Mỳ Quảng tận... trời Tây

PHẠM XUÂN HÙNG 20/01/2024 13:17

Những ngày ở trời Tây, một người bạn đòi đãi bằng được vợ chồng tôi tô mỳ Quảng, với lý do: “Nơi nào có người Quảng thì nơi đó có mỳ Quảng. Người Quảng gặp nhau không cùng ăn được bữa mỳ Quảng thì cũng không phải là người Quảng chính gốc”.

Một góc chợ ẩm thực ở Thương xá Phước Lộc Thọ.
Một góc chợ ẩm thực ở Thương xá Phước Lộc Thọ.

Trời Tây tôi đang nói ở đây không phải châu Âu mà là Mỹ, quốc gia rộng lớn ở phía bên kia bán cầu. Nhưng nói chuyện mỳ Quảng tận trời Tây chỉ gói gọn ở Mỹ liệu có thỏa đáng?

Tôi nghĩ không phải không có lý. Cộng đồng người Việt ở Mỹ rất đông đảo. Hiện trên thế giới, trong gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có khoảng 5,5 triệu người Việt định cư thì riêng Mỹ đã chiếm khoảng 40%, tức 2,2 triệu người Việt, gốc Việt định cư.

Mỹ cũng là quốc gia hội tụ dân nhập cư đông đảo từ các châu lục nên văn hóa Mỹ là phức hợp, chấp nhận mọi sự tồn tại trong đa dạng. Vì lẽ đó mà ẩm thực Việt, trong đó có mỳ Quảng tồn tại như lẽ đương nhiên.

Mỳ Quảng trong danh sách ẩm thực Việt

Vòng quanh nước Mỹ, từ mạn phía bắc giáp Canada xuống phía nam, từ bờ Đông sang bờ Tây, dễ dàng nhận ra ẩm thực Việt khá đậm nét. Chưa có ai thống kê, nhưng bằng cảm nhận cá nhân tôi, mỳ Quảng có thể xếp trong 4 loại món ăn được ưa chuộng xếp theo thứ tự gồm: bánh mì kiểu Việt Nam (còn gọi là bánh mì đường phố Việt Nam), phở, bún bò Huế và mỳ Quảng.

Duy có điều cần phải nói, dù nói ra nhiều người không vui, mỳ Quảng ở Mỹ thường nằm lẫn trong menu món ăn Việt ở các hàng quán. Rất ít địa điểm ăn uống chuyên về mỳ Quảng.

Tôi có hỏi nhiều bạn bè, cả người quê gốc Quảng Nam, miền Trung lý do tại sao không có quán mỳ Quảng, trong khi rất nhiều nhà hàng, quán ăn trương biển hiệu to rõ về phở Hà Nội, bún bò Huế. Họ trả lời chung chung vì chính họ cũng không hiểu vì sao.

Có người nói, do mỳ Quảng nhiều phụ liệu như đậu phụng, bánh tráng, rau sống, rau thơm… nên khó chiều lòng thực khách. Lại có người nói, so với phở Hà Nội hay bún bò Huế, mỳ Quảng có vẻ nhiều dầu mỡ hơn nên người nước ngoài e ngại. Họ sợ bởi đa phần khách Tây thường béo phì và có các bệnh liên quan về tim mạch…

Tuy vậy, những nơi người Việt định cư đông như ở bang Texas, California… thì mỳ Quảng luôn có mặt ở các nhà hàng, quán ăn. Dĩ nhiên, mỳ Quảng nhiều nhất vẫn là nơi người gốc Quảng Nam đông nhất.

Những ngày tôi ở Cali (gọi tắt của bang California), một người bạn đồng hương với vợ tôi là Đinh Ngọc Huân (53 tuổi, quê ở xã Duy Phước, Duy Xuyên) cứ đòi đãi khách bằng được tô mỳ Quảng.

Huân nói không biết đùa hay thật nhưng giọng Quảng chắc nịch: “Nơi nào có người Quảng thì nơi đó có mỳ Quảng. Người Quảng gặp nhau không cùng ăn được bữa mỳ Quảng thì cũng không phải là người Quảng chính gốc”.  

Ăn mỳ Quảng ở Litte Saigon

Xa nhà gần tháng trời nên rất thèm tô mỳ Quảng. Hôm đầu tiên đến bang Cali, tại Litte Saigon vốn được xem là “thủ phủ” người Việt, tôi đã xăm xăm tìm Thương xá Phước Lộc Thọ kiếm tô mỳ Quảng. Phước Lộc Thọ là địa điểm ăn uống khá nổi tiếng của người Việt.

Ngay tầng 1 ở lối vào thương xá có hẳn khu chợ nhỏ bán hàng ăn. Nhìn biển hiệu ghi rõ bằng tiếng Việt thấy món ăn phong phú, từ cháo lòng, bánh canh, trứng lộn, ram nướng, bún, phở, bánh tráng trộn…, tất nhiên phải có mỳ Quảng.

Người Quảng ăn mỳ Quảng trên đất Mỹ.
Người Quảng ăn mỳ Quảng trên đất Mỹ.

Mỳ Quảng ở đây không khác ở quê nhà. Sợi mỳ màu vàng nghệ bắt mắt. Nước nhưn sền sệt, ngậy mùi dầu phụng. Nhưn là thịt heo ba chỉ thoảng nhẹ mùi thơm ngũ vị hương, kèm theo tôm nõn và trứng cút luộc, bên trên cũng rắc tí đậu phụng rang.

Tô mỳ cũng đi kèm với bánh tráng nướng, rau sống và múi chanh tươi. Nếu có thiếu chăng so với quê nhà, là thiếu mấy trái ớt sừng dài, loại thơm nhưng ít cay, bắp chuối hoặc ruột thân chuối xắt sợi mỏng.

Giá cả tô mỳ Quảng ở đây cũng ngang ngửa với phở Hà Nội, bún bò Huế, tầm 10 đến 12 đô la. Tôi hỏi bà chủ quán, ở đây có nhiều người ăn mỳ Quảng không. Bà chủ cười cười: “Ăn nhiều chớ, ở khu này nhiều người Quảng lắm. Mà người Quảng thì chú biết rồi, năm bữa nửa tháng không có mỳ Quảng họ không chịu nổi!”.

Nhắc tới bà chủ bán mỳ Quảng ở Thương xá Phước Lộc Thọ tôi cũng nhớ tới chị Lê Thị Mai, chủ nhà hàng Ngự Bình II cách đó không xa. Nhà hàng rộng rãi, có đến vài chục bàn. Chị Mai người Đà Nẵng gốc Huế.

Thấy tôi nhìn ngắm bảng hiệu nhà hàng, chị Mai bảo: “Trước tôi có nhà hàng Ngự Bình rất đông khách. Thấy làm ăn được nên tôi để lại cho đứa em trai quản lý và mở thêm nhà hàng Ngự Bình II”.

Vào quán, nhìn thực đơn có rất nhiều món Huế như bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo… và có cả món mỳ Quảng với hình ảnh tô mỳ bốc khói. Chừng biết ý tôi, chị Mai giải thích: “Ở đây cộng đồng người Việt đa phần gốc miền Trung, họ thích món Huế và cũng ghiền món mỳ Quảng”.

Tôi hỏi chị Mai về nguyên liệu làm tô mỳ Quảng. Chị Mai bảo, hồi xưa còn khó khăn chớ giờ thì ở đây có tất cả. Sợi mỳ tươi cũng có người làm, bánh tráng cũng có người làm.

Thịt, trứng, đậu phụng thì có sẵn. Rau sống cũng tự trồng được. Nói tóm lại, tô mỳ Quảng ở đây không phải tìm kiếm nguyên phụ liệu đâu xa. Công thức, bí quyết nấu nướng cũng chính tay người Quảng nên chi tô mỳ Quảng ở đây bảo tồn được “nguồn gen” quê nhà chính hiệu.

Tin vui đầu năm và chút băn khoăn

Cách đây vài hôm, một người bạn khác quê Nam Phước (Duy Xuyên) là Nguyễn Thanh Vân ở thành phố Boone, bang Bắc Carolina hào hứng video call với vợ chồng tôi bảo, tụi tui sắp được ăn mỳ Quảng quê nhà gửi sang rồi nghe. Nói một hồi tôi mới hiểu. Thì ra, đọc báo, Vân nghe tin cuối tháng 12/2023 có lô hàng mỳ Quảng ếch thương hiệu Bà Ba Hội ở Tam Kỳ gửi sang Mỹ.

Theo như lời giới thiệu ở nơi sản xuất mà Vân kể lại, mỳ Quảng ếch Bà Ba Hội được đóng gói bao gồm sợi mỳ gạo tươi, kèm gói nhưn mỳ riêng làm từ thịt ếch với đầy đủ gia vị đặc trưng như muối, mắm, dầu phụng, củ nén, nghệ, sả, ớt, hành, đậu phụng rang… Sau lô hàng này, tiếp theo sẽ có các loại mỳ Quảng gà, tôm, thịt, trứng chu du sang trời Tây.

Tô mỳ Quảng ở Thương xá Phước Lộc Thọ.
Tô mỳ Quảng ở Thương xá Phước Lộc Thọ.

Vui thì vui thật nhưng cá nhân tôi cho rằng thị trường là nơi cạnh tranh khốc liệt. Do vậy chuyện mỳ Quảng xuất ngoại trời Tây cần phải có chiến lược, kỹ năng, kiến thức… mới chinh phục được thực khách.

Riêng về món mỳ (và những món ăn liên quan đến sợi mỳ), ở thị trường Mỹ có quá nhiều các món ăn xuất xứ từ Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… như mỳ Udon, mỳ Ramen, mỳ lạnh, mỳ ống, pad Thái, thậm chí có cả món mỳ Ý ở châu Âu. Nên chi mỳ Quảng cần được tiếp thị một cách chu đáo, bài bản thì mới mong chinh phục được du khách ngoại quốc.

Với người Việt Nam hay châu Á thì chuyện bao bì, nhãn mác không quá quan trọng. Nhưng khách Tây thì khác. Họ cẩn thận chuyện ăn uống nên soi kỹ. Tôi vào siêu thị thấy dù to, nhỏ khác nhau, nguyên liệu khác nhau, cách chế biến khác nhau… nhưng trên bao bì của các sản phẩm thuộc về ăn uống đều ghi rõ các chỉ số về tinh bột, đạm, đường, số calo cơ thể thu nạp trên mỗi đơn vị sản phẩm... Nói vậy, để các nhà sản xuất lưu ý khi muốn hướng sản phẩm của mình đến với khách Tây.

Nhưng băn khoăn là băn khoăn, hy vọng vẫn là hy vọng. Tôi thầm mong những gói mỳ Quảng đầu năm 2024 này sẽ đến tận tay người tiêu dùng ở xứ sở bên kia bán cầu.

Nếu là người Quảng, tết này có tô mỳ Quảng nóng hổi cũng sẽ thêm chút ấm lòng nơi đất khách. Còn với khách nước ngoài, nếm vị mỳ Quảng sẽ biết thêm một đặc sản ẩm thực xứ Quảng nói riêng và Việt Nam nói chung, một nét văn hóa Việt đặc sắc cách xa ngàn dặm, bên kia bờ đại dương.

Và biết đâu, với những người con xứ Quảng như Huân, Vân, bưng tô mỳ Quảng mà lòng bất chợt rung ngân câu ca dao quê kiểng: “Ai đi cách trở sơn khê. Nhớ tô mỳ Quảng tình quê mặn nồng”…

PHẠM XUÂN HÙNG