Sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế

TRỊNH DŨNG 30/01/2024 09:45

Hệ thống ngân hàng Quảng Nam khẳng định không thiếu tiền, thừa vốn, sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, tín dụng có được khơi thông hay không phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của nền kinh tế và doanh nghiệp địa phương.

Năm 2024 ngân hàng sẽ tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, vào các lĩnh vực ưu tiên...(ảnh chỉ có tính minh họa).
Năm 2024 ngân hàng sẽ tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, vào các lĩnh vực ưu tiên...(ảnh chỉ có tính minh họa).

Khó tìm người vay

Năm 2023, nền kinh tế Quảng Nam rơi vào tình trạng suy giảm nặng nề. Tốc độ tăng trưởng GRDP giảm đến 8,25%. Nhiều khách sạn, nhà hàng, bất động sản các loại của doanh nghiệp... đã bị ngân hàng phát mãi, thu hồi vốn, nhưng cũng rất khó khăn vì không thể tìm đâu ra người mua.

Lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường mới giảm 7,44%, số vốn đăng ký mới giảm đến 42,73% thì chiều ngược lại, số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng 13,7%. Khó khăn về tài chính, doanh thu giảm sút, doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ những khoản vay đến hạn, khiến nợ xấu đã tăng đến 109,53% so với đầu năm.

Không chỉ doanh nghiệp không đủ sức vay vốn, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% (theo Nghị định 31) cũng khó tìm được người vay. Khách hàng không đáp ứng điều kiện thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất hoặc e ngại việc thanh tra, kiểm tra, cân nhắc lợi ích giữa việc hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí phải bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất.

Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ không giải ngân được đồng nào. Lý do hiện tại Quảng Nam không có dự án nào được phê duyệt, nên các ngân hàng thương mại không có cơ sở để tiếp cận hoặc thẩm định dự án để cho vay.

Ngân hàng rất “khát” dự án, có nhu cầu đưa vốn ra thị trường, nới room tín dụng, nhưng khó tìm được người cho vay. Sức cầu nền kinh tế giảm. Doanh nghiệp gần như đã bị bào mòn nguồn lực tài chính sau mấy năm suy giảm vì dịch bệnh, vì nền kinh tế suy giảm, chưa thể có nhu cầu mở rộng hay tái sản xuất, chỉ hoạt động cầm chừng nên chưa mặn mà với việc tiếp cận vốn ngân hàng.

Các thống kê trên cho thấy đó là những nguyên nhân dẫn đến cầu tín dụng thấp. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tại địa phương đạt mức tăng thấp so với đầu năm 2023, chỉ đạt 8,61% (thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 13,23% của năm 2022). Có đến 13/33 tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng âm.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam công bố dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên chiếm tỷ trọng lớn, có mức tăng cao so với tốc độ tăng chung của tín dụng trên địa bàn. Chiếm nhiều nhất là tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn 25,54% (tăng 7,69%), doanh nghiệp nhỏ và vừa 14,7%, xuất nhập khẩu 1,36% (tăng 43,56%), công nghiệp hỗ trợ 4,34% (tăng 11,52%)...

Ông Phạm Trọng – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay diễn biến tăng trưởng dư nợ cho vay năm 2023 khá phức tạp. Tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm, giảm liên tiếp 4 tháng sau đó và tăng mạnh trở lại trong quý IV, nhất là tháng 12/2023 (tăng đến 2,77%).

Cuối năm 2023, dư nợ cho vay đạt 106.852 tỷ đồng. “Mức tăng trưởng này thấp hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế địa phương biến động (GRDP giảm 8,25%) thì mức tăng trưởng tín dụng 8,61% của ngành ngân hàng cũng là nỗ lực tích cực, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh” – ông Trọng nói.

Khơi thông vốn vào nền kinh tế

Quảng Nam đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng GRDP năm 2024 khoảng từ 7,5 – 8%. Nhu cầu vốn cho nền kinh tế tái phục hồi và phát triển rất lớn. Tín dụng là kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng cho toàn bộ nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng.

Tín dụng doanh nghiệp không tăng, sản xuất đình đốn sẽ là dấu hiệu bất an của nền kinh tế, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp mà của cả hệ thống ngân hàng. Đó là lý do 33 tổ chức tín dụng có mặt tại Quảng Nam đều cam kết sẽ khơi thông vốn vào nền kinh tế tại Hội nghị triển khai kế hoạch ngành ngân hàng hôm 24/1.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi các tổ chức tín dụng cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Gia tăng kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đẩy mạnh việc triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội hay chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lâm, thủy sản. Sẽ theo dõi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội địa bàn, tham mưu chính quyền địa phương phối hợp ngành ngân hàng triển khai các chính sách, chương trình tín dụng phù hợp.

Hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm khả năng thanh khoản, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất. Tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn bằng việc đơn giản, rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian xử lý, phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, giảm lãi suất, phí cho vay.

Ông Nguyễn Hải Hà – Giám đốc Ngân hàng SHB Quảng Nam cho biết ngân hàng sẵn sàng cấp vốn cho các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có thể tạo ra dòng tiền để trả nợ.

Không đưa ra con số tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ là bao nhiêu, song Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam khẳng định hệ thống ngân hàng địa phương đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Tín dụng sẽ được điều chỉnh phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế địa phương. Giới ngân hàng mong muốn khơi thông dòng vốn ra thị trường, hỗ trợ nền kinh tế địa phương phát triển, đồng nghĩa với việc tìm kiếm lợi nhuận cho ngân hàng. Tuy nhiên, có thể hiểu tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào độ mở của nền kinh tế.

Vốn có được khơi thông vào thị trường hay không, không hoàn toàn do giới ngân hàng quyết định, mà phụ thuộc vào sức khỏe nền kinh tế và sự phát triển của doanh nghiệp.

Một giám đốc ngân hàng thương mại (không muốn nêu tên) nói một khi nền kinh tế yếu doanh nghiệp không có dự án, không đủ khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường thì dù ngân hàng có muốn cũng không thể đẩy tín dụng ra ngoài được.

Khó có thể đánh giá cụ thể nhu cầu vốn của nền kinh tế. Chưa thể định lường được sức khỏe của doanh nghiệp nên sẽ khó đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng. Ông Phạm Trọng cho rằng tăng trưởng tín dụng mỗi năm luôn được điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương.

Sẽ không hạn chế nhu cầu hấp thụ vốn của thị trường. Điều quan trọng nhất của của giới ngân hàng (kể cả nền kinh tế) là chất lượng tín dụng. Dòng tiền chảy đến nơi cần chảy, đúng nơi cần hấp thụ của nền kinh tế, tháo gỡ nút thắt tín dụng cho doanh nghiệp mở rộng, gia tăng sản xuất, kinh doanh, hơn là con số % tăng trưởng nhiều hay ít. Điều cần nhất là tạo ra cơ chế tốt hơn để cho cả kinh doanh và tăng trưởng tín dụng đều đạt “thực chất”.

TRỊNH DŨNG