Làm mát... Tam Kỳ

QUỐC TUẤN 18/01/2024 08:00

Việc được chọn là đô thị thí điểm triển khai dự án làm mát đô thị bền vững cho các thành phố ở Việt Nam giúp Tam Kỳ có thêm lối mở để hướng tới đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Quang cảnh hội thảo tham vấn giải pháp làm mát bền vững tại khu vực đô thị ở TP. Tam Kỳ diễn ra ngày 16/1. Ảnh: Q.T
Quang cảnh hội thảo tham vấn giải pháp làm mát bền vững tại khu vực đô thị ở TP. Tam Kỳ diễn ra ngày 16/1. Ảnh: Q.T

Thí điểm tại Tam Kỳ

Dự án “Thực hiện làm mát hiệu quả và thân thiện với khí hậu tại khu vực đô thị ở Việt Nam” được triển khai thí điểm ở Tam Kỳ. Qua đó, tạo cơ hội để đô thị tỉnh lị của Quảng Nam quản lý hiệu quả, là yếu tố thiết yếu để tạo ra thành phố bền vững, chống chịu và thích nghi được với những thách thức do nắng nóng cực đoan gây ra.

 Dự án “làm mát Tam Kỳ” tương thích với nhiều chính sách vĩ mô mà Quảng Nam đang hướng tới, bao gồm: quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025…

Theo ông Nguyễn Bá Tú - cán bộ Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT), ở hợp phần 1 của dự án, các đơn vị chuyên môn sẽ phân tích mô hình đảo nhiệt đô thị, phân tích sự biến đổi của nhiệt/tiện nghi nhiệt ở quy mô toàn thành phố, xác định các vị trí rủi ro cao về nhiệt, dự báo về UHI và sóng nhiệt trong tương lai, đánh giá các biện pháp tiềm năng và xây dựng kế hoạch làm mát đô thị cho TP.Tam Kỳ.

Trong quý 1/2024, dự án sẽ hoàn thành danh mục dự án đầu tư tiềm năng về làm mát bền vững cho TP.Tam Kỳ và lựa chọn 1 dự án thí điểm cho việc xây dựng nghiên cứu tiền khả thi.

Các “cụm dự án” tiềm năng để triển khai làm mát TP.Tam Kỳ đã bước đầu được định vị như: dự án làm mát theo khu vực dân cư, dự án làm mát khu đô thị, dự án làm mát các tòa nhà thương mại và công cộng.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), các dự án tiềm năng nghiên cứu phục vụ thí điểm dự án ở Tam Kỳ như: khu trung tâm truyền thống phường An Mỹ, phường An Xuân; đồi Trà Cai và phường Trường Xuân; khu đô thị An Phú (The Trident City); khách sạn Bàn Thạch, kho lạnh thực phẩm Công ty Việt Quang, sản xuất sản phẩm giấy của Công ty CP Hồng Đào Chu Lai…

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, việc tham gia dự án làm mát hiệu quả và thân thiện với khí hậu tại khu vực đô thị ở Việt Nam là cơ hội để TP.Tam Kỳ nói riêng và Quảng Nam nói chung kiểm soát việc sử dụng, tiêu thụ năng lượng điện. Qua đó, xây dựng kế hoạch cắt giảm năng lượng điện tiêu thụ, tăng cường khả năng làm mát bằng biện pháp làm mát thụ động cho các tòa nhà, tăng cường diện tích cây xanh, tạo mảng xanh cho thành phố…

Dự án “Thực hiện làm mát hiệu quả và thân thiện với khí hậu tại khu vực đô thị ở Việt Nam thí điểm tại TP.Tam Kỳ” trong khuôn khổ Chương trình hợp tác làm mát bền vững được thực hiện thông qua UNEP và GGGI.

Sau gần 1 năm triển khai tại Tam Kỳ, các chuyên gia tư vấn đã thực hiện khảo sát thu thập thông tin, dữ liệu liên quan và đo đạc mức nhiệt tại một số địa điểm trên toàn TP.Tam Kỳ để đưa ra kế hoạch hành động làm mát cho đô thị. Dự án gồm 3 hợp phần và TP.Tam Kỳ là một trong 2 đô thị trên cả nước đang triển khai thí điểm ở hợp phần 1.

Hướng đến đô thị thích ứng biến đổi khí hậu

Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030, 2045. Trong đó, mục phấn đấu xây dựng tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2025.

TP.Tam Kỳ được lựa chọn thí điểm triển khai dự án làm mát đô thị bền vững cho các thành phố ở Việt Nam. Ảnh: Q.T
TP.Tam Kỳ được lựa chọn thí điểm triển khai dự án làm mát đô thị bền vững cho các thành phố ở Việt Nam. Ảnh: Q.T

Tam Kỳ được định hướng phát triển thành trung tâm thương mại, dịch vụ phía nam của tỉnh và là trung tâm Khu kinh tế mở Chu Lai. Thành phố đặt mục tiêu thu hút đầu tư vào dịch vụ và công nghiệp, đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng. Mục tiêu là tất cả cơ sở công nghiệp mới áp dụng công nghệ sạch.

Thời gian qua, Tam Kỳ đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng hệ thống thiết bị điều khiển tự động. Hệ thống này làm giảm công suất chiếu sáng vào ban đêm khi mật độ giao thông giảm.

Những đèn hư hỏng dần được thay thế bằng đèn LED hoặc các loại đèn tiết kiệm năng lượng khác, giúp giảm 40% lượng điện tiêu thụ hàng năm cho chiếu sáng công cộng, tương đương tiết kiệm được 1,7 triệu kWh/năm.

TS. Ngô Hoàng Ngọc Dũng - chuyên gia kỹ thuật của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc khuyến nghị, với khu vực đô thị trung tâm hiện tại của Tam Kỳ cần tiếp tục tăng diện tích bóng mát, triển khai các giải pháp dựa vào tự nhiên như duy trì mạng lưới mặt nước và tăng cường cây xanh tán cao rậm rạp che mát đường phố, thúc đẩy vật liệu mái phản chiếu và sáng màu trong các công trình xây dựng.

Còn theo bà Nguyễn Minh Huệ - chuyên gia tư vấn Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), chính sách, sắp xếp thể chế và tài chính là những yếu tố tác động lớn nhất đến việc triển khai làm mát đô thị Tam Kỳ. Thực trạng hiện tại có cả thách thức lẫn cơ hội cho Tam Kỳ.

Theo đó, cần có chính sách mang lại nhiều không gian hơn cho sự linh hoạt và khả năng thích ứng của cộng đồng; đưa ra những sáng kiến giải pháp để ứng phó với tình huống khẩn cấp; thúc đẩy sự phát triển của cơ chế tài chính mới và huy động vốn từ khu vực tư nhân...

QUỐC TUẤN