Dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ: Chủ đầu tư cam kết đảm bảo tiến độ
Chủ đầu tư “Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển từ UBND phường Cẩm An (Hội An) đến An Bàng” và 4 hồ chứa nước (3/2, Nước Rin, Đập Quang và Đá Chồng), kè Bằng La (Nam Trà My) thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ cam kết chậm nhất đến tháng 6/2024 hoàn thành dự án và giải ngân hết vốn đầu tư.
Nhộn nhịp thi công
Không có sự thay đổi hoặc dấu hiệu gì trong chuyển động đầu tư của dự án “Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển từ UBND phường Cẩm An (Hội An) đến An Bàng” (210 tỷ đồng) đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quyết định đầu tư ngày 21/3/2023.
Khu vực bờ biển sạt lở khoảng 2km vẫn nguyên những hốc cát sâu hoắm, nhiều căn nhà sụp đổ chơ vơ trên mặt cát, lộ ra móng, tường các khu du lịch nứt toác, nghiêng ngã, bỏ hoang...
Không thể chờ đợi, nhiều người dân phải bỏ tiền và công sức ra dựng kè, chắn cát để bảo vệ mảnh đất của mình. Chủ đầu tư các khu du lịch dọc biển thì đứng ngồi không yên, khi sóng biển ngày càng sát vào chân tường dự án.
Không ít doanh nghiệp đã tự bỏ tiền ra kè chắn sóng hay làm mọi cách để giữ bờ biển. Mỗi nơi, mỗi doanh nghiệp làm mỗi kiểu “nóng đâu phủi đó” đã khiến dòng sạt lở chuyển dịch theo nhiều hướng khác nhau.
Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn nói, dự án kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển này đã được phê duyệt, nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Bờ biển tiếp tục sạt lở, chính quyền và người dân địa phương rất mong chủ đầu tư dự án khẩn trương đôn đốc đơn vị thi công nhanh chóng triển khai dự án.
Trái ngược với sự im ắng nơi bờ biển Cẩm An, trên mảnh đất được gọi là một cảng cạn ở phía nam chân cầu Cửa Đại, kể từ tháng 10/2023 đến nay lúc nào cũng nhộp nhịp. Khu vực này trở thành một bãi đúc khổng lồ với hàng nghìn khối haro (như khối bê tông dùng cho kè biển). Các cần cẩu, xe múc, nâng, đúc hoạt động hết công suất.
Ông Võ Văn Điềm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam nói, dự án kè bảo vệ bờ biển đã thi công từ cuối tháng 9/2023. Thời tiết bất lợi, không thể triển khai thi công đồng loạt các hạng mục đê ngầm, hút cát... Chỉ có thể đúc khối haro.
Tiến độ đầu tư sinh động hơn được nhìn thấy rõ nhất từ dự án nâng cấp, sửa chữa 4 hồ chứa nước khắp nơi. Những hồ nơi hóc núi như hồ 3/2 (Duy Sơn, Duy Xuyên), Nước Rin (Trà Giáp, Bắc Trà My), Đập Quang (Tam Nghĩa, Núi Thành) và Đá Chồng (Quế Xuân 2, Quế Sơn) gần như đã hoàn thành cơ bản các hạng mục nạo vét lòng hồ, gia cố đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước, đường quản lý vận hành hồ...
Đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn
Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, kết thúc năm 2023, tỷ lệ giải ngân của 3 dự án NN&PTNT theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ triển khai tại Quảng Nam chỉ đạt gần 50%.
Tiến độ giải ngân chậm chủ yếu vì mưa kéo dài. Việc thi công các dự án liên quan đến kè và hồ chứa nước không thể triển khai thi công liên tục, thường xuyên bị gián đoạn.
Dự án “Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển từ UBND phường Cẩm An (Hội An) đến An Bàng” mới giải ngân hơn 86 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, sửa chữa 4 hồ chứa nước giải ngân 36,3 tỷ đồng và dự án “Kè bảo vệ khu dân cư Bằng La” (Trà Leng, Nam Trà My) do UBND huyện Nam Trà My làm chủ đầu tư giải ngân chưa tới 40 tỷ đồng đã phải dừng lại vì không thể tiếp tục thi công...
Ông Võ Văn Điềm cho biết, hơn 5.000m3 khối haro đã được đúc xong với kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Chủ đầu tư, nhà thầu đã hoàn tất các thủ tục. Hiện sóng biển còn lớn, tàu chưa ra được. Khi biển lặng, hết sóng gió lớn, thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành lắp đặt các khối haro, bơm cát tạo bãi...
Dự kiến đến tháng 6/2024 sẽ hoàn tất và giải ngân hết 210 tỷ đồng đầu tư dự án “Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển từ UBND phường Cẩm An (Hội An) đến An Bàng”. Các hồ chứa đã xong khối lượng đến 80%; sẽ tiếp tục thực hiện khi thời tiết thuận lợi, dự kiến đến tháng 5/2024 hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao, giải ngân hết 55 tỷ đồng đầu tư dự án này.
Dự án “Kè bảo vệ Khu dân cư Bằng La” sau thời gian phải tạm dừng trong mùa mưa bão cũng đã tái tục thi công đầu tư các đoạn tuyến kè hai bên sông Leng, từ xây chân, mái kè, rãnh thoát nước... đến đường công vụ quản lý, bảo vệ kè.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, dự án này đã thuộc danh mục được phép kéo dài đến hết năm 2024. Địa phương đang đôn đốc nhà thầu tập trung thi công phần còn lại hoặc bổ sung. Dự kiến, đến tháng 6/2024 sẽ hoàn thành và giải ngân toàn bộ kinh phí đầu tư của công trình này (khoảng 60 tỷ đồng).
Tiến độ đầu tư hanh thông lẫn cam kết của chủ đầu tư, nhà thầu, chậm nhất đến cuối tháng 6/2024 sẽ hoàn tất dự án. Hiệu quả đầu tư từ vốn ngân sách mang đến hy vọng cho người dân dọc bờ biển Cẩm An (Hội An) không còn phải chờ đợi quá lâu để thấy một bờ biển an toàn.
Người dân các vùng Duy Sơn, Trà Giáp, Tam Nghĩa, Quế Xuân 2 sẽ được cung cấp đủ nước sản xuất, sinh hoạt, góp phần cải thiện sinh kế bền vững. Hơn 40 hộ dân đồng bào Bh’noong thoát khỏi nạn lở đất kinh hoàng hồi cuối tháng 10/2020 đã có thể yên tâm định cư trên vùng đất mới...