Khó khăn trong xử lý nợ đọng xây dựng nông thôn mới
(QNO) - Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình nông thôn mới kéo dài nhiều năm qua tại các địa phương của tỉnh đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Nợ kéo dài
Trừ thị trấn Nam Phước và 2 xã vùng đông Duy Nghĩa, Duy Hải phát triển theo hướng đô thị, toàn huyện Duy Xuyêncó 11 xã thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM).
Những năm qua, Duy Xuyên nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn triển khai mô hình NTM. Riêng giai đoạn 2021 - 2023, huyện đầu tư gần 335 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia này.
Nhờ nỗ lực triển khai hiệu quả nhiều phần việc, cuối năm 2020 tất cả 11 xã xây dựng NTM của Duy Xuyên đều được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM. Đặc biệt, Duy Xuyên được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2020.
Trong 3 năm gần đây, Duy Xuyên nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, đến nay địa phương đã thực hiện đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình NTM ở Duy Xuyên vẫn còn kéo dài. Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, giai đoạn 2018 - 2020 tổng số nợ công trình đã hoàn thành của huyện gần 20,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương và tỉnh không nợ, ngân sách huyện nợ hơn 2,9 tỷ đồng, ngân sách cấp xã và các nguồn khác nợ hơn 17,5 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2023, Duy Xuyên nợ công trình đã hoàn thành hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương và tỉnh nợ 93 triệu đồng, ngân sách huyện nợ gần 1,6 tỷ đồng, ngân sách cấp xã và các nguồn khác nợ hơn 1 tỷ đồng.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết 3 năm (2021 - 2023) thực hiện chương trình NTM, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh thông tin, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình NTM ở nhiều địa phương của tỉnh vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Tính đến đầu tháng 11/2023, tổng số nợ trong giai đoạn 2016 - 2020 trên phạm vi cả tỉnh gần 149,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ thực hiện tiêu chí xã NTM hơn 118 tỷ đồng và nợ thực hiện tiêu chí huyện NTM gần 31,5 tỷ đồng (số nợ này thuộc huyện Tiên Phước).
“Trong tổng số nợ nêu trên, ngân sách trung ương và tỉnh không nợ, ngân sách cấp huyện nợ hơn 99 tỷ đồng, ngân sách cấp xã và các nguồn khác nợ gần 50,6 tỷ đồng. Đối với khoản nợ đó, nợ công trình đã quyết toán gần 31 tỷ đồng và nợ công trình chưa quyết toán hơn 118,6 tỷ đồng” - ông Tấn nói.
Khó cân đối nguồn lực trả nợ
Ông Ngô Tấn cho biết, sở dĩ xảy ra tình trạng nợ đọng kéo dài trong giai đoạn 2016 - 2020 là trước đây khi chính quyền các địa phương quyết định đầu tư xây dựng những công trình, dự án chủ yếu trông chờ vào việc khai thác quỹ đất.
Tuy nhiên, thời gian qua khai thác quỹ đất ở hầu hết địa phương gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc xử lý nợ theo như kế hoạch đề ra, mặc dù UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 chưa đảm bảo thực hiện các mục tiêu trong xây dựng NTM, nhất là mô hình xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu chưa bố trí vốn nên các địa phương không thể cân đối nguồn lực để trả nợ.
Ngoài ra, có tình trạng trước đây chủ tịch UBND xã đại diện làm chủ đầu tư và ký hợp đồng, nay thay đổi công tác hoặc nghỉ hưu nên chủ tịch UBND xã mới lên thay còn chần chừ, chậm trễ trong công tác chỉ đạo xử lý nợ…
Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, các dự án trong giai đoạn 2021 - 2023 đang tổ chức thực hiện theo Luật Đầu tư công (dự án nhóm C bố trí không quá 3 năm) nên chưa xác định nợ cụ thể. Nếu lấy số liệu còn chưa phân bổ so với tổng mức đầu tư thì dự kiến cấp huyện nợ hơn 366 tỷ đồng, cấp xã nợ gần 78,9 tỷ đồng và các nguồn khác nợ hơn 13 tỷ đồng.