Thông qua nhiều cơ chế hỗ trợ tại kỳ họp 20 HĐND tỉnh: Cần thiết và hợp lý
Tất cả tờ trình liên quan đến tài chính, ngân sách, đầu tư đều đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa X. Không có nhiều chất vấn hay ý kiến của các đại biểu về các tờ trình của UBND tỉnh, tất cả đều được thông qua với lý do hợp lý và phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách địa phương.
Thống nhất nhiều cơ chế hỗ trợ
Số lượng, đối tượng nuôi dưỡng, điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần tỉnh tăng cao. Số nhân lực hiện tại không đủ nên trung tâm này đã hợp đồng thêm 30 lao động từ 4/2023 nhưng không có kinh phí chi trả lương.
UBND tỉnh đã đề nghị tạm thời cho phép các cơ sở trợ giúp xã hội (Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Làng Hòa Bình, Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công) được tiếp tục sử dụng số hợp đồng lao động hiện có để chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng đối tượng từ ngày 1/1/2024 cho đến khi UBND tỉnh quyết định phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực trợ giúp xã hội và người có công.
Ngoài ra, thống nhất chủ trương bố trí kinh phí chi trả lương và các khoản chi theo quy định cho số hợp đồng lao động này.
Cuộc thi học trò xứ Quảng đã từng có tiếng vang, tuy nhiên từ năm 2022, khó khăn về nguồn xã hội hóa. Sở GD-ĐT không đảm bảo các điều kiện tiếp tục tổ chức. Cần có thêm nguồn từ ngân sách hỗ trợ để động viên, khuyến khích học sinh tham gia.
Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể từ năm 2017. Tuy nhiên, do thiếu tiền kinh phí nên việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật này tại Quảng Nam chưa thực sự xứng tầm, chưa tương xứng giá trị di sản. Loại hình nghệ thuật này cần có nguồn lực để bảo tồn và phát huy.
Việc điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh phổ thông, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật được đề nghị tăng theo mức lương cơ sở.
Hay như việc quy định nội dung, mức chi, tỷ lệ phân bổ kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2024 – 2025. Sự phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển giữa ngân sách cấp tỉnh, huyện cũng được yêu cầu thay đổi vì những bất cập tồn tại ở lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục sau ba năm thực hiện. Nhiều địa phương đề nghị thay đổi để địa phương được quyền thực hiện việc đầu tư.
Không chỉ đề xuất các vấn đề về tài chính, việc bổ sung 17 điểm mỏ khoáng sản vào quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cập nhật các nội dung mới về khớp nối hạ tầng quy hoạch 1/2000 Khu công nghiệp Tam Anh 2 theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai, thực tế các dự án đã và đang triển khai đã được đệ trình. Các vấn đề phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cũng được đưa lên bàn nghị sự...
Thẩm tra của các ban Kinh tế - ngân sách, Văn hóa – xã hội và Pháp chế HĐND tỉnh đều cho thấy các đề nghị, từ xin kinh phí, sửa đổi các nghị quyết hay bổ sung quy hoạch, các vấn đề tài chính đầu tư đều cần thiết và hợp lý.
Trước hết vì người lao động
Theo nhiều đại biểu, việc quy định các nội dung, mức chi đã đề cập đều đã được các cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền ban hành, không có gì phải bận tâm để không thể thông qua.
Chỉ một ít tờ trình có sự thay đổi nhỏ. Một số đại biểu cho rằng cần sửa đổi cơ chế phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư, cho phép các huyện đầu tư một số hạng mục mà tỉnh chưa đầu tư được trong y tế, giáo dục, văn hóa.
Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói đề nghị của UBND tỉnh bổ sung 17 mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường tạo điều kiện giải quyết kịp thời nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ thi công.
Tuy nhiên có mỏ khoáng sản chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân, chính quyền địa phương là mỏ cát Bãi Xe Cháy (thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu, Duy Xuyên) do lo ngại ảnh hưởng sạt lở khi tiến hành hoạt động khai thác mỏ, nên buộc phải loại bỏ, chỉ bổ sung 16/17 mỏ vào Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phiên thảo luận chủ yếu về việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp đảm bảo chi trả lương và các chế độ phụ cấp năm 2023 cho cán bộ, viên chức và người lao động của Trường Cao đẳng Y tế trước Tết Nguyên đán 2024.
Hỗ trợ kinh phí trưng dụng Bệnh viện Đa khoa của trường này làm nơi thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thống nhất chủ trương khoanh nợ đối với khoản kinh phí đào tạo không đạt chỉ tiêu của trường từ năm 2020 trở về trước hơn 15,5 tỷ đồng từ năm 2023 đến 2025.
Tạm hoãn việc giảm trừ dự toán của trường mỗi năm hơn 1,9 tỷ đồng để có kinh phí trả lương cho cán bộ viên chức, giảng viên, người lao động. Tạm hoãn việc khấu trừ dự toán năm 2023 số tiền hơn 1,3 tỷ đồng do Trường Cao đẳng Y tế cho Bệnh viện Đa khoa thuộc Trường Cao đẳng Y tế tạm ứng năm 2021. Tạm cấp kinh phí để chi trả lương và chế độ trước Tết Nguyên đán 2024.
Nhiều đại biểu cho rằng tình trạng ngày càng suy thoái của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam diễn ra lâu nay nhưng tại sao không ai biết, không ai hay và không ai xử lý.
Đại biểu Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh nói để không có tiền chi trả lương là điều vô lý. Tại sao không thể tính toán sớm hơn và hậu quả ai sẽ giải quyết? Trách nhiệm quản lý nhà nước như thế nào mà để sự việc cứ tụt dài là điều không ổn. Không lẽ cứ phải hỗ trợ mãi kinh phí cho sự vụ yếu kém của trường không biết bao giờ mới thay đổi tốt được. Tuy nhiên, ông Thẩm cũng ủng hộ việc người lao động phải được trả lương.
Hạn chế của Trường Cao đẳng Y tế suy cho cùng cũng đã là chuyện đã rồi. Quan tâm của các đại biểu là làm cách gì để có tiền trả lương cho người lao động.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói khoảng 105 người trước tết không có lương gì (và cả gần 10 tháng qua) là điều đau xót. Cần thống nhất cho tạm chi nguồn trả lương. UBND tỉnh sẽ báo cáo HĐND tỉnh tại cuộc họp gần nhất thẩm tra kỹ.
Ông Nguyễn Đức nói không vì không thể trả lương cho người lao động, gây áp lực cho HĐND tỉnh. Song ông Đức cũng cho rằng đã trưng dụng bệnh viện thì phải hỗ trợ cho trường này và tìm kiếm nguồn chi trả.
Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh Trần Thị Bích Thu nói mục đích của cuộc họp này không phải giải quyết tất cả khó khăn của trường mà là bàn cách nào để tháo gỡ khó khăn cho việc chi trả lương cho các bộ, công chức, người lao động đã khốn đốn gần một năm nay. Còn trưng dụng bệnh viện thì không khám bệnh bình thường nên không có nguồn thu. Thuê nhà thì phải trả tiền. Cần hỗ trợ chi phí này cho bệnh viện để giải quyết bớt khó khăn cho người lao động...
Quan điểm của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh là làm sao có nguồn kinh phí để chi trả lương, các chế độ cho người lao động của trường. Ai sai sẽ bị xử lý. Còn trưng dụng cơ sở thì phải chi tiền. Nên thống nhất chi trả tiền lương, chế độ và hỗ trợ cho bệnh viện của trường.