Đảm bảo an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản: Làm rõ nguồn gốc hàng hóa

VIỆT NGUYỄN 15/01/2024 08:45

Với nhiều khó khăn, bất cập về chất lượng sản phẩm nông - lâm - thủy sản, ngành chức năng vào cuộc, triển khai những giải pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chuỗi liên kết nông - lâm - thủy sản an toàn cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT
Chuỗi liên kết nông - lâm - thủy sản an toàn cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT

Thực trạng

Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ về an toàn thực phẩm (ATTP), đáng chú ý là việc sử dụng sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có dấu kiểm soát giết mổ, không có tem vệ sinh thú y.

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã lấy nhiều mẫu thực phẩm nông - lâm - thủy sản, phát hiện nhiều mẫu không đạt yêu cầu.

Nước mắm có hàm lượng Acesulfame Potassium-E950 vượt mức quy định; chả (heo, bò, cá) có các chỉ tiêu về Borat, Natri Natri benzoat, Acid sorbic không đạt yêu cầu ATTP.

Liên quan đến sản xuất chả, trong năm 2023 UBND huyện Quế Sơn xử phạt 3 cơ sở sản xuất chả trên địa bàn huyện với số tiền 27 triệu đồng. Qua thanh tra liên ngành, Phòng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã xử phạt một cơ sở 6 triệu đồng.

Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo xây dựng đề án kiện toàn hệ thống quản lý ATTP sản phẩm nông - lâm - thủy sản từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã để đi vào nền nếp. Đây cũng là cách để khắc phục tình trạng kiêm nhiệm và luôn thay đổi nhiệm vụ quản lý chất lượng sản phẩm ở tuyến huyện và tuyến xã. Trước mắt, UBND tỉnh cần chỉ đạo cấp huyện ưu tiên bố trí nhân sự, ngân sách cho quản lý chất lượng, ATTP sản phẩm nông - lâm - thủy sản.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cả chủ cơ sở giết mổ lẫn người tiêu dùng còn chưa quan tâm đúng mức đến yêu cầu sản phẩm giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP.

Nhiều địa phương quan tâm chưa đúng mức đến giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP. Hệ thống sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, số vùng chuyên canh chưa nhiều dễ phát sinh mất ATTP.

Chợ cóc, chợ tạm phục vụ dân sinh còn nhiều khiến sản phẩm trôi nổi mà người tiêu dùng lại có thói quen tiện đâu mua đấy, ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Riêng về thủy sản, phần lớn tàu cá được đóng lâu năm nên hầm bảo quản, trang thiết bị không đảm bảo ATTP. Nhiều địa phương toàn tỉnh không có cơ sở giết mổ tập trung. Các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông - lâm - thủy sản chủ yếu ở quy mô nhỏ hộ gia đình, thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất nên rất khó quản lý chặt.

Cần truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Phần lớn người dân chưa chú trọng về thông tin thực phẩm trên bàn ăn nhà mình. Các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) không chứng minh được nguồn gốc hay địa chỉ trồng trọt.

Phải truy xuất nguồn gốc thực phẩm để giải quyết căn nguyên mất ATTP. Việc truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng biết được “lý lịch” của thực phẩm, biết hàng hóa này đi đâu, phân phối như thế nào và nếu không đạt chất lượng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học.

Hiện nay khuynh hướng người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng của các sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Vậy nên việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.

Chị Nguyễn Lan Anh (phường Tận Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho rằng, chỉ một thao tác quét mã đơn giản là có thể nhận biết rõ “đường đi” của hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nhất là trồng ở đâu, canh tác như thế nào, có áp dụng VietGAP, hữu cơ hay không.

Truy tìm chất lượng hàng hóa nông - lâm - thủy sản cần được phổ biến không chỉ ở siêu thị, trung tâm thương mại mà cả ở các chợ truyền thống, quầy bán lẻ. Truy xuất nguồn gốc không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tránh vấn nạn hàng giả, hàng nhái lan tràn.

Ông Nguyễn Xuân Vũ nói, giải quyết vấn nạn mất ATTP đối với sản phẩm nông - lâm - thủy sản là nhiệm vụ bắt buộc. Ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng nông - lâm - thủy sản chất lượng, an toàn. Các địa phương cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

“Ngành nông nghiệp, các địa phương tiếp tục tuyên truyền thay đổi ý thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn. Người tiêu dùng nên chọn mua hàng hóa từ các nhà cung cấp uy tín, ưu tiên các mặt hàng đã được kiểm định, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng” - ông Vũ nói.

VIỆT NGUYỄN