Một chuyên khảo về Hội An

LÊ THÍ 28/01/2024 11:00

Một chuyên khảo về Hội An được một nhà “Việt Nam học” người nước ngoài thực hiện cách đây gần 60 năm. Chuyên khảo được đánh giá là “rất công phu và nghiêm cẩn”.

Một góc Hội An. Ảnh: HUỲNH HÀ
Một góc Hội An. Ảnh: HUỲNH HÀ

Người Hoa ở Hội An

“Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An” là tên một khảo cứu về cộng đồng người Hoa và những công trình xây dựng của họ tại Hội An. Tác giả chuyên khảo là Giáo sư sử học Chen Ching Ho, một người gốc Đài Loan đã đến sinh sống, học tập tại Nhật và lúc này đang là Chủ tịch Ủy ban phiên dịch của Viện Đại học Huế.

Chuyên khảo dài hơn 30.000 từ với 70 trang, lần đầu tiên được đăng trên 2 số Việt Nam Khảo cổ tập san (số 1/1960 và số 3/1962). Đây là chuyên san hằng niên của Viện Khảo cổ Sài Gòn.

Nhờ “gốc tích” Đài Loan lại thông thạo nhiều ngoại ngữ nên tác giả dễ tiếp cận được nguồn tư liệu gốc tại chỗ tương đối phong phú và đa dạng, đối chiếu với nhiều nguồn sử liệu từ Trung Hoa, Nhật Bản, phương Tây để trình bày một vấn đề khó và thú vị.

Chuyên khảo gồm 5 phần. Phần I là lời mở đầu, Chen Ching Ho tập trung trình bày chính sách của các triều đại phong kiến Việt Nam đối với việc cai quản những di dân Trung Hoa. Theo ông đó là chính sách ngăn cách (nhà Trần, đầu nhà Lê) và chính sách đồng hóa (Hậu Lê và các chúa Nguyễn).

Ông cũng cho rằng “dù thái độ chúa Nguyễn đối với thương gia và các di thần nhà Minh tương đối khoan hậu nhưng với bọn di dân có tánh cách tập đoàn và có võ trang thì cũng phải tìm tòi vài biện pháp đặc biệt để khống chế” (tập I, trang 5). Lý giải về chủ trương “ngăn cách” và “đồng hóa” này, Chen Ching Ho đưa ra ba nguyên nhân trong đó nhấn mạnh đến nguyên nhân mang tính “địa chính trị”.

Phần II nghiên cứu về thời điểm thành lập phố Khách và Minh Hương xã ở Hội An. Chen Ching Ho đã đối chiếu nhiều tài liệu và đi đến kết luận: “Phố Khách và phố Nhật đã tồn tại từ sơ niên thế kỷ thứ 17” (tập I, trang 12).

Còn về Minh Hương xã ông cho là “trong khoảng giữa năm 1645 và năm 1653, rất có thể mấy năm sau năm 1645, Hội An Minh Hương xã tức là Minh Hương xã đầu tiên của Việt Nam đã được sáng lập” (trang 18).

Phần III nói về các bậc “tiền hiền” của Minh Hương xã. Chen Ching Ho cũng đồng quan điểm với Nguyễn Thiệu Lâu cho rằng đó là Thập lão gồm: Khổng thái lão gia; Nhan, Dư, Từ, Chu, Hoàng, Trương, Trần, Thái, Lưu lão gia. Tuy nhiên ông bổ sung thêm Lục tính (sáu họ) và Tam gia (3 nhà) cũng như nhấn mạnh đến vai trò của Khổng thái lão gia.

Trong phần IV, Chen Ching Ho trình bày về diện tích, hành chính và thuế lệ của Minh Hương xã. Về diện tích ông cho biết quá trình mở rộng của xã từ miếng đất mua đầu tiên chỉ rộng 14 mẫu rưỡi đã lên gần 20 mẫu (1878). Phát hiện đặc biệt của ông là 10 lân thuộc nhiều địa phương ngày nay cũng trực thuộc Minh Hương xã như Trà Nhiêu, Bàn Thạch, Hà Nhuận, Việt An, Khánh Thọ, Liễu Trì, Tam Kỳ…

Về bộ máy hành chánh, đứng đầu Minh Hương xã là Cai xã. Dưới Cai xã có Hương quan, Hương lão và Hương trưởng. Về lệ thuế Chen Ching Ho cho biết thuế thân ở Minh Hương xã cao hơn các địa phương khác 25%.

Phần V viết về các miếu từ và hội quán ở Hội An. Phần này Cheng Ching Ho chỉ giới thiệu một số di tích chính như Quan Công miếu, Quan Âm tự, Cẩm Hà  và Hải Bình Nhị cung, Phúc Kiến hội quán, Trung Hoa hội quán, cầu Lai Viễn, các hội quán Quảng Triệu, Triều Châu, Hải Nam, Dương Thương… Tuy chưa đầy đủ nhưng lịch sử của các di tích này được trình bày khá rõ, cung cấp nhiều thông tin quý báu.

Chuyên khảo của Cheng Ching Ho được đánh giá là công trình nghiên cứu “công phu, nghiêm cẩn và đầy đủ nhất” về vấn đề này từ trước đến nay, có ý nghĩa lớn đối với việc tìm hiểu về Đô thị cổ Hội An, Di sản văn hóa thế giới.

Nhà “Việt Nam học” Chen Ching Ho

Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa) tự Mạnh Nghi, sinh ngày 28/9/1917 tại Đài Trung, Đài Loan. Từ nhỏ ông đến sinh sống tại Nhật Bản và tốt nghiệp Cử nhân Sử học tại Đại học Khánh Ứng ở Tokyo. Đây là đại học danh tiếng của Nhật được thành lập bởi nhà giáo dục khai sáng Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi).

Ông không những là người biết nhiều phương ngữ của Trung Hoa như  Bắc Kinh, Quảng Đông, Phúc Kiến… mà còn thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Việt, Nhật, Anh, Pháp. Sau khi tốt nghiệp cử nhân (1942) ông đến thực tập tại Trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội và cưới một cô vợ người Việt (bà Đặng Thị Hòa). Ông làm việc tại đây cho đến năm 1946. Từ 1946 trở đi, ông là giáo sư giảng dạy ở nhiều trường đại học thuộc nhiều nước Á - Âu như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Hoa Kỳ…

Từ 1958 đến 1965 ông được Viện Yên Kinh của Đại học Havard cử đến giúp Viện Đại học Huế trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban phiên dịch sử liệu. Ông cũng tham gia giảng dạy ở các trường Đại học Văn khoa Huế, Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh và cộng tác với nhiều tạp chí nổi tiếng như Đại Học (Huế), tập san Sử Địa, Văn Hóa nguyệt san, Khảo cổ (Sài Gòn).

Nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam của ông đăng trên các chuyên san trong và ngoài nước được đánh giá cao, tiêu biểu là: Soạn niên, tài liệu và truyền bản của An Nam chí lược in trong An Nam chí lược (Đại Học, Huế - 1961); Bài khảo cứu Hải ngoại kỷ sự in trong Hải ngoại kỷ sự (Đại Học, Huế - 1963);

Dịch và chú thích Thành trì chí trong Gia Định thành thông chí (Đại Học - Huế); Việt Nam Đông Kinh địa phương chí đặc xưng “Kẻ” (Đại học văn sử triết học báo, Đài Loan, 1950); Ngũ đại Tống sơ chi Việt Nam - Trung Việt văn hóa luận (Đài Bắc, 1956); Cấn Trai Trịnh Hoài Đức, kỳ nhân kỳ sự;

Thừa Thiên Minh Hương xã Trần Thị chánh phả (Đông Nam Á nghiên cứu chuyên san, Hồng Kông, 1964); Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả chú thích (Văn sử triết học báo, Đài Loan, 1956); Phố và nền thương nghiệp của người Hoa ở Hội An thế kỷ 18 (Tân Á học báo, Hương Cảng, 1960); Khảo về tác giả và nội dung sách Quốc sử di biên  (Trung văn Đại học Tân Á nghiên cứu sở, Hồng Kông, 1965)…

Năm 1966 ông lấy bằng Tiến sĩ Sử học tại Đại học Khánh Ứng với luận án nghiên cứu về tác phẩm An Nam dịch ngữ.

Khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, Chen Ching Ho luôn đứng trên quan điểm khách quan của một nhà sử học chân chính tôn trọng sự thật lịch sử, bài xích tư tưởng “nước lớn” về phương diện chính trị và văn hóa.

Chen Ching Ho được đánh giá là “một nhà Đông phương học, một nhà Việt Nam học xuất sắc đã để lại nhiều công trình khảo cứu sử liệu rất có giá trị cho nền sử học Việt Nam đặc biệt cho giới nghiên cứu cổ sử Việt Nam và cổ sử Đông Nam Á” (Nguyễn Văn Đăng, Về hoạt động của nhà Đông phương học Trần Kinh Hòa 1917 - 1995. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1/2012).

Ông mất ngày 19/11/1995.

LÊ THÍ