Tập trung phòng trừ dịch hại trên lúa đông xuân
(QNO) - Hiện nay, chuột và một số đối tượng sâu bệnh nguy hiểm phát sinh gây hại trên lúa đông xuân ở các địa phương của tỉnh. Nhà nông cần bám sát đồng ruộng để chủ động triển khai những biện pháp phòng trừ hữu hiệu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2023 - 2024 nông dân trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam sản xuất tổng cộng 41.500ha lúa. Tính đến thời điểm này, nhà nông đã gieo sạ 41.009ha, chủ yếu cơ cấu những loại giống lúa trung - ngắn ngày có chất lượng tốt như Thiên ưu 8, TBR225, HT1, HN6, ĐT100, Hà Phát 3, VNR20, TBR1… Còn lại 491ha lúa chưa xuống giống tập trung tại Đại Lộc và 6 huyện miền núi cao.
Trong số 41.009ha lúa đã gieo sạ, có 37.884ha chủ động nguồn nước tưới và 3.125ha phụ thuộc vào nước trời. Hiện nay, lúa chủ động tưới trong giai đoạn mới xuống giống - mạ, đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ; còn lúa nước trời trong thời kỳ mạ - đẻ nhánh, riêng trà sớm thì đẻ nhánh rộ - đứng cái.
Đáng nói, mặc dù hồi đầu vụ ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương đã vận động nông dân mở nhiều đợt ra quân diệt chuột (riêng tại Đại Lộc và Điện Bàn đánh bắt được 15.265 con) nhưng những ngày qua loài sinh vật nguy hiểm này vẫn phát sinh gây hại trên nhiều cánh đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào sáng nay 22/1, ông Lê Công Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho hay, hiện nay chuột đang phát sinh gây hại 180 sào lúa non ở vùng đông của huyện, gồm thị trấn Hương An và các xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Xuân 2.
“Đơn vị chúng tôi đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân triển khai đồng bộ và hiệu quả những biện pháp phòng trừ chuột cũng như các loại sâu bệnh nguy hiểm trên lúa đông xuân thời điểm trước - trong - sau Tết Giáp Thìn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại” - ông Nguyên nói.
Theo Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, từ đầu vụ đông xuân đến nay, tình trạng chuột ăn hạt giống trên lúa mới sạ và cắn phá lúa non xảy ra tại hầu hết địa phương. Qua thống kê, toàn tỉnh đã có 106ha lúa bị chuột gây hại với tỷ lệ bình quân 5-10%. Trong đó, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ là 4 địa phương có diện tích nhiều nhất.
Không chỉ chuột, thời gian qua ốc bươu vàng đã xuất hiện và cắn phá 72,5ha lúa đông xuân trong giai đoạn mạ non ở nhiều nơi của tỉnh với mật độ trung bình 1-3 con/m2, nơi cao 5 con/m2.
Trong khi đó, bọ trĩ gây hại rải rác trên những chân ruộng chủ động nước tưới với mật độ trung bình 500-700 con/m2, nơi cao 1.500-2.000 con/m2. Đến nay, tổng diện tích lúa bị nhiễm bọ trĩ là 6,5ha, tập trung chủ yếu ở huyện Hiệp Đức.
Tại Duy Xuyên, Hiệp Đức, Phú Ninh, Nông Sơn và một số nơi khác hiện cũng đã có 3,2ha lúa bị ruồi đục nõn gây hại rải rác. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo, sâu phao, sâu năn… phát sinh ở nhiều địa phương.