Tăng cường giám sát thị trường tết
Nhằm đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng, thời gian trước, trong và sau tết, lực lượng chức năng đã ra quân tăng cường kiểm tra phòng chống hàng nhái, hàng giả, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, bình ổn thị trường.
Đảm bảo cung - cầu
Theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, năm nay hàng hóa siêu thị khá nhiều, giá cả đảm bảo, người tiêu dùng không lo về tình trạng khan hiếm.
“Những năm trước Co.opMart Tam Kỳ cũng triển khai các chương trình bình ổn đưa hàng về quê nhưng hiện nay không còn phù hợp vì hoạt động thương mại điện tử, bán hàng online hầu như xuất hiện khắp nơi, bây giờ chỉ sợ thiếu người mua chứ không lo thiếu hàng” - bà Lai nói.
Đặc biệt, trong những năm gần đây cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, hàng công nghiệp, nông thôn tiêu biểu có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng đã dần thay đổi thị hiếu tiêu dùng người dân, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm địa phương, thúc đẩy hàng Việt lên ngôi chiếm lĩnh thị trường.
Ông Nguyễn Đức Huy - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang cho biết, qua theo dõi, kiểm tra đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp tết, cho thấy thời điểm này tại địa phương hàng hóa ổn định, đảm bảo chất lượng, hạn dùng để cung ứng cho nhân dân trong dịp tết.
“Nhưng người dân vùng cao thường mua sắm tết trễ, trước tết cỡ 10 ngày mới bắt đầu mua sắm, nên lúc này các chợ, cửa hàng, cửa hiệu tạp hóa ở Đông Giang, chuyện mua bán vẫn diễn ra bình thường chứ chưa nhộn nhịp” - ông Huy nói.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, đơn vị đã đề nghị phòng kinh tế/ phòng kinh tế hạ tầng cấp huyện và các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.
Đối với thịt heo và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác, Sở Công Thương đặc biệt lưu ý và yêu cầu các địa phương, đơn vị trực thuộc đôn đốc các đơn vị phân phối thực phẩm trên địa bàn phối hợp với các cơ sở chăn nuôi tập trung có phương án hoặc đề xuất phương án để đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường.
“Chúng tôi chỉ đạo chú trọng công tác cung ứng nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng phục vụ tết sớm và đầy đủ cho nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo; đặc biệt các vùng bị thiệt hại do bão, lũ lụt, những đối tượng gặp khó khăn với số lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm” - đại diện Sở Công Thương cho biết.
Bình ổn thị trường
Theo bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), tình hình thời tiết ổn định, thiên tai, dịch bệnh không gây ảnh hưởng nhiều nên nguồn cung hàng hóa, thực phẩm đảm bảo.
Đến thời điểm hiện tại, hàng hóa trên địa bàn tỉnh rất dồi dào, kể cả vùng sâu, vùng xa. Trong đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các sản phẩm nông thôn, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề… đã giúp bổ sung thêm lượng hàng hóa lớn vào thị trường, mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Nhằm kiểm soát cung cầu hàng hóa, thời gian qua, Sở Công Thương đã gửi văn bản đến các đơn vị cung ứng đề nghị tập trung cho thời điểm tết, tránh trường hợp thiếu hàng cục bộ hay găm hàng, tăng giá không hợp lý. “Sở sẽ can thiệp bình ổn khi hàng khan hiếm, nhưng tới thời điểm này điều đó chưa xảy ra vì hàng hóa rất dồi dào nên thị trường tự cân đối” - bà Hiền nói.
Theo bà Hiền, vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan liên quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động gian lận thương mại như hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thực tế, những tháng cuối năm nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ liên tiếp bị phát hiện, xử lý, qua đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động thương mại gian dối trong thời điểm cận tết.
Tập trung xử lý gian lận thương mại
Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 8 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam) phối hợp Đội Cảnh sát giao thông số 2, Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành dừng ô tô vận tải biển kiểm soát 89C-101.70 do ông Nguyễn Công Thạo (cư trú tỉnh Thừa Thiên Huế) điều khiển qua địa bàn huyện Nam Giang.
Qua kiểm tra, phát hiện phương tiện vận chuyển 225 ấm đun nước siêu tốc, 240 cốc thủy tinh do nước ngoài sản xuất, trị giá hàng hóa ước tính hơn 21 triệu đồng, nhưng ông Thạo không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng.
Đội Quản lý thị trường số 8 đã lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi “Kinh doanh hàng hóa nhập lậu” và ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.
Trước đó, cuối tháng 11/2023, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) cũng tiến hành khám xét ô tô vận tải biển kiểm soát 43H-026.95 do ông Nguyễn Đức Tài (cư trú tỉnh Nam Định) điều khiển qua địa bàn huyện Thăng Bình.
Quá trình kiểm tra, phát hiện phương tiện vận chuyển nhiều sản phẩm gồm nồi cơm điện, ấm siêu tốc, đèn pin, cối inox… nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đội Quản lý thị trường số 4 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên, thu thập chứng cứ, xác minh và xử lý theo quy định.
Đây chỉ là những vụ việc nổi cộm mà Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam phát hiện, xử lý thời gian qua.
Theo ông Lương Viết Tịnh – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, nhằm chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, từ giữa tháng 11/2023 Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc triển khai công tác quản lý địa bàn, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các hoạt động, cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật về thương mại.
Theo đó, lực lượng chức năng tập trung xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng dịp tết để đưa hàng kém chất lượng hoặc tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo, giày dép, hàng điện tử, điện lạnh; lương thực, thực phẩm…
Cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường giám sát hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử, mua bán online, các website, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến.
Chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại. Tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, góp phần đảm bảo ổn định thị trường. Thời gian triển khai đợt cao điểm từ ngày 20/11/2023 đến 29/2/2024.