Nguồn xuân thương nhớ
Thời tiết của những ngày cuối năm mưa ủ ê mấy tuần liền. Không gian nằng nặng buồn buồn, bầu trời thẫm màu trầm đục. Ngay con đường trước mặt nhà vắng bóng người qua lại dù lúc này ngoài trời chỉ lây rây mưa bụi, gió ngưng lặng và thoáng chùng chút hơi lạnh luồn qua má qua tay; bàn chân tôi vừa mới bước ra ngoài và chạm ngay cái rét.
Hơn hết, tôi nhận ra có cái gì vừa chảy qua tôi một cách lặng lẽ dịu êm. Hòa điệu men theo từng cung bậc của dòng sống như cách diễn giải của thầy Long Thọ: cái gì đã đi thì không có đi, chưa đi thì cũng không có đi, lìa ngoài đã đi và chưa đi, lúc đang đi cũng không có đi…
Ấy mới biết mạch chảy luôn biến hiện điệp trùng trải dài vô tận. Không có đi vì là những gì vừa xuất hiện, tồn tại rồi tức khắc hủy hoại. Chảy là một thể tính bao trùm; không có vật gì mà không tác động đến chảy.
Suy nghĩ miên man, vấp phải mép đường, tôi chao người sực tỉnh rồi bước qua chỗ giẫm chính cái bóng của mình lúc nãy, thấy một dòng tương tục vô cùng vô tận của thời gian lao lướt nhanh chảy thành một vệt dài…
Trời những ngày cuối đông trong căn nhà đơn sơ quạnh quẽ, vắng tiếng nói cười của con trẻ. Bỗng có tiếng điện thoại reo, bắt máy, tôi nhận ra giọng người quen đã rời xa quê nhà khá lâu nay mới có dịp gặp.
Qua một hồi hỏi han đủ thứ chuyện, tôi gợi chút hào hứng nơi bạn: Tết này về quê chơi đi! Nhưng rồi tôi nhận ra ngay, ở quê bạn không còn ai thân thích và cha mẹ khuất bóng đã lâu cả rồi: “Còn cha còn mẹ thì hơn/ Không cha không mẹ như đờn đứt dây”… Rồi tôi cũng đẩy đưa thêm một câu ca xứ Quảng: “Thương cha nhớ mẹ thì về/ Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng”…
Tôi nghĩ chữ “về” là khi chúng ta đang còn cha mẹ. Về là kết nối tình thương với bậc sinh thành. Về là còn mang sự tin tưởng và an lạc. Hơn nữa truyền thống của dân tộc bao đời nay vẫn gìn giữ và xem trọng sự hiếu kính ông bà cha mẹ. Với lại những ngày xuân con cháu trở về quê ăn tết là khởi đi nguồn sống đẹp chảy tự bao đời, nhưng có người lại nói: mất mẹ là không có tết, không còn có mùa xuân…
Theo tôi câu ca xứ Quảng nêu được hai phần chính là tình (tâm) và cảnh. Thương cha nhớ mẹ là cái tình, vốn thuộc về nếp sống đạo lý, sự tốt đẹp của lẽ đời lèn nén ở bên trong; còn thương kiểng nhớ quê là cảnh: những điều mộc mạc, dân dã, bình dị ở miền quê biểu hiện ra ở bên ngoài.
Cây đa, bến nước, con đò, cổng ngõ, đường làng, lũy tre, dòng sông, đồng ruộng… là những cảnh vật đã khắc khảm trong chuỗi hoài niệm, có thể chảy từ quá khứ, hiện tại và đến tận tương lai (dẫu hình thể mỗi thời biến đổi)… Nhưng với nghĩa mẹ tình cha chỉ một, không khác trong dòng đời lưu chuyển không ngừng…
Có thể đúc kết, tâm và cảnh dung thông nên các hiện tượng tâm lý và vật lý đều có sẵn tính đồng nhất (Pháp giới duyên khởi - Hoa nghiêm tông). Thế mới thấy cái tình thương cha nhớ mẹ hàm dưỡng từ bên trong thường sâu nặng hơn so với những sắc thái thương nhớ quê kiểng (cảnh) biểu hiện bên ngoài…
Lẽ thường cái buồn hay khắc sâu, nhưng vui thì cũng luôn ghi nhớ! Để thấy rằng nếu không có những hoa rụng nắng tàn, những trận mưa dầm gió giật thì sẽ không có bình minh ngày mới, sẽ không có trăng thanh gió mát.
Chúng ta tin vào duyên khởi, nghĩa là sự vật nương nhau mà có; tin vào sự tuần hoàn của đất trời nên yên tâm hân hưởng niềm vui sống. Như buổi sáng nay xuân mới vừa mở cửa, thấy có ai mang thương nhớ theo về: “Nắng nguyên đán của nguyên xuân đầy đủ/ Cỏ hoa hương chồi nhú lộc miên man… (Bùi Giáng).