Làng Phước Sơn và tuổi thơ nhà văn Phan Tứ

PHẠM LÂM 21/01/2024 08:45

Tuổi thơ của nhà văn Phan Tứ gắn bó với mảnh đất Phước Sơn (Tân Bình, Hiệp Đức), góp phần hình thành cốt cách của cây bút gạo cội văn học cách mạng Việt Nam.

Một góc thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức). Ảnh tư liệu
Một góc thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức). Ảnh tư liệu

Nhà văn Phan Tứ tên thật là Lê Khâm. Ông sinh vào ngày 20/12/1930, tại thị xã Quy Nhơn, nay là TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, là cháu ngoại của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh.

Nhà văn Phan Tứ đã ra đi nhưng nhiều tác phẩm của ông như “Bên kia biên giới”, “Trước giờ nổ súng”, “Trở về Hà Nội”, “Trên đất Lào”, “Nhật ký chiến trường”, “Về làng”, “Trong đám mía”, “Gia đình má Bảy”, “Măng mọc trong lửa”, “Mẫn và tôi”, “Trại ST 18”, “Trong mưa núi”, “Người cùng quê”… vẫn còn sống mãi với thời gian.

Làng Phước Sơn và đồn điền cụ Đốc Ấm

Cụ Đốc Ấm sinh năm 1898, tên khai sinh là Lê Ấm, tại làng Gia Cát, nay là thôn Gia Cát, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn. Sinh ra trong một gia đình khá giả, được ăn học tử tế, tốt nghiệp cử nhân, cụ được bổ chức Đốc học và làm thầy giáo dạy học ở Nghệ An, ở Trường Quốc tử giám Huế, rồi Trường Quốc học Quy Nhơn.  

Năm 1922, thầy giáo Lê Ấm kết duyên cùng bà Phan Thị Châu Liên, con gái đầu của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Tại Huế hai người đã sinh hạ được ba người con và tại Quy Nhơn sinh hạ thêm bốn người con nữa, trong đó có Lê Khâm, người con trai duy nhất trong gia đình.

Vào khoảng năm 1935, sau nhiều năm tích cóp từ khoản tiền dạy học, cụ Lê Ấm đã tìm đến vùng đất làng Phước Sơn, nay là khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức để lập đồn điền làm kinh tế. Từ đây, danh xưng “đồn điền Đốc Ấm” ra đời và gắn liền với dân làng Phước Sơn chan chứa tình quê xứ.

Tuy sinh ra ở đất Huế và Quy Nhơn, nhưng bảy chị em của Lê Khâm đều được đưa về theo học ở quê nhà Quảng Nam. Riêng Lê Khâm được gia đình thu xếp cho theo học ở Trường Phan Châu Trinh, Cẩm Khê, huyện Tam Kỳ xưa. Vốn có tư chất thông minh, hiếu học, ngay từ những ngày đầu nhập học, Lê Khâm tỏ rõ là một cậu học trò ngoan hiền, học giỏi, mà giỏi nhất là môn văn và tiếng Pháp.

Trong những ngày hè, lễ, tết Lê Khâm cùng các chị, các em về quây quần, đầm ấm bên nhau tại đồn điền của người cha mình ở làng Phước Sơn, nô đùa cùng những đứa trẻ trong làng. Tại đây, Lê Khâm được nghe lớp cha anh thường xuyên bàn tán về chuyện chống Pháp, cứu dân, cứu nước, nên tinh thần yêu nước sớm trỗi dậy trong anh.

Từ con đường cách mạng đến nhà văn Phan Tứ

Năm 15 tuổi, Lê Khâm đã tham gia hoạt động trong Đội tuyên truyền xung phong của tỉnh Quảng Nam và tham gia giành chính quyền tại địa phương trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Năm 1950, từ Trường Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), ông xung phong nhập ngũ, theo học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, phân hiệu Trung Bộ. Cuối năm 1951, sau khi tốt nghiệp, ông được phân công theo đội quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào.

Nhà văn Phan Tứ (1930 - 1995). Ảnh: Gia đình cung cấp
Nhà văn Phan Tứ (1930 - 1995). Ảnh: Gia đình cung cấp

Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc và năm 1958 theo học khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng năm này, ông đã hoàn thành tiểu thuyết “Bên kia biên giới” với bút danh Lê Khâm, viết về cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam tại Hạ Lào.

Trong lúc về gặt lúa giúp dân, chàng sinh viên Lê Khâm đã phải lòng một nữ sinh xứ Nghệ xinh xắn Đinh Thị Phương Thảo đang theo học lớp sử. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, chưa đến được hôn nhân.

Sau khi tốt nghiệp năm 1961, Lê Khâm được phân công trở lại công tác tại chiến trường miền Nam, làm phái viên tuyên truyền, cán bộ văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy 5, Ủy viên đảng đoàn Ban Văn nghệ khu 5 và viết văn dưới bút danh Phan Tứ.

Bút danh này được ông liên tưởng đến họ Phan của người mẹ mình và là người con thứ tư, nên ông đã chọn hai từ “Phan Tứ” làm bút danh cho mình. Bút danh này trở nên nổi tiếng gắn liền với các tác phẩm của ông về sau này, và do mang kính nên cũng được nhiều người gọi là ông “Bốn gương”.

Tại gia đình, nhà văn còn lưu giữ hàng chục cuốn sổ tay với hàng nghìn trang giấy, ghi lại những sự kiện diễn ra, các câu chuyện, những con người đã gặp gỡ và cả ý chí kiên định của người chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ chiến đấu ác liệt. Để đảm bảo tính bí mật, Phan Tứ viết nhật ký bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Lào và cả tiếng Nga nữa.

Năm 1966, sức khỏe bị suy giảm, ông được cấp trên đưa ra Bắc chữa bệnh, rồi công tác tại Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Việt Nam, sau đó giữ chức quyền Tổng biên tập Nhà xuất bản Giải phóng. Từ đây, ông mới chính thức đi đến hôn nhân cùng người yêu của mình sau nhiều năm chờ đợi, rồi sinh hạ được một người con trai.

Sau năm 1975, vợ chồng ông đưa con về sinh sống và làm việc tại quê nhà. Ông từng là Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; đại biểu Quốc hội khóa VIII. Do nhiều năm lăn lộn trong chiến tranh, lại mắc phải một số bệnh hiểm nghèo, sức khỏe bị suy kiệt, nên ông đã mất vào ngày 17/4/1995 tại quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng.

Vào một buổi sáng mùa đông năm 2023, người con trai của cố nhà văn Phan Tứ với gương mặt hiền từ, phúc hậu đưa tôi đến căn phòng thờ trang nghiêm ấm cúng, nơi lưu giữ các tác phẩm và rất nhiều kỷ vật của ông tại ngôi nhà ở đường Phan Đình Phùng, để thắp nén nhang tưởng nhớ về nhà văn Phan Tứ - một viên ngọc sáng của nền văn học cách mạng Việt Nam, đã ra đi khi còn ở độ tuổi 65 đầy bút lực.

PHẠM LÂM