Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024: Xây dựng lại lòng tin
(QNO) - Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên 2024 - Davos 2024 diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ từ ngày 15 - 19/1 tập trung vào các vấn đề toàn cầu với phương châm "xây dựng lại niềm tin".
Davos 2024 thu hút hơn 2.800 đại biểu từ các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự ở 120 quốc gia và khu vực tham gia.
Ngăn chặn xung đột
Theo các nhà phân tích, khi chúng ta phải đối mặt với một thế giới ngày càng rạn nứt và phân cực, Davos 2024 sẽ xem xét các cách xây dựng lại và củng cố niềm tin giữa các bên liên quan trên toàn cầu.
Đây là một trong những điểm quan trọng nhất trong chương trình nghị sự năm nay, đặc biệt khi các cuộc xung đột đang tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới. Điều này có nghĩa sự hợp tác toàn cầu nhằm xác định, ngăn chặn và quản lý những rủi ro xung đột trở nên quan trọng hơn trong những tháng gần đây.
Tạo tăng trưởng và việc làm
Mặc dù hiện tại một số quốc gia như Mỹ và Anh có tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp, nhưng một số quốc gia khác gồm Hy Lạp, Columbia, Tây Ban Nha, Chile và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao.
Phần lớn thế giới cũng đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại do ảnh hưởng lâu dài của đại dịch COVID-19 khiến một số doanh nghiệp phải cắt giảm công suất và các chính phủ phải chuyển nguồn vốn sang các biện pháp kích thích và hỗ trợ.
Davos 2024 sẽ tập trung vào cách các chính phủ và doanh nghiệp có thể cùng nhau tạo ra một chiến lược lấy con người làm trung tâm hơn khi tạo không gian cho việc làm mới và tăng trưởng trong vài năm tới.
Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) là động lực cho kinh tế, xã hội. Theo McKinsey, công nghiệp 4.0 là giai đoạn tiếp theo trong quá trình số hóa lĩnh vực sản xuất được thúc đẩy bởi các xu hướng đột phá gồm sự gia tăng của dữ liệu, kết nối, phân tích, tương tác giữa người, máy và cải tiến về robot.
Vì thế, Davos 2024 dự kiến tập trung vào cách các công ty và chính phủ có thể sử dụng công nghệ và công cụ dựa trên AI để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, cải thiện chuỗi cung ứng, dự đoán tốt hơn về thiên tai cũng như tăng tính minh bạch và hợp tác giữa các quốc gia.
Mặc dù AI được ca ngợi là một trong những xu hướng công nghệ mang tính biến đổi nhất trong vài năm qua, một số nhà lãnh đạo công nghệ cũng cảnh báo về những rủi ro mà AI mang lại.
Davos sẽ không chỉ tập trung vào các hạng mục như bối cảnh pháp lý cho AI và cách AI có thể cộng tác với các công nghệ mới nổi khác, mà còn xem xét cách làm cho AI an toàn, hiệu quả cho các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng.
Chiến lược dài hạn về khí hậu
Theo dự án khoa học độc lập Climate Action Tracker (CAT), hiện tại chưa có quốc gia nào đáp ứng được mục tiêu nhằm góp phần hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Do đó, Davos 2024 sẽ xem xét việc tạo ra và cải thiện các phương pháp lâu dài, bền vững để tiến gần hơn một bước tới mức trung hòa các bon vào năm 2050 trong khi vẫn có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên an toàn, toàn diện và giá cả phải chăng như nước, năng lượng và thực phẩm.