Doanh nghiệp khởi nghiệp đa dạng hóa sản phẩm
Từ chỗ chỉ có một hoặc vài sản phẩm ban đầu, qua thời gian, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong tỉnh từng bước đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trước khi đa dạng hóa sản phẩm, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã tập trung chuyên môn hóa sản xuất nhằm định vị sản phẩm để tạo ấn tượng với người tiêu dùng. Công ty TNHH Sản xuất thương mại Quý Thu (Quế Sơn) hiện có bánh dừa nướng, bánh da dẻo, bánh chưng….
Tuy nhiên nhắc đến thương hiệu Quý Thu, là khách hàng nghĩ ngay đến bánh dừa nướng. Đối với HTX quế Trà My - Minh Phúc thì từ nguyên liệu chủ lực là quế, và sản phẩm chủ lực ban đầu là tinh dầu quế, HTX cho ra đời thêm hàng chục loại sản phẩm, đều từ quế: bột quế, dầu quế xoa bóp, nước rửa tay, nước rửa chén, nước lau sàn, quế cạo vỏ…
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp xứ Quảng chia sẻ, để có được thành công trong khởi nghiệp thì doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp cần nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, như thế mới có thị trường bền vững và lâu dài.
Trong các diễn đàn khởi nghiệp, bà Huỳnh Thị Thu Thủy (người sáng lập HTX Sản xuất nông sản thực phẩm Bà Bà Hội, Tam Kỳ) chia sẻ, nếu chỉ phát triển một hoặc vài sản phẩm thì doanh nghiệp khó đảm bảo tính bền vững, nhất là khi thị trường biến động và nhiều sản phẩm cùng loại cạnh tranh thì sẽ doanh nghiệp khó theo kịp. Hơn nữa, phát triển một hoặc vài sản phẩm thì sẽ không khai thác hết được tiện ích, công năng của hệ thống trang thiết bị đã đầu tư, dẫn đến lãng phí.
Bà Thu Thủy lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp mình: bắt đầu khởi nghiệp chỉ có 3 sản phẩm chính từ nếp là bánh chưng, bánh tét, bánh tổ, đến nay HTX đã có tổng cộng 16 sản phẩm, từ nhiều loại nguyên liệu: từ hải sản (cá nục, mực, cá đỏ củ), nông sản (nếp, dừa, gừng, gạo)… Bà Thủy đơn cử, chỉ từ một nguồn nguyên liệu đầu vào như nếp, thì đã có thể chế biến sâu thành 15 loại bánh khác nhau.
“Đa dạng hóa sản phẩm là nhu cầu tự thân để doanh nghiệp phát triển bền vững và lâu dài, hướng đến phục vụ nhiều đối tượng khách hàng và cũng phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, đặc biệt càng ngày khách hàng càng yêu cầu và mong muốn có sản phẩm chất lượng cao hơn với mẫu mã đẹp” - bà Thu Thủy nói.
Đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường, sản xuất và cung cấp đa dạng sản phẩm/ dịch vụ vừa để phù hợp với nhu cầu khách hàng, vừa phù hợp với điều kiện của của mỗi doanh nghiệp là cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Tuy nhiên đây không phải là điều dễ dàng và có khi tiềm ẩn rủi ro.
Có doanh nghiệp cải tiến sản phẩm hiện có để tạo thêm nhiều dòng và mặt hàng mới; mở rộng thêm chủng loại sản phẩm hoặc tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới. Việc đa dạng hóa sản phẩm thường được các doanh nghiệp thực hiện trên cơ sở sử dụng tổng hợp nguyên vật liệu sẵn có; hoặc sử dụng lại phế liệu, phế phẩm…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đa dạng hóa sản phẩm trong phạm vi nguồn lực hiện có, có bổ sung một phần vốn đầu tư là cách được nhiều doanh nghiệp chọn và giúp doanh nghiệp hạn chế được rủi ro trong sản xuất kinh doanh.