"Nguồn động viên" văn hóa

HÀ QUANG 22/01/2024 08:15

Lần đầu tiên đến xã Tam Trà (Núi Thành), không như tưởng tượng của tôi, dù là một xã miền núi nhưng hạ tầng ở đây khá tươm tất. Ngoài tuyến đường chính khang trang qua trung tâm xã thì đường làng ngõ xóm và nhà cửa của người dân khá gọn gẽ, sạch đẹp.

Đồng bào Co chiếm khoảng 45% dân số ở Tam Trà, và đời sống vật chất của người dân gần đây đã đổi thay đáng mừng. Nhưng một điều rất dễ nhận ra, là “dấu vết” của một cộng đồng dân tộc thiểu số đã phai nhạt.

Theo nhận định, Tam Trà đang đứng trước ngưỡng cửa mai một các giá trị văn hóa truyền thống, như trăn trở của một già làng rằng “Cái ăn và cái mặc cần phải cân đối, hài hòa nhau. Cái mặc, cái tinh thần quan trọng lắm nhưng đang dần mất đi”.

Biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cấp bách, hiệu quả và khả dĩ nhất, theo cách nghĩ đơn giản là làm sao để người dân có nhiều cơ hội mặc những bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình, nhưng ở Tam Trà, thật ngạc nhiên, trang phục của người Co trở nên... khan hiếm.

Nguyên nhân chính được đưa ra là lâu lắm rồi ở đây không còn nghề dệt thổ cẩm và cũng không có người may trang phục. Và điều quan trọng là do kinh tế khó khăn nên người dân không có ý định sắm riêng cho mình bộ trang phục truyền thống.

Một già làng cho biết, hiện rất ít người muốn mặc trang phục truyền thống, ngay như tại lễ hội ngã rạ truyền thống của đồng bào Co, chỉ vài chục người mặc. Còn đám cưới, đám ma thì không thấy ai.

Bởi vậy, một con số làm tôi ấn tượng trong Đề án bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Tam Trà giai đoạn 2021 - 2025: mục tiêu cụ thể để phấn đấu là có 15% trở lên người đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng trang phục thổ cẩm truyền thống vào các ngày hội, lễ, tết. Một mục tiêu thật là khiêm tốn!

Vì vậy, tôi lấy làm vui khi tra trong Tờ trình đề nghị thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ một số hoạt động văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024 - 2026 với nội dung và mức hỗ trợ cụ thể: “dân tộc Co: 2 chiêng 1 trống (huyện Phú Ninh 1 thôn; huyện Núi Thành 3 thôn; huyện Tiên Phước 2 thôn); 30 triệu đồng/bộ”.

Dự kiến đề án này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khai mạc vào sáng mai 23/1. Trong đề án này, nhiều nội dung hỗ trợ tương tự, với đối tượng chủ yếu là các thôn, tổ dân phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các xã ở địa phương thuộc khu vực nông thôn và miền núi trên địa bàn tỉnh...

Đây được cho là nguồn động viên thiết thực nhằm hỗ trợ duy trì và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; đáp ứng nhu cầu luyện tập thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ và nâng cao đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh thời gian đến.

Và “nguồn động viên” này (dự tính tổng mức kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2024 - 2026 gần 13,8 tỷ đồng), dù không lớn lắm so với quy mô toàn tỉnh nhưng nếu được triển khai ở các địa phương, nhiều cộng đồng dân cư sẽ có thêm những “tài sản chung” để cùng nhau giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa.

Bởi theo nhận định của UBND tỉnh, môi trường văn hóa lành mạnh là tiền đề định hướng sự hình thành các chuẩn mực, phát triển hoàn thiện nhân cách văn hóa, con người.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan và toàn diện, các loại hình văn hóa văn nghệ quần chúng nói chung, văn hóa truyền thống nói riêng thời gian qua được các cấp, ngành, địa phương quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Trở lại câu chuyện về những bộ trang phục đồng bào Co của Tam Trà, hay xa hơn là những bộ chiêng trống có thể được hỗ trợ trong nay mai, dù không phải là một khoản đầu tư to tát, nhưng mang nhiều ý nghĩa khi người dân không có ý định sắm sửa và nỗ lực “xã hội hóa” của địa phương gặp khó. Vì vậy, “nguồn động viên” văn hóa, muốn đạt hiệu quả cao nhất trước hết phải đặt đúng chỗ, chứ không quá phụ thuộc vào những con số về nguồn vốn đầu tư!

HÀ QUANG