Hành lang pháp lý chặt chẽ để bảo tồn di tích
Trùng tu, bảo tồn di tích cần được quản lý chặt chẽ hơn, tránh “lỗ hổng” từ pháp lý dẫn tới bất cập trong công tác này. Đây chính là căn nguyên để dự thảo Luật Di sản sửa đổi đang được quan tâm.
Dự kiến, Luật Di sản sửa đổi sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, kỳ vọng tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để bảo vệ di sản.
Từ thực tế
Với điểm nhìn tại Quảng Nam, đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, từ Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật có liên quan, hiện nay có một số quy định cần được điều chỉnh, bổ sung.
Đặc biệt, những nảy sinh từ sở hữu cá nhân di sản chính là vấn đề khiến công tác quản lý, bảo tồn gặp nhiều khó khăn.
Số liệu thống kê từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, trong khu vực I, di tích thuộc sở hữu tư nhân chiếm 82,3%, di tích thuộc sở hữu cộng đồng chiếm 1,2%, di tích thuộc sở hữu nhà nước chiếm 16,5%.
Liên tục gia tăng các trường hợp chuyển nhượng, mua bán nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân dẫn đến tình trạng báo động về phai nhạt văn hóa, suy giảm giá trị di tích tại đô thị cổ Hội An. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có cơ chế chủ di tích ưu tiên chuyển nhượng lại cho Nhà nước nhằm mục đích bảo vệ di tích đó.
Theo Bộ VH-TT&DL, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm “quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”. Dự thảo Luật này gồm 10 chương, 154 điều, sửa đổi nhiều điều chưa phù hợp và bổ sung những nội dung mới. Trong đó, có thêm các nội dung liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu; hợp tác quốc tế về di sản văn hóa; những quy định về khuyến khích tư nhân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, mua cổ vật từ nước ngoài hiến tặng cho Nhà nước...
Hiện nay, tại khu vực phố cổ có phần lớn công trình kiến trúc nghệ thuật và nhà ở, nhưng cũng chỉ có 30% số di tích nhà ở có người dân gốc Hội An sinh sống, 40% ngôi nhà đã được cho thuê kinh doanh buôn bán. Ngoài ra, có khoảng 30% ngôi nhà trong phố cổ đã được bán cho chủ mới đến từ địa phương khác mua đầu tư hoặc cho thuê lại kinh doanh.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, hiện nay, luật chưa quy định việc cấm hay hạn chế mua bán, chuyển nhượng các loại hình di tích sở hữu tư nhân này nên không thể can thiệp.
Hội An còn gặp tình trạng những di tích sở hữu cộng đồng (đình, miếu, hội quán) khó xác định chủ thể để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Cùng với khó khăn khi quản lý di tích sở hữu tư nhân, Hội An gặp vấn đề về thẩm định hồ sơ tu bổ di tích khi thẩm quyền thẩm định hồ sơ tu bổ thuộc Bộ VH-TT&DL.
Do vậy, thủ tục thường mất nhiều thời gian cũng như cần phải lấy ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành, kể cả trong trường hợp tu bổ ở quy mô nhỏ, trong khi việc tu bổ phải được thực hiện liên tục, chưa kể nhiều trường hợp phải tu bổ khẩn cấp...
Đề xuất Quỹ bảo tồn di sản
Tại cuộc làm việc cùng đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, đại diện Sở VH-TT&DL đề nghị có cơ chế đặc thù về bảo tồn, phát huy Di sản thế giới Đô thị cổ Hội An.
Theo đó, cần xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định trong Nghị định số 166 theo hướng đối với việc sửa chữa nhỏ, gia cường, gia cố (không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích) trong di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, thì giao cho địa phương thẩm định, tạo thuận lợi và kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, dù Quảng Nam luôn đặt câu chuyện đầu tư, tu bổ di tích lên hàng đầu nhưng do thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ dẫn đến hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh luôn có nguy cơ bị hư hại, xuống cấp.
Trong khi đó, nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư tu bổ di tích còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Quảng Nam đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản để tạo cơ chế, cơ sở pháp lý cho tỉnh trong việc huy động, quản lý và sử dụng kinh phí để bảo tồn, tu bổ hệ thống di tích, đặc biệt đối với các di sản văn hóa thế giới.
Đối với di tích sở hữu tư nhân, theo các chuyên gia, Luật Di sản cần có những quy định cụ thể, có tính đặc thù về vấn đề sở hữu di tích, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích để đảm bảo vấn đề về mặt quản lý nhà nước và thực thi các giải pháp quản lý, bảo tồn di sản.
Cùng với tạo hành lang pháp lý về công tác quản lý di sản, dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi đề xuất bổ sung các quy định tạo điều kiện để nghệ nhân, người thực hành có thể đóng góp hơn nữa vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng. bắt buộc đăng ký cổ vật, di vật trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân cũng như cần có quy định bảo vệ di tích và hiện vật sau khi khai quật đối với các di tích khảo cổ.