Bổ sung các chức danh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa được quy định chi tiền công: Cần thiết và kịp thời

XUÂN PHÚ 22/01/2024 09:30

HĐND tỉnh khóa X, Kỳ họp thứ 20 (khai mạc ngày mai 23/1) sẽ xem xét bổ sung một số chức danh tại các kỳ thi đối với giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh chưa được quy định chi tiền công tại Nghị quyết số 05 (12/1/2022) của HĐND tỉnh.

Nhân viên y tế được đề nghị thêm vào danh sách chi trả tiền công khi tham gia phục vụ kỳ thi. Ảnh: X.P
Nhân viên y tế được đề nghị thêm vào danh sách chi trả tiền công khi tham gia phục vụ kỳ thi. Ảnh: X.P

Lâu nay... bất hợp lý

Sau khi làm nhiệm vụ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, một giáo viên (GV) chia sẻ, thật bất hợp lý khi cùng là GV được Sở GD-ĐT điều động đi làm nhiệm vụ thi nhưng bản thân làm công tác thanh tra thi thì không có chế độ gì trong khi các đồng nghiệp coi thi thì được chi trả tiền công theo quy định.

“Đi làm công tác thi là nhiệm vụ của mỗi GV và bản thân luôn ý thức chấp hành tốt, thực thi hết trách nhiệm và chưa bao giờ từ chối. Thế nhưng, cũng cần nhận được sự đánh giá và ghi nhận một cách công bằng, không thể có sự vô lý, bất công như vậy được” - GV này chia sẻ.

Ước tính kinh phí chi tiền công mỗi năm học cho các kỳ thi (bao gồm tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và Phổ thông DTNT tỉnh, tốt nghiệp THPT, học sinh giỏi THPT cấp tỉnh, học sinh giỏi THCS cấp tỉnh) gần 7,8 tỷ đồng.

Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường cho hay, vấn đề nêu trên là bất cập mà ngành nhiều lần đề xuất, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi quy định tại Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh.

Theo đó, nội dung cụ thể quy định mức chi tiền công thực hiện nhiệm vụ thuộc công tác chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi đối với giáo dục phổ thông; chính sách hỗ trợ ôn tập cho học sinh dân tộc thiểu số tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Tường, GV được lựa chọn điều động làm công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi (không phải là thanh tra viên) là những người có nhiều kinh nghiệm, nhiệm vụ nặng nề hơn nhưng lại không được hưởng chế độ tiền công là điều khó chấp nhận (nếu họ đi làm công tác coi thi thì được). Ngoài ra còn rất nhiều chức danh khác như nhân viên công nghệ thông tin, y tế, công an, bảo vệ… cũng không có trong quy định chế độ tiền công.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, có tổng cộng 46 chức danh đã được quy định trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhưng chưa được quy định mức chi tiền công tại Nghị quyết số 05 cũng như Thông tư số 69 (11/8/2021) của Bộ Tài chính, bao gồm nhân viên phục vụ, y tế, công an, cán bộ giám sát, thư ký điểm thi, trật tự viên…

“Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 05, có một số nội dung hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn và quy định hiện hành. Khi tham chiếu để thực hiện chi trả tiền công cho người thực hiện các nhiệm vụ thi gặp rất nhiều khó khăn, chưa động viên, khuyến khích được tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên của ngành và cán bộ, công chức của các đơn vị phối hợp tham gia kỳ thi. Vì vậy, việc bổ sung là hết sức cần thiết” - ông Tường nói.

Bộ, ngành ủng hộ

Liên quan đến chế độ tiền công và nội dung chi cho các chức danh chưa được quy định tại Thông tư số 69 nên UBND tỉnh đã xin ý kiến các Bộ Tài chính, Nội vụ, LĐ-TB&XH, GD-ĐT và được các bộ phúc đáp đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Lâu nay nhiều chức danh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT không được quy định chi tiền công. Ảnh: X.P
Lâu nay nhiều chức danh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT không được quy định chi tiền công. Ảnh: X.P

Sở GD-ĐT - cơ quan soạn thảo đề án cũng cho biết đã thực hiện lấy ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương và nhận được 23 ý kiến thống nhất, 8 ý kiến góp ý, bổ sung.

Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 05, các nội dung, mức chi theo quy định tại Thông tư số 69 chưa phù hợp với tình hình thực tiễn tổ chức các kỳ thi trong thời gian qua, chưa đảm bảo đầy đủ các chức danh theo quy định tại các quy chế thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, việc xem xét, bổ sung đối tượng, nội dung, mức chi là cần thiết.

Bên cạnh bổ sung chi tiền công cho các chức danh chưa được quy định còn xem xét tăng mức chi tiền công so với các mức chi được quy định tại Nghị quyết số 05. Theo lý giải của Sở GD-ĐT, một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Quảng Nam, hầu hết mức chi tiền công đều cao hơn.

Hơn nữa, thực tế tại các kỳ thi, những công việc như ra đề, in sao đề, làm phách bài thi là hết sức quan trọng và nghiêm ngặt. Cán bộ, GV được triệu tập làm việc ở khu vực cách ly trong nhiều ngày, áp lực rất lớn do công việc có tính chất bảo mật nên cần có sự hỗ trợ, bồi dưỡng nhằm động viên, khuyến khích, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công việc.

XUÂN PHÚ