán đoàn biểu tình.
Bà con bị đánh đập, chặn bắt nhưng đã tỏa đi các ngả đường la ó, hô khẩu hiệu, kích động, làm cho cả Hội An náo động. Trời càng về chiều, cuộc đấu tranh phải ngưng, địch bắn chết 3 người và một số bị thương, bắt giam 200 người. Ngày 25/10/1955, bọn công an mật vụ có lính hỗ trợ đã trở lại Điện Dương bắt Lê Ngọc Giá cùng một số cán bộ địa phương.
Gan dạ nơi ngục tù
Ở trong tù, bị địch dùng mọi cực hình tra tấn nhưng Lê Ngọc Giá không khai báo về cơ sở, về tổ chức. Vì vậy, chúng liệt ông vào loại “đầu sỏ, cộng sản gộc”. Ông bị chúng còng hai chân, hai tay, chỉ khi nào ăn mới mở còng.
Ban đêm, chúng tập hợp số tù nhân loại “đặc biệt nguy hiểm” lại bắt học tập “tố cộng” và “sám hối”. Đói khát, mỏi mệt, ông bị ngã, chúng cho là chống đối, là giả vờ nên xúm lại đánh đá và đưa đi biệt giam.
Quá căm giận, ông đã chửi lại chúng và nhảy lên xé cờ địch, đá đổ đèn, miệng hô khẩu hiệu “Đả đảo bọn tay sai bán nước”. Bọn chúng ùa vào bắt ông, đánh đá hội đồng. Đến khi ông ngất đi, chúng lôi ra, dội nước lạnh cho ông tỉnh lại. Chúng cắt hai nhượng chân ông. Đau đớn, bất tỉnh, tưởng ông đã chết, chúng cho lính chở ông lên bãi cát Cẩm Hà vứt xác ở gò hoang.
Qua dò la tin tức, cơ sở của ta đã tìm cách khiêng ông về nhà ở Hà Gia. Khi địch bắt giam ông ở Nhà lao Thông Đăng Hội An, nhằm gây chia rẽ, nghi ngờ trong nhân dân, chúng đã xuyên tạc, phao tin ông khai báo cơ sở, tổ chức.
Lúc đầu, nhân dân còn phân vân, bán tín bán nghi, nhưng tấm gương trung kiên, bất khuất của Lê Ngọc Giá dần dần được chứng minh, tạo niềm tin trong quần chúng.
Khi ông về đến nhà, vợ đau yếu, các con còn dại, kinh tế rất khó khăn, ông phải bán mấy sào ruộng hương hỏa để chạy chữa. Hai chân ông bị bại liệt, phải đi bằng hai tay, hai chân phải cột vào hai chiếc guốc, lê từng bước một.
Người chiến sĩ kiên trung
Dần dà, sức khỏe được hồi phục, Lê Ngọc Giá tiếp tục bí mật lãnh đạo phong trào cách mạng. Thời kỳ này chính quyền ngụy âm mưu “tố cộng”, lập “ấp chiến lược” rất ác liệt. Bọn ác ôn ngày ngày hoành hành, kìm kẹp nhân dân, rình rập, đàn áp phong trào. Nhiều địa phương bị đứt liên lạc. Tuy nhiên, ở Điện Dương, cơ sở vẫn tồn tại, phong trào được duy trì nhờ sự năng nổ, tận tụy của ông.
Tháng 8/1964, trước khí thế cách mạng lên cao, phong trào diệt ác, phá kèm diễn ra sôi sục. Khi có quyết định cấp trên cho Điện Dương tiến hành đồng khởi, các đồng chí lãnh đạo xã, chủ chốt là Lê Ngọc Giá đã khéo léo qua cơ sở nội ứng điều 2 trung đội dân vệ đi qua địa phương khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho toàn xã vùng lên cướp chính quyền. Khi thành lập UBND tự quản xã, ông được cử làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã.
Cùng với toàn huyện Điện Bàn, Điện Dương bước vào cuộc chiến đấu mới, trực tiếp đương đầu với lính thủy đánh bộ Mỹ thiện chiến được trang bị đầy đủ vũ khí. Điện Dương lập làng chiến đấu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công”, nhất là xây dựng thế trận lòng dân vừa đấu tranh chính trị hợp pháp vừa đấu tranh binh địch vận.
Thời điểm này, Lê Ngọc Giá lãnh đạo quân dân trong xã kiên cường bám trụ, chống càn, quyết tâm đánh thắng trận đầu tại Cồn Chờ. Lê Ngọc Giá cũng đã động viên 3 con trai và 1 con gái lần lượt thoát ly tham gia kháng chiến. Lê Ngọc Diện, Lê Ngọc Tửu vào bộ đội, Lê Ngọc Trúc vào lực lượng thanh niên xung phong, Lê Thị Sửu vào Tiểu đoàn vận tải Bà Thao.
Những người con của ông tham gia kháng chiến lần lượt hy sinh. Vợ ông tham gia công tác Hội Phụ nữ giải phóng, giúp đỡ cán bộ, bộ đội du kích. Gia đình ông còn có tài sản gì cũng đều cống hiến để nuôi dưỡng, giúp đỡ cán bộ, bộ đội hoạt động.
Đầu năm 1968, Lê Ngọc Giá lên huyện Điện Bàn dự họp, khi trở về đến địa phương, những vết thương tái phát hành hạ, ông đã trút hơi thở cuối cùng ở căn hầm bí mật, trong một trận càn dài ngày của lính Mỹ, để lại nhiều tiếc thương cho đồng chí, đồng bào quê nhà. Ghi nhận những công lao đóng góp của ông đối với phong trào cách mạng ở Điện Dương, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lê Ngọc Giá.
Ngày nay, mỗi lần nhắc đến anh hùng liệt sĩ Lê Ngọc Giá, người dân Điện Dương đều ca ngợi tấm gương kiên trung, bất khuất với một niềm kính trọng. Hài cốt của ông sau giải phóng, năm 1975 được bà con phát hiện đưa về mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Dương.
Qua hai cuộc kháng chiến, gia đình Lê Ngọc Giá có 5 liệt sĩ, 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhằm ghi nhớ công lao của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con trung hiếu của quê hương Điện Dương, tên ông đã được đặt cho Trường THCS Lê Ngọc Giá ở khối phố Hà My Trung, Điện Dương.