Phòng bệnh khi giao mùa
Gia tăng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cũng như sự xuất hiện của một số bệnh truyền nhiễm khác ngay khi thời tiết giao mùa tại các địa phương, theo đó nâng cao ý thức phòng bệnh được đặt ra...
Gia tăng các bệnh hô hấp
Nhiều trẻ sốt cao kèm các triệu chứng ho, khò khè, sổ mũi... được đưa đến thăm khám tại một số cơ sở y tế trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Đại diện Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho biết, từ đầu tháng 12/2023 đến nay là thời điểm trẻ em dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp. Thời tiết chuyển mùa chính là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh và gây bệnh.
Quảng Nam được cấp gần 85 nghìn liều vắc xin
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Quảng Nam cho biết, tỉnh được cấp gần 85 nghìn liều vắc xin bao gồm 9 loại vắc xin: 5 trong 1, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, bại liệt uống (bOPV), sởi, sởi - Rubella (MR), uốn ván (VAT), bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT), lao (BCG). CDC Quảng Nam sẽ phân bổ đến các huyện, thành phố để kịp thời tiêm chủng bù, tiêm vét cho trẻ em đảm bảo an toàn tiêm chủng, đặc biệt với một số vắc xin phòng, chống dịch trong mùa đông xuân như sởi, rubella... ngay trong tháng 1/2024.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn), ngay từ đầu tháng 10, số lượng bệnh nhi đến khám tăng cao với các bệnh lý về hô hấp, nhiễm khuẩn.
Theo các bác sĩ, do hệ hô hấp ở trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, đường thở ngắn, tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh dễ dàng xâm nhập. Chưa kể, sức đề kháng ở trẻ còn yếu nên rất dễ bị các tác nhân lạ tấn công gây bệnh.
Hiện nay, một số tỉnh thành phía Bắc đã bùng dịch cúm A, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.
Thống kê từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm hiện nay Việt Nam có trên 800.000 người mắc cúm ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Các chuyên gia cho rằng, bệnh cúm mùa có xu hướng lây lan vào mùa đông và mùa xuân. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời tiết thay đổi thất thường kèm theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng chính là điều kiện thuận lợi để vi rút cúm theo mùa phát triển và lây lan.
Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền như phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ gan, bệnh tim mạch…
Tăng cường phòng bệnh
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, đơn vị đã có văn bản yêu cầu các địa phương chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm, không để dịch bùng phát, lan rộng trong mùa đông xuân.
Theo đó, hiện thời tiết chuyển mùa, khí hậu thay đổi thất thường chính là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, dịp Tết Nguyên đán cũng như mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thuơng, du lịch tăng cao chính là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế tổ chức tốt công tác phân tuyến, chuẩn bị các phương án thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế và hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm.
Đối với các dịch bệnh có vắc xin phòng bệnh, như: sởi, rubella, ho gà chú trọng triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng. Đồng thời, đề nghị Sở GD&ĐT triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong hệ thống trường học.
Tại các huyện, thị xã, tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch mùa đông xuân cũng như chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế và những nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao được Sở Y tế đặt ra.
Phòng chống lây nhiễm dịch bệnh lây từ động vật cũng như kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên đàn gia cầm, xử lý triệt để ổ dịch... là một trong các giải pháp để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới.