Vướng nâng cấp hạ tầng dịch vụ Mỹ Sơn
Bên cạnh giá trị về kiến trúc, điêu khắc, hạ tầng dịch vụ được xem đóng vai trò then chốt giúp thu hút nhiều du khách đến tham quan Khu di tích Mỹ Sơn. Tuy nhiên, do những quy định bắt buộc về quản lý di sản nên việc phát triển hạ tầng dịch vụ tại khu vực này gặp không ít vướng mắc.
Loay hoay di dời nhà biểu diễn văn nghệ
Được xây dựng từ hơn 20 năm trước, nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm đang trở nên chật chội so với lượng khách đến tham quan Khu di tích Mỹ Sơn ngày càng đông. Thậm chí, tại một số thời điểm, khách du lịch phải ngồi tràn xuống đất để xem biểu diễn.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - hướng dẫn viên Công ty Du lịch An Phú (Hội An) cho rằng, đã đến lúc cần mở rộng diện tích nhà biểu diễn để đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách. “Tôi dẫn khách lên Mỹ Sơn hơn 20 năm rồi và đến nay nhà biểu diễn hầu như chưa thay đổi. Thời gian tới rất mong có sự đầu tư, nâng cấp nhà biểu diễn đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách” - ông Dũng đề xuất.
Bắt đầu hoạt động trình diễn từ khoảng năm 2002, chương trình văn nghệ dân gian Chăm luôn được du khách đánh giá cao về tính độc đáo và sự khác biệt. Những năm qua, Ban Quản lý (BQL) di sản văn hóa Mỹ Sơn đã không ngừng bổ sung nhiều tiết mục mới và gia tăng số lượt biểu diễn.
Cụ thể, ngoài trình diễn 4 suất mỗi ngày tại nhà biểu diễn (sáng 2 suất, chiều 2 suất), các diễn viên cũng sẽ có 1 suất trình diễn tại khu tháp G. Theo ông Phan Hộ - Giám đốc BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn, trước đây do điều kiện và hoàn cảnh lịch sử nên tạm thời xây dựng nhà biểu diễn tại khu vực vùng lõi để phục vụ du khách tham quan, nhưng bây giờ vị trí này không còn phù hợp với công tác bảo tồn và gìn giữ di sản nên phải di dời.
“Trong quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020, nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm dự kiến được bố trí tại khu vực nhà đôi (bên ngoài vùng lõi di tích khoảng 300m). Tuy nhiên qua khảo cổ thăm dò vị trí này đã phát hiện dấu vết công trình dân dụng của người Chăm xưa nên phải tạm dừng tìm vị trí khác” - ông Hộ nói.
Dự kiến, công trình nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm sẽ được tiếp tục bố trí tại khu vực đồi thông cách vị trí cũ tại khu nhà đôi khoảng 100m về hướng Đông Bắc.
“Hiện nay chúng tôi cũng đã đưa công trình nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm vào quy hoạch tổng thể đến năm 2030 định hướng đến năm 2050. Mục tiêu của BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn là khi làm nhà văn nghệ phải đảm bảo hai yếu tố gồm đáp ứng được công năng phục vụ lượng khách lớn từ 500 - 1.000 khách và là công trình nghệ thuật ấn tượng phù hợp với cảnh quan xung quanh nhằm tạo thêm điểm nhấn cho Mỹ Sơn” - ông Hộ nói.
Thận trọng với Mỹ Sơn
Sau hơn 25 năm phát triển du lịch, Mỹ Sơn không chỉ hấp dẫn với những công trình kiến trúc đền tháp mà còn tạo ấn tượng với du khách về cảnh quan, sinh thái và hạ tầng dịch vụ.
Từ sau đại dịch COVID-19, việc phát triển sản phẩm du lịch, cải tạo hạ tầng, nâng cao chất lược dịch vụ được BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn chú trọng: Đầu tư nâng cấp hệ thống xe điện, xây dựng hệ thống phun sương đường nội bộ, cải tạo cảnh quan cây xanh tại các điểm ghế đá, chỗ dừng nghỉ, đặt camera quan sát…
Năm 2023, Khu di tích Mỹ Sơn đón 380 nghìn lượt khách mua vé tham quan, đạt 344,31% so với cùng kỳ, trong đó khách nước ngoài đạt 335 nghìn lượt, đạt trên 500% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt hơn 60,3 tỷ đồng, đạt 360,19% so với cùng kỳ, vượt gần 216% kế hoạch cả năm.
Riêng doanh thu dịch vụ bán hàng đạt 5,3 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 248,62%. Tuy nhiên, phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch tại khu di tích cũng tồn tại những thách thức do du khách tập trung vào một thời điểm, những quy định khắt khe của công tác bảo tồn di sản.
Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch năm 2023 vừa diễn ra cuối tuần qua, một số ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ trong một số thời điểm chưa đáp ứng nhu cầu du khách tham quan như hệ thống đường nội bộ, công trình vệ sinh hay nghiên cứu bố trí xe đạp cho khách di chuyển vào di tích…
Ông Phan Hộ cho rằng, các ý kiến nêu trên đều xác đáng nhưng việc triển khai vào thực tế không hề đơn giản, bởi bất cứ đầu tư xây dựng nào ở Mỹ Sơn cũng phải thận trọng và tuân thủ Luật Di sản cũng như những quy định của UNESCO và pháp luật hiện hành.
“Mỹ Sơn rộng lớn thế nhưng muốn làm nhà xe chỗ nào cũng không phải dễ vì đều vướng vấn đề bảo tồn, bởi với Mỹ Sơn bảo tồn vẫn là yếu tố đầu tiên. Hiện nay, chúng tôi đã làm quy hoạch cho Mỹ Sơn, bây giờ nếu phát sinh công trình gì phải xin điều chỉnh quy hoạch.
Đối với ý kiến bố trí xe đạp để du khách tham quan cũng rất khó thực hiện. Trước đây, hoạt động này đã được triển khai nhưng vấp phải ý kiến phản ánh Mỹ Sơn không phải là công viên hóa di tích nên phải dừng hoạt động” - ông Hộ chia sẻ.