Hạ tầng giao thông thuộc huyện quản lý: Đại Lộc nỗ lực khơi điểm nghẽn

CÔNG TÚ 23/01/2024 08:45

Khơi điểm nghẽn hạ tầng giao thông kết nối do địa phương quản lý với tỉnh lộ (ĐT), quốc lộ (QL), huyện Đại Lộc đã huy động các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn gặp khó về kinh phí, khiến nhiều tuyến đường huyện (ĐH) chưa thể nâng cấp, mở rộng.

Tuyến đường ĐH3.ĐL đang được nâng cấp mở rộng, làm hệ thống thoát nước. Ảnh: C.T
Tuyến đường ĐH3.ĐL đang được nâng cấp mở rộng, làm hệ thống thoát nước. Ảnh: C.T

Liên vùng, thông suốt

Với sự đầu tư của tỉnh, tuyến ĐH3.ĐL nối từ ĐT609B, băng qua cầu Quảng Huế lên vùng B và giáp vào QL14B đã được mở rộng hơn, kiên cố và đảm bảo thoát được nước mặt.

Theo đó, diện mạo khu vực trung tâm các xã Đại An, Đại Cường, Đại Minh và Đại Phong cũng thay đổi theo hướng tích cực, thương mại - dịch vụ phát triển rõ nét. Hiện nay, cung đường này chuyển thành ĐT609C, tỉnh sẽ bố trí nguồn lực duy tu, bảo dưỡng đảm bảo vận hành, khai thác lâu dài.

Thuộc dự án đường dẫn cầu Giao Thủy, tuyến ĐH2.ĐL (địa bàn thị trấn Ái Nghĩa) được tỉnh quan tâm nguồn lực đầu tư mở rộng và hiện đã bàn giao đưa vào sử dụng. Trục đường này sẽ san sẻ bớt lưu lượng phương tiện từ hướng cầu Giao Thủy, qua ĐT609B để ra QL14B và ngược lại.

Ở miền núi xã Đại Sơn, người dân từ trung tâm muốn qua QL14B không còn cảnh phải “lụy đò” sau khi cầu Hội Khách đưa vào khai thác từ tháng 5/2022; tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 98 tỷ đồng). Công trình này đã khơi thông “điểm nghẽn” nối tuyến ĐH12.ĐL với QL14B; góp phần hình thành trục giao thông liên vùng, thông suốt từ ĐT609 ra QL14B, lên đường Hồ Chí Minh; tạo động lực phát triển kinh tế vùng Tây Đại Lộc.

Ngoài dự án đầu tư riêng lẻ cho hạ tầng giao thông do huyện quản lý, những năm qua, Đại Lộc đã ưu tiên thực hiện các đề án kiên cố hóa hệ thống ĐH và giao thông nông thôn (GTNT) theo nghị quyết của HĐND tỉnh.

Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đại Lộc - ông Phạm Thúy chia sẻ, các đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH giai đoạn 2015 - 2020 và kiên cố hóa hệ thống ĐH và GTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là chủ trương lớn, hợp lòng dân. Chủ trương này đã được huyện cụ thể hóa trong thực tế, nhân dân đồng tình hưởng ứng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Việc hiến đất mở đường lan tỏa rộng khắp trên địa bàn huyện và đem lại nhiều kết quả. Nhiều tuyến ĐH được nâng cấp, mở rộng, kết nối thông suốt với GTNT, ĐT và QL; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Phạm Thúy cho hay: “Thống kê từ năm 2015 đến 2023, thực hiện đề án kiên cố hóa ĐH, toàn huyện triển khai được 25,08km với tổng kinh phí 83,116 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 48,443 tỷ đồng, ngân sách huyện đối ứng 34,673 tỷ đồng. Nền, mặt đường các tuyến như ĐH3.ĐL (Đại An - Đại Hòa) và ĐH6.ĐL (Đại Cường - Đại Thắng) hiện đang tiếp tục mở rộng, làm hệ thống thoát nước.

Còn nhiều khó khăn

Tại xã Đại Hưng, tuyến ĐH13.ĐL qua địa bàn trung tâm xã được mở rộng, phù hợp quy hoạch xã nông thôn mới. Thế nhưng, riêng cầu Trúc Hà rộng chưa đến 3m và hiện đã xuống cấp, lan can bằng bê tông vỡ ra.

Ông Phạm Quang Hiển - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, cầu Trúc Hà là “nút thắt cổ chai” trên tuyến ĐH13.ĐL, rất cần có sự quan tâm đầu tư xây dựng mới của cấp trên.

 Chạy qua trung tâm hành chính thị trấn và chợ Ái Nghĩa, tuyến ĐH1.ĐL (đường Huỳnh Ngọc Huệ) với chiều dài chưa đến 1,8km song lại đóng vai trò rất quan trọng kết nối liên thông với 2 tuyến ĐT609 và ĐT609B.

Tuyến ĐH1.ĐL là trục huyết mạch của đô thị Ái Nghĩa, hàng ngày học sinh của ít nhất 5 trường học trên địa bàn cùng người dân trong khu vực đi lại nhưng nhiều điểm xuống cấp, bề rộng mặt đường không đồng bộ.

Vào mùa mưa bão, ách tắc lưu thông thường xuyên xảy ra khi nước sông Vu Gia chưa đến báo động 2 đã băng cắt cầu Ngoại Thương trên tuyến. Do thiếu vốn, nên việc đầu tư, nâng cấp tuyến đường vẫn là bài toán khó.

Triển khai kiên cố GTNT theo đề án của tỉnh, Đại Lộc có 10 xã được phân bổ danh mục đầu tư đợt 1 và đợt 2. Tuy nhiên, chỉ có 3 xã thực hiện xong, 7 xã không triển khai danh mục công trình phân bổ đợt 2.

Địa phương cấp xã nêu lý do, giá nguyên nhiên liệu, vật tư, nhân công biến động tăng cao dẫn đến tổng mức đầu tư tăng. Thế nên, nguồn vốn đối ứng của xã và nhân dân quá lớn, UBND xã không có nguồn tăng thu để đối ứng, không thể cân đối nguồn vốn ngân sách xã để thực hiện. Cạnh đó, kinh tế khó khăn, việc vận động nhân dân đóng góp kinh phí để cùng làm không thành.

Thực hiện đề án kiên cố hóa ĐH giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, địa bàn Đại Lộc nói riêng vốn đã thực hiện xong kế hoạch cho các năm 2021 và 2022; còn nguồn lực để đầu tư cho năm 2023 chưa được cấp thẩm quyền phân bổ.

Vừa qua UBND huyện đã kiến nghị Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt kế hoạch thực hiện kiên cố hóa ĐH đợt 3 theo Đề án kiên cố hóa ĐH và GTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt. Có như vậy, Đại Lộc mới đảm bảo hoàn thành tiêu chí giao thông ĐH, để phấn đấu về đích “Huyện nông thôn mới” vào năm 2024.

CÔNG TÚ