Tội "quá chừng thật"

HỨA XUYÊN HUỲNH 21/01/2024 10:45

Tin người đời quá mức đôi khi tự nhận là cái tội. Mở lòng tin yêu thú vật đôi khi bị chê là chuyện lập dị. Nhưng trăm năm trước hay trăm năm sau, tâm tư ấy vẫn có thể “giải mã” được, cho dù biểu thị dưới hình thức nào…

1. Mười năm trước khi mất tại Huế, tức quãng năm 1930, cụ Phan Bội Châu có viết tập “Tự phán” trong đó tự phê mình đã “quá chừng thật”, tức thật thà quá chừng, quá mức.

Nhiều hồi ức về chuyện tin người, tin chó của cụ Phan Bội Châu được ghi lại trong cuốn hồi ký “Ông già Bến Ngự”.
Nhiều hồi ức về chuyện tin người, tin chó của cụ Phan Bội Châu được ghi lại trong cuốn hồi ký “Ông già Bến Ngự”.

Viết xong, “Ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu đưa cho cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng giữ. Chi tiết này được Lạc Nhân Nguyễn Quý Hương, người quê gốc Tam Kỳ, Thư ký tòa soạn báo Tiếng Dân, viết trong tập hồi ký “Ông già Bến Ngự” (NXB Thuận Hóa, 1982).

Ông Nguyễn Quý Hương bảo, cụ Phan tự phê “đã quá chừng thật”, vì đã cho rằng trong đời không có người nào là không tin được. “Cụ cho đó là cái tội “không cơ cảnh quyền thuật” và chính lịch sử đã chứng minh cho lời nói của cụ. Tánh tin người của cụ không những đã làm hỏng việc lớn, mà bản thân cụ cũng là nạn nhân trực tiếp” (Sđd, trang 130).

Vị Thư ký tòa soạn báo Tiếng Dân dẫn ra thêm vài câu chuyện để minh họa cho lòng tin cụ Phan bị đặt nhầm chỗ. Sau ngày Tổng khởi nghĩa ở Huế, có một người bị bắt và khai nhận trước đó lên xuống nhà cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự cốt là để do thám, đưa tin cho Pháp.

Kẻ rắp tâm do thám đó là ai? Là một nhân vật văn hay chữ tốt ở đất Thần kinh, văn thì đỗ phó bảng, chữ thì tất cả liễn đối trong cung điện nhà vua và nhiều bộ đều do người này viết. Ngày thường, người này hay đến nhà cụ Phan, được cụ rất quý mến và đón tiếp niềm nở, có đêm còn ở lại để đàm đạo…

Thêm chuyện “quá chừng thật” nữa khiến cụ Phan bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) trước khi đưa về Hà Nội xử án với mức án chung thân. Kẻ đưa tin cho Pháp bắt cụ Phan chính là người được cụ nuôi nấng trong nhà từ khi ở Hàn Châu, từng đậu cử nhân, thông thạo tiếng Pháp. Từ tin báo này, bọn Pháp đón lõng tại nhà ga, chờ cụ xuống tàu đi bộ thì đẩy cụ vào xe hơi, chạy vào tô giới Pháp…

2. Bà Lê Thị Ngọc Sương, chị ruột nhà thơ Bích Khê, từng hoạt động cách mạng tại Quảng Ngãi từ phong trào Mặt trận Dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, cũng nhắc lại trong tập hồi ký “Ông già Bến Ngự” mẩu chuyện thú vị nhân một lần tái ngộ cụ Phan Bội Châu.

Chân dung cụ Phan Bội Châu in trong cuốn “Ông già Bến Ngự”.
Chân dung cụ Phan Bội Châu in trong cuốn “Ông già Bến Ngự”.

Quãng 5 năm trước đó, hồi còn ở Huế, cô gái trẻ ấy đã nhiều lần lên ngôi nhà ở dốc Bến Ngự hầu chuyện cụ Phan rồi, nhưng khi trở vào Phan Thiết mở trường dạy học với mục đích quy tụ anh em thì bà bị mật thám Phan Thiết bắt giải ra Quảng Ngãi, biệt giam ngót 2 năm… Còn với lần tái ngộ này, bà nhớ, chuyện trò xong, khi tiễn khách ra cổng, cụ Phan chỉ cho bà Sương ngôi mộ con “nghĩa khuyển” có tạc bia hẳn hoi.

“Con chó này biết trung thành với chủ, tôi thương nó như thương người bạn. Tuy nó là súc vật nhưng tôi không đối đãi với nó như là súc vật. Thế mà có những con người không biết Tổ quốc mình, ruột thịt mình, ngày đêm rình mò bắt bớ bà con đem nạp cho chủ phân thây xé thịt!”, cụ Phan nói với bà Sương.

Sau này, bà Sương may mắn được ở bên cụ Phan nhiều hơn, cả những ngày cuối đời và kể tỉ mỉ thời điểm chôn cất cụ trong cơn mưa tầm tã. Cho nên chuyện về “nghĩa khuyển” của cụ Phan, hẳn là bà khá tường tận và xác thực…

Giờ đây, “nghĩa khuyển” của cụ Phan - con chó Vá và con chó Ky - không còn xa lạ nữa. Mộ bia “nghĩa khuyển” do chính cụ Phan dựng. Trước mộ con Vá không chỉ có tấm bia đề mấy chữ Hán chen chữ Quốc ngữ “Nghĩa dũng cẩu con

Vá chi trủng”, mà dựng kèm tấm bia nữa khắc những dòng tán thán như viết cho tri âm: “Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu; vì có nghĩa nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó; người còn vậy, huống gì chó.

Ôi! Con Vá nầy, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú, nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ nó”. Con Ky cũng vậy, có bia “Nhân trí cẩu Ky chi trủng” (thiếu chữ “con”) và thêm tấm bia nữa khắc những dòng như dành cho tri kỷ: “Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân. Vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy; ai ngờ con Ky này lại đủ hai đức ấy…”.

3. Khi thấy cụ Phan dựng bia cho “nghĩa khuyển”, có người đã phàn nàn ông sao lại quá đa sự, coi chó như người…

Chuyện này do chính cụ Phan kể lại, trong một bài viết đăng báo năm 1936. Bài viết nhắc vụ con Vá “về với nước chó” từ năm Giáp Tuất 1934, do mắc bệnh. “Tôi thương nó. Tôi đắp mồ táng cho nó. Mồ cao rộng một thước tây, ở gần phía dưới chân sinh huyệt của tôi. Ở trên mồ tôi trồng một cái bia cao ước một thước ta.

Lòng bia khắc năm chữ rằng: “Nghĩa dũng cẩu chi trủng” và có chua chữ “con Vá” dưới chữ cẩu… Tôi làm xong, có khách tới chơi. Khách rầy tôi rằng: Một con chó chết mà ông làm gì lắm việc thế? Đã đắp mồ lại dựng bia khắc chữ, chẳng phải là quá đa sự hay sao? Hay là ông xem chó cũng như người?”, cụ Phan viết trên tờ “Trung kỳ tuần báo” số 14.

Tính ra, đã chẵn 90 năm kể từ ngày con Vá mất. Như một sự trùng hợp, những ngày đầu năm 2024 này, rộ lên chuyện thú nuôi được giới trẻ cưng chiều, xem thú cưng như con. Thậm chí, làm tang lễ khi chó mèo chết và có hẳn dịch vụ mai táng, hỏa thiêu… Tâm tình mỗi thời mỗi khác, chuyện “đa sự” ở thế kỷ 21 càng không giống với hồi đầu thế kỷ 20, nhưng hẳn ít nhiều giống nhau ở lòng thương mến...

HỨA XUYÊN HUỲNH