Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(QNO) - Ngày 17/1, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 72 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch xác định rõ quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trên cơ sở đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam hướng đến mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt hơn 8%/năm; thu hút hơn 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế; thu ngân sách tăng bình quân hằng năm hơn 10%; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 61%; chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 90%...
Tầm nhìn đến năm 2050 Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người xứ Quảng; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới…
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đặt ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ đột phá; đặc biệt là định hướng đầu tư, phát triển theo mô hình cấu trúc “hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển”.
Trong đó vùng Đông gồm các địa phương đồng bằng ven biển, với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh.
Vùng Tây gồm các địa phương miền núi, là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới.
Hai cụm động lực gồm: Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc là cực tăng trưởng phía bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của TP.Đà Nẵng; hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy.
Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh kết nối thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với TP.Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại 1. Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô.
Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển, tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai.
Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía tây của tỉnh, tập trung công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông - lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.
Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ để triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để thống nhất với Quyết định phê duyệt quy hoạch; cập nhật cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 58 ngày 12/8/2023 của Chính phủ; tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt theo quy định. UBND tỉnh tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định trong quá trình triển khai, nhất là người đứng đầu.
Phụ lục I
PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH QUẢNG NAM THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
- Dự kiến sáp nhập thành phố Tam Kỳ - huyện Núi Thành giai đoạn 2026 - 2030, định hướng phát triển lên đô thị loại I.
- Thị xã Điện Bàn: Đến năm 2030 nâng cấp lên thành cấp hành chính là thành phố.
- Huyện Duy Xuyên: Đến năm 2030 đô thị Nam Phước mở rộng kết nối với đô thị Duy Nghĩa - Duy Hải, đô thị Kiểm Lâm và các xã lân cận nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Duy Xuyên.
- Huyện Thăng Bình: Đến năm 2030 đô thị Hà Lam mở rộng kết nối với đô thị Bình Minh và các xã lân cận, nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Thăng Bình.
- Các đô thị Tắc Pỏ, thị trấn Tơ Viêng hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2021 - 2025; đô thị Tam Dân, Đại Hiệp hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2026 - 2030;
>>Mời xem toàn văn Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Namtại đây.