Nỗ lực vì nền hành chính phục vụ
Năm 2023, công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm sáng; tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn cần sớm tháo gỡ.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tăng
Theo đại diện Sở GTVT, năm 2023, sở đã tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả 108 bộ thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (HCC) tỉnh. Tính đến 31/12/2023, số lượng hồ sơ TTHC của sở tiếp nhận qua Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh là 18.636/90.010 hồ sơ (chiếm 20,7% hồ sơ tiếp nhận của toàn tỉnh).
Đáng chú ý là tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,87%. Các hồ sơ trễ hạn (24 hồ sơ, chiếm 013%), Sở GTVT đã gửi thư xin lỗi đối với 100% trường hợp đến tổ chức, cá nhân theo đúng quy định.
Thực hiện Quyết định số 2114 của UBND tỉnh, đến nay, Bưu điện Quảng Nam đã bố trí 17 nhân viên thay thế 24 cán bộ công chức tiếp nhận 1.381 TTHC (đạt tỷ lệ 100% tổng số TTHC tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh).
Ở cấp huyện, bưu điện bố trí 44 nhân viên thay thế, hỗ trợ cho 150 cán bộ công chức tại bộ phận một cửa của 18 huyện, thị xã, thành phố. Cấp xã, bưu điện bố trí 20 nhân viên tiếp nhận hồ sơ tại 19 UBND xã, phường, thị trấn.
Đến nay, có 11 địa phương cấp huyện đã chuyển giao 100% TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, gồm Nông Sơn, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Thăng Bình, Tam Kỳ, Nam Giang, Duy Xuyên, Quế Sơn.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Thu Thắm - chuyên viên Phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết, trong năm 2023, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC của Sở Tư pháp hơn 14.000 hồ sơ; trong đó hồ sơ đã giải quyết đúng hạn và trước hạn hơn 13.000 hồ sơ, không có trường hợp giải quyết trễ hạn.
Đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt đến 99,98% (14.063/14.066 hồ sơ); số hóa 100% kết quả giải quyết TTHC; đã tiếp nhận và gửi trả kết quả qua bưu điện hơn 10.000 hồ sơ…
Trung tâm Phục vụ HCC Quảng Nam và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã (gọi chung là bộ phận một cửa) được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 61 ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Thời gian qua, bộ phận một cửa các cấp đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo sự an tâm, hài lòng cho các tổ chức, cá nhân khi đến thực hiện các TTHC.
Tất cả TTHC được niêm yết công khai, minh bạch; hồ sơ trả đúng và trước hạn tăng dần qua các năm, số lượng các thủ tục được nộp trực tuyến, thanh toán trực tuyến tăng, số lượng hồ sơ trễ hạn đã giảm nhiều…
Theo đó, trong năm 2023 (tính đến ngày 14/12), tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận ở cấp tỉnh là 90.010 hồ sơ, cấp huyện 136.350 hồ sơ, cấp xã 187.299 hồ sơ. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn cấp tỉnh 99,8%, cấp huyện 82,92%, cấp xã 97,5%.
Tổng số hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến ở cấp tỉnh chiếm 80,6%, cấp huyện 32,3%, cấp xã 66,1%. Tổng số TTHC được tiếp nhận ở 3 cấp là 1.817 thủ tục. UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 1.199 dịch vụ công toàn trình và 439 dịch vụ công một phần trên địa bàn Quảng Nam.
Nhìn nhận hạn chế
Ông Nguyễn Văn Thảo - chuyên viên Phòng Nội chính - kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND tỉnh) cho biết, năm 2023, Quảng Nam đã hoàn thành hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, cấu hình quy trình, cập nhật thông tin thủ tục, biểu mẫu giấy tờ thông tin, Eform và thành phần hồ sơ cho hơn 130 TTHC có mức độ sử dụng nhiều để thực hiện trước các cấp sở, huyện, xã.
Tuy nhiên, công tác thực hiện TTHC trên môi trường điện tử còn nhiều hạn chế. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành công bố danh mục dịch vụ công (DVC) trực tuyến, nhưng danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử chưa được rà soát, đánh giá đúng các quy trình hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Năm 2023, điểm DVC trực tuyến của tỉnh chỉ đạt 5,5/12; thanh toán trực tuyến đạt 5,2/10 điểm.
Về nhiệm vụ số hóa kết quả giải quyết TTHC theo Kế hoạch số 8079 ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh, đến nay hầu hết cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhưng chưa đơn vị nào hoàn thành nhiệm vụ này. Do vậy, việc tái sử dụng thông tin kết quả giải quyết TTHC là rất hạn chế, gần như chưa thực hiện được trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Ngọc Quảng - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh cho biết, công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC năm 2023 vẫn còn một số hạn chế.
Trong đó, việc trễ hạn hồ sơ theo bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp tại Cổng DVC quốc gia còn nhiều, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN-MT) và các phòng, ban cấp huyện, UBND cấp xã.
Năm 2024, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp theo khẩu hiệu “Hành chính phục vụ”, ông Lê Ngọc Quảng cho biết Văn phòng UBND tỉnh sẽ sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm soát TTHC và theo dõi, đôn đốc để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ kiểm soát TTHC, cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, đơn vị để hồ sơ trễ hạn theo quy định...