Khởi nghiệp với... rác
Nhiều mô hình khởi nghiệp ở Quảng Nam đã chọn hướng kinh doanh từ việc tận dụng những vật liệu tưởng chừng bỏ đi, qua đó giúp bảo vệ môi trường, nâng cao vòng đời tuần hoàn của rác thải.
1. Trần Thị Kim Soi đang trở thành cái tên quen thuộc gắn với những sản phẩm tái chế vải vụn. Quê gốc tỉnh Phú Yên, từ hơn 10 năm trước Kim Soi đã bén duyên với Hội An sau một lần đến vùng đất này.
Thời gian đầu, chị làm việc cho một tiệm may đo thời trang khu vực phố cổ. Nhận thấy nhiều mẫu vải vụn thừa bị vứt bỏ trong quá trình may trang phục, chị lấy làm thử những chiếc vòng tay, cài tóc nhỏ xinh tặng khách như một phụ kiện thời trang đi kèm khi mua hàng, không ngờ hầu hết khách đều thích thú đón nhận, đồng thời nhiều người hỏi mua. Chính những phản hồi tích cực trên đã tạo động lực để chị Soi mạnh dạn khởi nghiệp từ sản phẩm vải vụn tái chế.
Thời gian đầu, Kim Soi khá vất vả để lên ý tưởng cho từng loại sản phẩm bởi vải vụn rất lộn xộn, đủ màu sắc, kích cỡ nên khó thể sản xuất hàng loạt. Được sự hỗ trợ của chồng là họa sĩ, nhiều mẫu sản phẩm xinh xắn mang thương hiệu “Soi Handmade” lần lượt ra đời.
Vài năm gần đây các trào lưu lối sống xanh, phát triển xanh, tăng trưởng xanh… đã tác động tích cực đến xu hướng khởi nghiệp sáng tạo. Không ít mô hình khởi nghiệp từ rác thải xuất hiện ở Quảng Nam, có thể kể đến như mô hình khởi nghiệp phân bón hữu cơ từ lông gà Thịnh Vương (Duy Xuyên), sản xuất xà phòng từ dầu ăn thừa (Hội An), hay khởi nghiệp thời trang mo cau của Võ Thị Thu Thôi (Tiên Phước)…
Năm 2019, khi sản phẩm đã được nhiều người biết đến, Soi Handmade bắt đầu mở rộng hệ thống phân phối phụ kiện trang phục vào các cửa hàng, shop thời trang. Đồng thời tham gia nhiều hơn vào các chợ phiên, hội chợ, sự kiện du lịch…
Đến nay, khoảng 40 nhóm mẫu sản phẩm với hàng trăm kích cỡ như cài tóc, băng đô, kẹp tóc, dây buộc tóc, khăn choàng cổ, khăn chéo tam giác, mũ áo, túi xách, ví vải… đã được cung cấp đến khách hàng với giá bán mỗi sản phẩm từ 15.000 đến 550 nghìn đồng tùy loại.
Nhiều trang phục trở nên sang trọng, tinh tế hơn nhờ phụ kiện Soi Handmade đính kèm. Theo từng năm, doanh thu bán hàng của Soi Handmade không ngừng gia tăng, riêng năm 2023, ước đạt hơn 400 triệu đồng, càng thúc đẩy chị Kim Soi mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần “tái chế” hàng tấn vải vụn từ các cơ sở may nhanh trên địa bàn TP.Hội An.
Hiện Soi Handmade có 3 điểm trưng bày, bán hàng tại Hội An và Huế, dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng thêm, nhất là đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử... Soi Handmade cũng liên kết với các chi hội phụ nữ địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn dành cho phụ nữ yếu thế làm ẩn phẩm, giúp tạo thu nhập và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
Tại xưởng may Soi handmade ở phường Điện Nam Đông (Điện Bàn) mỗi ngày có khoảng 10 phụ nữ đến làm việc hoặc nhận hàng mang về nhà làm, tạo thu nhập tăng thêm bình quân mỗi tháng 1,5 - 3 triệu đồng.
2. Giữa tháng 12/2023, chuỗi cửa hàng Refillables Đong Đầy kỷ niệm 5 năm thành lập. Hình thành vào tháng 12/2018 với tên gọi Refillables Hội An, cửa hàng là nơi đầu tiên ở Hội An chuyên cung cấp sản phẩm sinh thái thân thiện môi trường.
Bà Alison Batchelor - người sáng lập cửa hàng cho biết, điều quan trọng khiến bà chọn dòng sản phẩm sạch, tái chế để khởi nghiệp tại Việt Nam vì bản thân cảm nhận được những lợi ích mà sản phẩm mang lại.
Tại Refillables, người mua hàng tự mang chai lọ đến để đong đầy sản phẩm hoặc mang chai nhựa, bao ny lon đến đổi lấy quà… Từ khoảng 17 sản phẩm ban đầu, đến nay Refillables có gần 300 sản phẩm gồm thực phẩm ngũ cốc sạch và nhiều chất sinh học được chiết xuất từ các loại cây lá bản địa. Không ít trong số này là sản phẩm được tái chế từ dầu ăn thừa, như xà phòng rửa chén, chất tẩy rửa, xà phòng rửa tay, nước xịt bề mặt…
Refillables Đong Đầy hiện có 3 cửa hàng (gồm 2 cửa hàng tại Hội An và 1 tại Hà Nội), tính đến tháng 12/2023 tổng số lượng bao bì, chai nhựa được tái sử dựng hơn 68,2 nghìn lượt, đồng nghĩa giúp gia tăng vòng đời của chừng ấy chai nhựa, túi ny lon giảm thải ra môi trường. Bà Alison chia sẻ, Refillables Đong Đầy không đơn thuần là mô hình khởi nghiệp mà còn truyền trải thông điệp về vòng đời của rác.
“Ngay từ đầu, tôi đã tập trung vào việc thiết lập và giúp cộng đồng nạp lại các sản phẩm thiết yếu bằng cách tận dụng những chai nhựa thay vì vứt đi. Cụ thể, tất cả sản phẩm san chiết sang bao bì đều có thể dùng lại mà không phát sinh vật chứa đựng mới, giúp gia tăng vòng đời của rác, góp phần giảm thiểu trực tiếp rác thải nhựa” - bà Alison nói.