Quế Sơn đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

NHÃ PHƯƠNG 23/01/2024 07:38

Huyện Quế Sơn tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm ở vùng Đông Quế Sơn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.P
Nhiều mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm ở vùng Đông Quế Sơn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.P

Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, thực hiện mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp của địa phương chuyển biến rõ nét.

Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được hình thành. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản của Quế Sơn ước đạt 1.223,4 tỷ đồng, tăng 1,92% so với năm 2022.

Theo ngành nông nghiệp Quế Sơn, năm 2023 tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ở 13 xã, thị trấn của huyện là hơn 7.225ha. Qua thống kê, tổng sản lượng đạt 42.269,3 tấn, tăng 2.413,1 tấn so với năm 2022 và tăng 4.738,3 tấn so với kế hoạch đề ra.

Thực hiện Nghị quyết số 17 (ngày 19/12/2019) của HĐND tỉnh, trong năm 2023 UBND huyện Quế Sơn tiếp tục hỗ trợ các HTX nông nghiệp liên kết với một số doanh nghiệp tổ chức cho hàng nghìn hộ nông dân ở các xã Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, thị trấn Hương An sản xuất 700ha lúa giống hàng hóa, lúa và nếp thương phẩm, đậu phụng sẻ… theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Trong khi đó, lĩnh vực chăn nuôi của Quế Sơn có sự chuyển biến rõ nét về hình thức tổ chức sản xuất. Chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống, vật tư đầu vào đến sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, Quế Sơn có 12.026 con trâu và bò, 28.484 con heo, 359.240 con gia cầm các loại. Trên địa bàn huyện có 14 trang trại chăn nuôi với quy mô vừa và lớn.

Ông Trần Vũ Tánh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn thông tin, qua 6 năm (2018 - 2023) triển khai thực hiện chương trình OCOP, đến nay toàn huyện đã có 21 sản phẩm của 18 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 18 sản phẩm xếp hạng 3 sao và 3 sản phẩm xếp hạng 4 sao (1 sản phẩm tiềm năng 5 sao).

Trong số 18 chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP nêu trên thì có 6 HTX, 2 doanh nghiệp, 10 hộ kinh doanh. Các chủ thể ngày càng mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, dây chuyền tiên tiến phục vụ sản xuất.

Chất lượng sản phẩm dần được nâng cao, khâu an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng; mẫu mã bao bì, nhãn mác được cải tiến; việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại được quan tâm…

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… đời sống người dân Quế Sơn cải thiện đáng kể. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của huyện đạt 47,57 triệu đồng, tăng 5,21 triệu đồng so với năm 2022.

NHÃ PHƯƠNG