Khó tìm nơi sản xuất bao bì cho sản phẩm nông thôn

VĨNH LỘC 30/01/2024 10:00

Để có hộp đựng, bao bì sản phẩm, các chủ thể OCOP, cơ sở khởi nghiệp, làng nghề Quảng Nam (gọi chung là sản phẩm nông thôn) phải đặt hàng tận Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, nhưng không phải lúc nào cũng có.

Rất nhiều chủ thể OCOP loay hoay với việc đặt hàng bao bì, hôp đựng cho sản phẩm của mình. Ảnh: V.L
Rất nhiều chủ thể OCOP loay hoay với việc đặt hàng bao bì, hôp đựng cho sản phẩm của mình. Ảnh: V.L

Khoảng trống “công nghiệp phụ trợ”

Những ngày cận tết, ông Đặng Xuân Lợi - HTX Nông nghiệp Dược liệu Tam Anh (xã Tam Anh Nam, Núi Thành) lo lắng khi nhiều mẫu hộp giấy, bao bì đựng quà đặt mua từ Hà Nội hết hàng hoặc chưa nhập về kịp. Theo đó, một số sản phẩm bán làm quà tặng tết khó thể đưa ra thị trường hoặc giao cho khách hàng đúng hẹn.

Theo ông Lợi, trên địa bàn tỉnh hầu như không có cơ sở hay nhà máy nào sản xuất hộp đựng, bao bì đóng gói, kể cả TP.Đà Nẵng nên hầu như tất cả sản phẩm nông thôn Quảng Nam phải đặt hàng từ các tỉnh thành khác đưa về. Bình quân, số tiền ông Lợi đặt hàng mỗi lần thấp nhất cũng 50 triệu đồng, tùy thời điểm có thể tăng lên 100 triệu đồng.

Nhiều năm qua, bao bì, hộp đựng sản phẩm luôn là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp. Không riêng HTX Tam Anh, dường như mọi doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều loay hoay với câu chuyện này.

Tại tiệm bánh Lê Anh (phường Điện Nam Trung, Điện Bàn), mặc dù quy mô tương đối nhưng tất cả mẫu hộp bánh của tiệm đều phải đặt làm tại tỉnh Bình Định hoặc TP.Hồ Chí Minh. Thông thường, 3 tháng tiệm bánh Lê Anh nhập hộp bánh một lần. Với những cơ sở, doanh nghiệp lớn, sức tiêu thụ mạnh thì câu chuyện về hộp giấy, bao bì càng nhiêu khê hơn.

Bà Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (Duy Xuyên) chia sẻ, HTX hầu như không có sự lựa chọn nơi đặt hàng bởi trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng không có hoặc rất ít cơ sở đáp ứng được yêu cầu về nhãn mác, hộp đựng. Tại Duy Oanh, bình quân mỗi lần nhập hơn 3.000 hộp đựng cùng hàng nghìn bao bì, nhãn mác, tờ rơi các loại, tổng số tiền chi cho in ấn nhãn mác, làm bao bì mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, đa phần đặt hàng từ TP.Hồ Chí Minh.

Trên địa bàn TP.Đà Nẵng vẫn có số ít cơ sở nhận làm hộp đựng, bao bì nhưng do mẫu mã đơn điệu, chất liệu kém… nên phần lớn sản phẩm nông thôn Quảng Nam đều đặt hàng bao bì nơi khác.

Theo bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Công ty TNHH Sâm trúc Nam Trà My, hầu hết hộp dựng, bao bì sản phẩm sâm trúc Nam Trà My đều đặt tận Hà Nội vì mẫu mã đẹp và chuyên nghiệp. Năm 2023, chi phí dành cho bao bì, nhãn mác của công ty khoảng 200 triệu đồng.

“Mỗi lần chúng tôi nhập về rất nhiều hàng bao bì, nên nếu không bán được sản phẩm thì nguy cơ lỗ rất lớn vì hộp giấy để lâu dễ hư hại, bạc màu, chưa nói chuột, gián gặm nhấm hao hụt” - bà Nga dẫn giải.

Cần phát triển cơ sở sản xuất bao bì

Không phủ nhận, bên cạnh chất lượng sản phẩm thì mẫu mã bao bì chính là yếu tố quan trọng quyết định sự chú ý và mua hàng của người tiêu dùng. Qua tìm hiểu, hầu hết ý kiến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn đều mong muốn Quảng Nam hoặc Đà Nẵng có một nhà máy cung ứng các sản phẩm liên quan đến bao bì, hộp đựng…

Ông Đặng Xuân Lợi phân tích, với hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay, nếu xây dựng được một nhà máy chuyên sản xuất bao bì tại chỗ sẽ thuận lợi đôi đường, đặc biệt nhà máy không lo thiếu đơn hàng. Riêng với các chủ thể sản phẩm nông thôn cũng chủ động, thuận tiện hơn trong việc nhập bao bì về sản xuất, đưa hàng ra thị trường.

“Để xây dựng một nhà máy sản xuất bao bì (chưa bao gồm nhà xưởng), số tiền đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc ít nhất cũng trên dưới 2 tỷ đồng, nên vấn đề khó nhất vẫn là vốn đầu tư. Nếu có người cùng chí hướng tôi sẵn sàng hợp tác để xây dựng nhà máy sản xuất bao bì” - ông Lợi chia sẻ.

Đến cuối năm 2023, Quảng Nam có 318 sản phẩm được công nhận OCOP 3 - 4 sao cùng hàng nghìn sản phẩm khởi nghiệp, làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Hầu hết sản phẩm này đều cần bao bì, hộp đựng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Theo tính toán, bao bì chiếm 15 - 30% chi phí trong giá thành sản phẩm (tùy mẫu mã và chất liệu giấy). Đồng nghĩa, số tiền các chủ thể OCOP, sản phẩm khởi nghiệp… chi cho việc làm hộp chứa, bao bì rất lớn.

Bà Phạm Thị Duy Mỹ cho rằng, nếu có nhà máy sản xuất bao bì đạt chuẩn tại Quảng Nam, Đà Nẵng thì chi phí thành phẩm chắc chắn sẽ ít hơn, từ đó giúp giảm giá thành sản phẩm khi đưa ra thị trường. Đặc biệt, tận dụng được lợi thế từ hệ sinh thái khởi nghiệp và sự nở rộ của các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh mang lại ngày càng nhiều.

Đây cũng được xem là ý tưởng khởi nghiệp cho những ai quan tâm có thể nghiên cứu xây dựng một nhà máy gia công, sản xuất sản phẩm phụ trợ gồm hộp đựng, bao bì, nhãn mác… cho hàng hóa nông thôn, đáp ứng nhu cầu đang bức thiết hiện nay.

VĨNH LỘC