"Chạy đua" giải ngân, không để mất vốn đầu tư
Không thể giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2023, chính quyền Quảng Nam yêu cầu các chủ đầu tư tiến hành rà soát, đánh giá, phân tích năng lực giải ngân của các dự án, trình cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, gia hạn thời gian thi công, giải ngân... hạn chế đến mức thấp nhất việc mất vốn đầu tư.
Chủ đầu tư, nhà thầu cùng nỗ lực
Ngày 5/1/2024, dự án thành phần 1 - hoàn thiện đường ven biển 129 nối tuyến ĐT619 từ nút giao quốc lộ 40B đến nút giao ĐT620, dài 26,5km đã chính thức khởi công xây dựng.
Trên công trường, liên danh các nhà thầu (Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng, CIENCO 510, Ánh Dương và Vinaconnex 25) đã dựng lán trại... ngay ven đường, tiến hành đúc cống, trụ, dựng cầu, triển khai thi công dự án ngay sau khi khởi công. Sẽ có một lượng vốn lớn từ dự án này được giải ngân ngay trong tháng 1/2024.
Số vốn giải ngân của dự án này cùng kế hoạch vốn của nhiều dự án khác của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (hơn 1.511 tỷ đồng) sẽ gia tăng lượng giải ngân.
Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông dự kiến giải ngân đến hết năm kế hoạch 2023 (31/1/2024) của các dự án do ban này làm chủ đầu tư sẽ khoảng 1.360 tỷ đồng, đạt 90%.
Các dự án công trình dân dụng dù gặp rất nhiều khó khăn từ việc vướng giải phóng mặt bằng, thời tiết bất lợi, giá vật liệu gia tăng, nhà thầu bỏ thi công vì lỗ, nhưng ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (chủ đầu tư) nói, khá nhiều dự án đã khởi công cuối tháng 12 và đầu tháng 1/2024, đặc biệt là dự án xây dựng 5 trung tâm y tế tuyến huyện đã và đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công... Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn khi kết thúc niên độ dự án năm 2023 sẽ đạt khoảng 75%...
Chủ đầu tư các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh thi công các dự án theo đúng tiến độ. Ngay như dự án “Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển từ UBND phường Cẩm An (Hội An) đến An Bàng” (210 tỷ đồng) chưa thể khởi công xây dựng, nhưng nhà thầu cũng đã hoàn tất việc đúc khối haro với tổng kinh phí giải ngân 25 tỷ đồng.
Chỉ chờ sóng yên, biển lặng, các cấu kiện này sẽ rời bãi đúc phía nam cầu Cửa Đại, xếp lên các sà lan, xuôi sông, dọc biển đến khu vực dự án để thi công. Dự kiến, các dự án Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư cũng sẽ giải ngân hơn 75%.
Không chỉ lượng vốn lớn từ các dự án đầu tư của 3 chủ đầu tư chuyên nghiệp sẽ đổ vào nền kinh tế. Các dự án đầu tư lớn nhỏ trên đại công trường dang dở của Quảng Nam đang chạy đua thi công để có thể đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi kết thúc niên độ giải ngân năm 2023 (31/1/2024).
Theo báo cáo ngày 12/1/2024 của UBND tỉnh, tính đến 31/12/2023, tổng vốn đầu tư đã giải ngân 7.011 tỷ đồng, đạt 69,9%/tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh (kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 5.882 tỷ đồng đồng, đạt 68,8% và kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 1.129 tỷ đồng, đạt 76,6%).
Thống kê có đến 14 sở, ban, ngành và 9/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 70%. Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng Sở KH-ĐT dự kiến kết thúc niên độ giải ngân (31/1/2024) sẽ có thêm nhiều dự án tiếp tục đầu tư. Tỷ lệ giải ngân sẽ gia tăng cao so với kết thúc năm 2023 như báo cáo.
Hạn chế mất vốn
Theo tính toán của Sở KH-ĐT, tỷ lệ giải ngân cao nhất cũng chỉ hơn 72%. Sở này nhận định, giải phóng mặt bằng bị ách tắc, việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân, các chủ đầu tư hạn chế năng lực, thiếu quyết liệt, sâu sát, chất lượng hồ sơ yếu... luôn là chuyện lưu cữu khiến tỷ lệ giải ngân thấp.
Ngoài ra, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang quá lớn (1.474 tỷ đồng), trong khi vẫn còn tình trạng khan hiếm nguồn nguyên vật liệu đất đắp, cát xây dựng và biến động đơn giá xăng, sắt, thép... khiến các nhà thầu thi công càng ngày càng lỗ, không ít doanh nghiệp “bỏ công trình” hay giãn tiến độ thi công... là các nguyên nhân mới xuất hiện đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư huyện ủy Duy Xuyên nói, tỷ lệ giải ngân chậm (dưới 70%) vì hầu hết tuyến giao thông được đầu tư không có đất san nền, đất đắp dù nhiều dự án đến hạn hoàn thành. Nhiều nhà thầu gặp khó, chấp nhận lỗ để thi công, nhưng thiếu nguyên vật liệu nên đành chịu!
Không thể giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm 2023 là điều không thể bàn cãi dù có viện dẫn lý do gì.
Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, với tỷ lệ giải ngân như hiện tại thì sẽ có gần 4.000 tỷ đồng không giải ngân được. Tuy nhiên, đáng lo ngại là có không ít vốn kéo dài 2022 chuyển sang 2023 không dùng hết (trừ 5 dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo Chính phủ đã được Quốc hội cho phép kéo dài thi công, giải ngân đến hết 31/12/2024) sẽ phải đưa vào kết dư thì sẽ chỉ còn khoảng 30% để đầu tư tiếp tục (mất 70%) - số này chưa rà soát, thống kê cụ thể.
Kiểm điểm hay phê phán, thậm chí chế tài các chủ đầu tư, nhà thầu không phải là trọng tâm. Quan trọng nhất là làm thế nào để hạn chế thấp nhất việc mất vốn là điều chính quyền và cơ quan quản lý địa phương đang tính toán.
UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công tăng thời gian thi công, ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023, nhất là các nguồn vốn trung ương, và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán.
Theo UBND tỉnh, sau ngày 31/1/2024, nếu không thể giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023, các sở, ban, ngành, địa phương phải có trách nhiệm rà soát, báo cáo Sở KH-ĐT tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024 của các dự án thuộc trường hợp bất khả kháng để tiếp tục giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.
Sau khi được HĐND tỉnh thống nhất thông qua, không còn bất cứ lý do gì để tiếp tục đề xuất điều chỉnh hay bổ sung dự án khác. Nếu không thuộc trường hợp bất khả kháng, không được phép kéo dài, giải ngân sang 2024, buộc phải xem xét, quyết định việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương tương ứng với số vốn không giải ngân hết, không được kéo dài thời gian thực hiện và sẽ bị hủy dự toán.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các chủ đầu tư thi công đến đâu, quyết toán, tất toán đến đó. Báo cáo ngay cấp thẩm quyền về các dự án chuyển tiếp kéo dài vốn từ 2023 sang 2024. Chủ động làm việc với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thực hiện dự án..., không thể để mất vốn.