Chộn rộn sản xuất mùa tết

LÊ QUÂN 21/01/2024 08:30

Bắt đầu giữa tháng Chạp, không khí đã chộn rộn từ các làng nghề, cơ sở sản xuất. Dù sức mua có giảm nhưng đây vẫn là thời điểm để các chủ hộ kinh doanh “bung” ra thị trường các sản phẩm chất lượng nhất.

Người trồng hoa tết đang tất bật. Ảnh: X.H
Người trồng hoa tết đang tất bật. Ảnh: X.H

Làng hoa tất bật

Từ vùng hoa Tây An (Duy Trung, Duy Xuyên), những ngày này, nhiều xe tải lớn thay nhau vào ra các vườn. Hàng ngàn chậu cúc mâm xôi, dạ yến thảo... được xếp gọn ghẽ để chở đi khắp nơi.

Bà Nguyễn Thị Bi Na - chủ vườn hoa Sơn Na nói, đầu tháng Chạp bạn hàng khắp nơi đã lên đơn về vườn. Không chỉ cúc mâm xôi, từ dạ yến thảo đến thược dược, đồng tiền, muôn hoa khoe sắc từ vườn này được chuyển đi muôn ngả. Vụ hoa này, vườn hoa Sơn Na trồng hơn 40.000 chậu đủ các loại. Để những luống hoa nở đúng dịp tết, người trồng hoa phải theo dõi tình hình thời tiết, kịp thời điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng phù hợp.

“Năm nay so với năm ngoái, số lượng hoa chúng tôi làm được vẫn như vậy. Sức mua đến nay thì có phần giảm hơn, nhưng vẫn hy vọng tầm khoảng rằm tháng Chạp trở đi thì sức mua tăng vì lúc này người dân mới bắt đầu mua hoa chơi tết” - bà Nguyễn Thị Bi Na nói. 

Tây An trước đây vốn dĩ đất đai khô cằn. Nhưng nhiều năm nay, cơ cấu kinh tế thay đổi, địa phương này trở thành vựa hoa của Quảng Nam với hơn chục nhà vườn.

Bà Đoàn Thị Nhân - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Trung cho biết, địa phương có khoảng 15 hộ dân trồng hoa vụ tết, chủ lực vẫn là cúc và vạn thọ. Dự kiến sức mua năm nay sẽ giảm do tình hình kinh tế khó khăn chung, các nhà vườn ở đây đã giảm bớt số lượng chậu cung ứng thị trường so với mùa tết năm ngoái.

Đón đầu xu hướng thị trường, bên cạnh trồng các loại hoa truyền thống, các nhà vườn chủ động mua giống và đầu tư trồng, chăm sóc các chậu hoa mini dùng để treo trang trí trong sân vườn. 

Quảng Nam hiện có khoảng 2.000 hộ dân trồng hoa tết. Bình quân 1ha thu lãi tầm 250 triệu đồng. Đây là con số thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây trồng cạn khác, nên cũng dễ hiểu vì sao thời điểm này được xem là những ngày “mùa vàng” của các nhà vườn. Tất bật từ câu chuyện lên đơn, lựa chọn, vận chuyển..., từ những làng hoa xứ Quảng, tết đang chạm từng ngày bằng những nụ cười, giọt mồ hôi của người chăm hoa.

Thơm lừng bánh mứt

Tháng Chạp trở thành mùa của lao động thời vụ khi hàng loạt cơ sở bắt đầu tăng gia sản xuất để kịp phục vụ tết. Từ các làng bánh mứt truyền thống, bạn hàng khắp nơi đã “chốt” số lượng với chủ cơ sở.

Các dịch vụ cho thuê mai, cây cảnh cũng bắt đầu chộn rộn. Ảnh: X.H
Các dịch vụ cho thuê mai, cây cảnh cũng bắt đầu chộn rộn. Ảnh: X.H

Ông Huỳnh Tấn Ánh - chủ một cơ sở tại làng bánh in An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên) cho biết, tầm 25 tháng Chạp thì đơn cho bạn hàng lớn đã dừng, lúc này thì mới thảnh thơi.

Còn bây giờ là những ngày phải tranh thủ để kịp cho ra những mẻ bánh in của làng mang đi. Từ Đà Nẵng, Tam Kỳ, Nam Phước, những cuộc điện thoại đặt hàng bán tết vẫn liên tục để tháng Chạp “không ăn không ngủ” nhưng lại vui với người làm nghề truyền thống.

Tết đến với những ngôi làng dọc theo dòng sông mẹ Thu Bồn, bắt đầu từ mùi hương bánh mứt cổ truyền được làm nên từ chính nguyên liệu của đất và người xứ sở này. Và nguồn lao động “thời vụ” cũng là những con người quê chân chất, mộc mạc..

Ở cơ sở sản xuất thực phẩm chay Nhuận Minh (Điện Quang, Điện Bàn), mùa này đơn hàng về dồn dập. Thị trường tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm chay của Nhuận Minh khá rộng với hàng chục loại sản phẩm.

Những ngày này, cơ sở phải kêu thêm người làm mới kịp đơn hàng cho khách khắp nơi. Với định danh của cơ sở sản xuất sản phẩm đạt chuẩn OCOP, niềm tin của người tiêu dùng được nhân lên. Đây cũng là cơ hội của các chủ thể khi được người dân lựa chọn là sản phẩm dùng cho tết. 

Thị trường quà tết cũng đang sôi động với các giỏ quà lựa chọn sản phẩm OCOP. Ông Phan Đình Tuấn - chủ thương hiệu bánh dừa nướng Bảo Linh (sản phẩm đạt OCOP 4 sao của Quảng Nam) cho biết, năm nay ngoài lượng nhân công cố định, cơ sở sản xuất của ông phải kêu thêm lao động thời vụ mới kịp hàng cho các đại lý trên cả nước. Năm nay, xu hướng tiêu dùng chuộng các sản phẩm bản địa, đã mở ra cơ hội chiếm lĩnh thị trường cho các dòng sản phẩm truyền thống. 

Từ mùi hương trầm ấm cúng trên gian thờ tổ tiên, đến những loại bánh trái quà quê, những ngày tháng Chạp, người làm nghề xứ Quảng lại khiến khắp nẻo đường làng chộn rộn...

Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) cấp tỉnh đã bắt đầu triển khai các đợt kiểm tra ở nhiều địa phương. Từ sản phẩm nguyên liệu tươi sống đến thực phẩm khô, hàng quán kinh doanh bánh kẹo... đều buộc phải đảm bảo các tiêu chuẩn về ATTP trước khi kinh doanh.

Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam cho biết, mùa tết thường xuất hiện rất nhiều sản phẩm mới nhưng chưa thực hiện quy trình công bố sản phẩm cũng như nhiều sản phẩm quảng cáo sai quy định, bên cạnh các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, dễ gây tình trạng ngộ độc. Vì vậy cần phải siết chặt kiểm tra ATTP ngay trong thời điểm cận tết này.

LÊ QUÂN