An toàn thực phẩm mùa tết: Nâng cao nhận thức từ người kinh doanh

LÊ QUÂN 26/01/2024 09:15

Nâng cao nhận thức trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho người làm kinh doanh, sản xuất cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu mua sắm thực phẩm đang tăng cao vào mùa tết.

Đa số mặt hàng lương thực, thực phẩm tại siêu thị Go và một số cửa hàng lớn tại Tam Kỳ đều minh bạch về nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: X.H
Đa số mặt hàng lương thực, thực phẩm tại siêu thị Go và một số cửa hàng lớn tại Tam Kỳ đều minh bạch về nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: X.H

Thực hiện Kế hoạch số 8970 ngày 22/12/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024, Đoàn Kiểm tra liên ngành số 1 do Sở Y tế chủ trì đã bắt đầu triển khai kiểm tra tại các địa phương. Tại TP.Tam Kỳ, Đoàn kiểm tra nhận được những tín hiệu vui khi nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh có hiểu biết, kiến thức về ATTP.

An toàn từ siêu thị, cửa hàng

Siêu thị Go (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) số lượng mặt hàng kinh doanh đến 30-35 nghìn sản phẩm, trong đó có rất nhiều sản phẩm ngoại nhập. Đây là cơ sở kinh doanh, bán lẻ lương thực, thực phẩm đồ uống và các mặt hàng bách hóa tổng hợp.

Tại thời điểm kiểm tra, Siêu thị Go đã xuất trình đầy đủ thủ tục hồ sơ về ATTP; tất cả sản phẩm có nhãn mác nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không phát hiện hàng hóa thực phẩm nào hết hạn. Đoàn kiểm tra ghi nhận: Cơ sở tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh.

Lựa chọn thực phẩm thông minh

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo, trong dịp tết, đối với thực phẩm truyền thống đã được chế biến sẵn, người dân nên chọn mua sản phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, hàng hóa có nhãn mác rõ ràng, trên nhãn thể hiện đầy đủ các thông tin như: tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất sản phẩm; xuất xứ; ngày sản xuất, hạn sử dụng; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; thành phần hoặc thành phần định lượng,...

Đối với bánh kẹo, cần chú ý chọn bánh kẹo của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng. Đặc biệt cẩn trọng với các loại bánh mứt, kẹo, nước giải khát trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt vì thường được nhuộm phẩm màu công nghiệp, nguy cơ gây độc rất cao cho người dùng.

Với các loại hạt như đậu, hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương... chú ý kiểm tra kỹ để không mua phải hàng hóa bị mốc vì có chứa độc tố, vi nấm nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.

Đại diện quản lý Siêu thị Go tại Tam Kỳ cho biết, hiện nay tại các hệ thống của Siêu thị Go, ATTP được siết chặt bởi quy định từ khâu lựa chọn hàng hóa đầu vào cũng như quá trình bảo quản, trưng bày sản phẩm, trong đó tiêu chí an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.

Cụ thể, để sản phẩm được kinh doanh tại siêu thị thì nhà cung cấp cần phải có giấy chứng nhận về ATTP/ISO/HACCP; giấy chứng nhận OCOP, hàng Việt Nam chất lượng cao (nếu có); hồ sơ tự công bố/đăng ký bản công bố sản phẩm; phiếu kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm do đơn vị có thẩm quyền cấp, giấy tờ về kiểm dịch động vật, giấy tờ thông quan hàng hóa đối với thực phẩm nhập khẩu,….

Tương tự, tại cơ sở sản xuất HTX Bánh chưng Bà Ba Hội, ông Phạm Văn Hoành - đại diện HTX cho biết, tất cả nguồn nguyên liệu đầu vào của sản phẩm bánh chưng đều có nguồn gốc rõ ràng.

Trong quá trình chế biến, nhân viên của HTX đều có trang phục bảo hộ lao động và phải tuân thủ các quy định về bảo ATTP trong khu vực sản xuất. Các sản phẩm từ HTX Bà Ba Hội đều thực hiện lưu mẫu, công bố sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm theo quy định trước khi lưu thông sản phẩm ra thị trường.

Giám sát chất lượng thực phẩm

Đại diện UBND TP.Tam Kỳ cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác bảo đảm ATTP, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông về ATTP góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATTP cho người kinh doanh, hoạt động sản xuất trên địa bàn, kể cả người tiêu dùng.

Thời gian tới, cùng với các đoàn kiểm tra của tỉnh, TP.Tam Kỳ sẽ thành lập các đoàn tập trung kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố cũng như những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm.

Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, Tết Nguyên đán đang đến gần, đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân đa dạng và lớn nhất trong năm, đặc biệt là các thực phẩm như thịt, cá, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các hạt có dầu, chất phụ gia phục vụ chế biến món ăn...

Đáp ứng nhu cầu của thị trường, bên cạnh gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, nhiều cơ sở còn sản xuất, kinh doanh các thực phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ..., tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng. Vì vậy, chất lượng sản phẩm, ATTP là vấn đề rất đáng quan tâm.

Ngoài tăng cường thanh tra, kiểm tra, và phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về ATTP, kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường, bà Cẩm cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thực hành về công tác bảo đảm ATTP của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

LÊ QUÂN