Kiểm soát quyền lực để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 678 về triển khai kiểm soát quyền lực, kiểm soát xung đột lợi ích nhằm góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2024.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu đảm bảo kiểm soát quyền lực trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền. Từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực để xây dựng kế hoạch đề ra các giải pháp cụ thể trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị gương mẫu chấp hành và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện các hành vi, vi phạm mới phát sinh để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Từng nơi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Chính phủ, bộ, ngành; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Các địa phương, đơn vị rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi những hạn chế trong quy định của pháp luật liên quan vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích, trong đó hạn chế lợi ích cá nhân đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung khi thi hành công vụ.
Về kiểm soát quyền lực, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập, giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh tiếp tục rà soát, phát hiện những hạn chế, bất cập trong những quy định của pháp luật trên tất cả các lĩnh vực để có những bước điều chỉnh kịp thời.
Trên cơ sở những quy định của pháp luật ở tất cả lĩnh vực, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, phát hiện những hạn chế trong hệ thống các thiết chế; tham mưu UBND tỉnh ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, sự đồng bộ giữa văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh...
Đối với kiểm soát xung đột lợi ích, UBND tỉnh yêu cầu chú trọng rà soát, hoàn thiện các quy định về cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở các quy định của pháp luật theo hướng làm rõ và xác định dấu hiệu xung đột lợi ích.
Làm rõ đầu mối theo dõi, giám sát, hướng dẫn thực hiện pháp luật về xung đột lợi ích tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, làm rõ trách nhiệm trong việc để làm phát sinh các tình huống xung đột lợi ích (nhất là của người đứng đầu).
Nhận diện sớm tình huống người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp: Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình; sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi...