Chóng mặt với… thay HLV tại V-League!
Đang trong thời gian tạm nghỉ nhường quân cho đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ tại Asian Cup, thế nhưng guồng quay của V-League vẫn sôi động một cách “chóng mặt” với hàng loạt động thái thay tướng của các đội bóng.
Thi nhau thay huấn luyện viên
Chưa bao giờ như mùa giải V-League năm nay, mới trải qua 8 vòng đấu đã có quá nhiều huấn luyện viên (HLV) trưởng bị thay thế, có đội thay 2 - 3 lần. Nhiều đến nỗi, ngay cả với những người thường xuyên theo dõi bóng đá Việt Nam cấp câu lạc bộ, tên tuổi HLV trưởng của các đội bóng nhiều lúc cập nhật không kịp, thậm chí không nhớ nổi. Chỉ tính riêng trong thời gian tạm nghỉ vừa qua, đã có 4 đội bóng thi nhau thay tướng, trong đó cả 3 đội bóng thủ đô và Hoàng Anh Gia Lai.
Đội bóng lập kỷ lục thay HLV nhiều nhất cho đến thời điểm này là Hà Nội. Thật khó tin HLV Daiki Iwamasa là người thứ 4 ngồi vào chiếc ghế thuyền trưởng khi mà mùa giải chưa đi qua được 1/3 chặng đường.
Trước đó, đội bóng nhà bầu Hiển chia tay HLV Bandovic và sử dụng HLV nội nhưng rồi cả Lê Đức Tuấn đến Đinh Thế Nam ngồi vào “chiếc ghế nóng” đều không thể giúp đội có được sự ổn định.
Vị trí giữa bảng xếp hạng và bị đội đầu bảng bỏ xa 9 điểm là điều khó chấp nhận với một đội bóng nhiều tham vọng vươn lên tầm châu lục như Hà Nội. Tuy nhiên, việc mời vị chiến lược gia người Nhật đến dẫn dắt liệu có giúp đại diện ưu tú của thủ đô trở lại đường đua vẫn còn là câu hỏi chờ thực tế trả lời.
Cũng chỉ trong thời gian ngắn, Thể Công Viettel liên tiếp thay HLV trưởng khi bất ngờ gạch tên Thạch Bảo Khanh, đưa HLV người Mỹ Dooley Thomas lên thay. Song cũng rất nhanh chóng, chỉ sau 2 thất bại liên tiếp, đội bóng quân đội lại tiếp tục thay đổi khi mời HLV Nguyễn Đức Thắng - cựu HLV Bình Định về làm thuyền trưởng kể từ đầu tháng 1/2024.
Tương tự, Công An Hà Nội cũng quyết định chia tay HLV Gong Oh Kyun chỉ sau thời ngan ngắn ngủi với 4 vòng đấu kể từ khi nhà cầm quân người Hàn Quốc này đến thay ông Trần Tiến Đại, nhường quyền lại cho HLV Kiatisuk. Như một động thái bắc cầu khi Kiatisuk rời phố núi, HLV Vũ Tiến Thành - người trước đó chia tay TP.Hồ Chí Minh nhận lời dẫn dắt Hoàng Anh Gia Lai trong phần còn lại của mùa giải.
Bình thường hay bất thường?
Thông thường, các đội bóng không duy trì được phong độ và rơi vào vòng xoáy của cuộc đua trụ hạng mới có động thái thay tướng để hy vọng đổi vận, cải thiện thành tích.
Nhưng trong số 4 đội bóng thay HLV trưởng mới nhất tại V-League, ngoại trừ Hoàng Anh Gia Lai đua trụ hạng và là bất khả kháng khi chia tay HLV trưởng, 3 đội còn lại đều là những ứng cử viên chức vô địch. Trước đó, HLV Vũ Tiến Thành rời TP.Hồ Chí Minh hay Võ Đình Tân chia tay Khánh Hòa dù cả hai đội vẫn có kết quả khả quan. Vậy đây là điều bình thường hay bất thường?
Có thể thấy, lãnh đạo các đội bóng thiếu sự kiên nhẫn khi kết quả thi đấu của đội nhà không được như kỳ vọng. Nhà đương kim vô địch Công An Hà Nội mời cựu HLV đội tuyển U23 Việt Nam về dẫn dắt khi mùa giải đã khởi động được vài vòng. Song chỉ sau 4 trận đấu không có được kết quả tốt, lãnh đạo câu lạc bộ đã thể hiện sự thất vọng bằng quyết định phế truất Gong Oh Kyun.
Thể Công Viettel tin tưởng đưa Dooley Thomas từ vị trí giám đốc kỹ thuật lên nắm quyền nhưng cũng chỉ sau 2 trận thua đã mất niềm tin. Hà Nội chẳng khá hơn, thất vọng với HLV ngoại hồi đầu mùa, câu lạc bộ chuyển sang dùng “người nhà” song rồi cuối cùng vẫn quay trở lại phương án thầy ngoại kể từ vòng đấu thứ 9.
Từ những động thái thay HLV “chóng mặt” của Hà Nội, Thể Công Viettel, Công An Hà Nội, có thể nói áp lực thành tích rất nặng đối với các đội bóng lẫn các tân HLV. Và với những gì đang diễn ra kể từ đầu giải, không loại trừ khi V-League trở lại, những chiếc ghế HLV tại 3 đội bóng thủ đô sẽ tiếp tục bị lung lay nếu không đáp ứng sự kỳ vọng.
Cạnh đó, một số đội bóng đang ngụp lặn ở nhóm cuối bảng ắt hẳn cũng cần một luồng không khí tươi mới từ băng ghế huấn luyện để giúp đội bóng thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Khánh Hòa thời kỳ hậu HLV kỳ cựu Võ Đình Tân vẫn đang xếp áp chót khiến chiếc ghế của HLV trẻ Trần Trọng Bình khó trụ vững. Tương tự, chiếc ghế của HLV Nguyễn Thành Công tại Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay Phan Như Thuật ở Sông Lam Nghệ An cũng không có gì đảm bảo.