Đêm xuân, cô lại ứa nước mắt!

HỒ DUY LỆ 31/01/2024 15:00

‘‘To live to the point of tears - Sống đến mức phải rơi lệ’’.

Huyện Duy Xuyên tổ chức tưởng niệm thảm sát Vĩnh Trinh. Ảnh: H.D.L
Huyện Duy Xuyên tổ chức tưởng niệm thảm sát Vĩnh Trinh. Ảnh: H.D.L

1. Hiệp định Giơnevơ ký ngày 20 tháng 7 năm 1954, cô Lê Thị Chủng - Ba Chủng tròn mười tám, là hội viên Hội Phụ nữ xã. Tết năm đó, cô vừa giúp một tay với mẹ Hiệp lo cái Tết Hòa bình, đêm nào lúc lên giường cô cũng xoa bụng, tính còn đúng một tháng tám ngày sẽ sinh đứa con đầu lòng, mong chồng sớm được về nhìn mặt con cùng vui hưởng cái tết bên nhau, thì câu chuyện của ông Thủ Sửu lan dần tạo nên một nỗi buồn, nỗi đau không cầm được nước mắt.

Ông Thủ Sửu là người giữ chân đập, nói nhỏ với vài ba người thân rằng: Sáng Mùng Một Tết, bỗng có tiếng quạ đen kêu quác ngoài bờ đập. Tôi nghĩ, người ta đi đốn củi, đốt than, không may trượt chân rơi xuống hồ.

Thấy hai bàn chân nổi lên, vào hỏi bà con ở Châu Phong, không ai nhận, tôi lại ra mặt đập, nhìn kỹ thì thấy hai, ba xác người chưa chịu nổi lên. Tôi lặng lẽ xả đập... Nước xuống nhiều, thấy xác nào cũng bị trói chân, trói tay, cổ cột cục đá, chân cột cục đá...

Tin dữ truyền đi từ Xuyên Thanh, Xuyên Lộc, lên đến tai bà con Xuyên Phú, Xuyên Thu đã sang ngày Mùng Ba Tết...

Võ Cẩn - Xã đội trưởng Duy Tiến (sau này là Duy Phú) bị địch ‘‘mời đi’’ cùng 35 cán bộ, đảng viên kháng chiến, sau mấy ngày chia tay đi tập kết, không được cho về ăn tết như lời hứa mà bị nhận chìm xuống lòng hồ Vĩnh Trinh, trong đêm đen 29 Tết - cái Tết: Chợ Mỹ Lược khăn tang trắng xóa/ Đập Vĩnh Trinh cánh quạ đen ngòm.

Mẹ Trương Thị Hiệp theo bà con trong xóm xuống hồ Vĩnh Trinh tìm con trai Võ Cẩn. Mẹ Hiệp nhận ra con trai nhờ ba trái ớt xiêm tươi còn trong túi áo con. Chẳng là, trước tết mấy ngày, mẹ đi thăm con, trong mớ thức ăn ít ỏi, mẹ nghĩ tết con trai sẽ về, có bỏ theo 5 quả ớt tươi hái ở cây ớt sau nhà. Con trai mẹ mới ăn hai quả, còn ba quả bỏ trong túi áo. Khi vớt thi thể con trai lên, không còn hai bàn tay, hai bàn chân cũng không thấy.

Người nhà không cho cô Ba biết tin đau đớn quá, vậy mà một đêm ngủ say, cô thấy chồng về, không có bàn tay, không bàn chân, chồng cho biết cô sẽ sinh con trai... Thức dậy, cô khóc sướt mướt.

Mẹ Hiệp hỏi, cô không kể chuyện thấy chồng về mà khóc, khóc sưng vù hai con mắt. Một tháng tám ngày sau khi ông Võ Cẩn mất, cô Ba sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Võ Thận. Cô Ba ôm con trai - giọt máu của chồng, rưng rưng.

2. Gần hai mươi năm lao vào công việc, vất vả, ác liệt, bữa đói, bữa no, suốt ngày bận rộn với công việc, đêm đêm họp hội, địch càn thì lo chống càn; địch thả bom, nện pháo thì cong lưng đào hầm… cô Ba vẫn khôn nguôi về nỗi đau giấu kín.

Cho đến khi, Trưởng ban Kinh tế Võ Tự phối hợp với Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Duy Phú - Lê Thị Chủng không quản đạn bom, lội hết xóm này qua xóm cận kề, rúc vô hết hầm này đến hầm khác gặp bà con bám trụ, vận động bà con, vào vùng địch quản lý, kéo cho được nguồn lương thực, thực phẩm về, cung cấp cho cán bộ chiến sĩ… Trong thời gian làm việc bên nhau, hiểu ý nhau, hai người đồng chí thương mến nhau, nên duyên vợ chồng!

Lần nào thắp hương vái ông bà, cô Ba đều giành vài ba giây linh thiêng nghĩ về ông Võ Cẩn. Sao đêm ấy - đêm Ba mươi Tết Nhâm Tý 1972, sau bữa cơm cúng rước ông bà, cô Ba thấy người uể ỏi, đi nằm, trằn trọc, ngực hồi hộp. Bỗng nghe tiếng ai gọi ngoài miệng hầm…

Cô Ba ngồi dậy, nghe tiếng của chiến sĩ du kích gọi vào lúc giữa khuya, linh cảm báo có chuyện không lành… Biết anh du kích đang chờ, cô Ba đưa ống tay áo lau nước mắt, tay chân rụng rời, gượng bò ra miệng hầm…

Anh du kích kể: Trong một trận càn, địch đổ quân trên đỉnh Hòn Quắp. Vách núi đứng, cao trên 30 mét, trên đỉnh là địch, dưới chân là cơ quan Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà, Nhà in Báo, Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy...

Qua trinh sát nắm được là lính Trung đoàn 51 của Sài Gòn… Lúc này Bí thư Hồ Nghinh lên cơn sốt; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng Phạm Đức Nam quyết định xoi đường qua vùng B. Đại Lộc tránh địch.

Ngay khuya hôm đó, toàn bộ cơ quan thuộc Đặc khu ủy lặng lẽ xuống ranh Xuyên Hiệp - chân núi Hòn Tàu, chờ màn đêm che mắt địch trên đỉnh Hòn Cóc vượt qua đèo Duy Lộc, leo lên đồi Dương Thông, theo sườn núi, mờ sáng thì đến khu đền tháp Mỹ Sơn. Tất cả vào tạm nghỉ trong suối Khe Thẻ.

Sáng hôm sau dậy sớm, ăn lương khô, uống nước suối cắt cơn đói, tất cả lội suối, băng rừng lên Thạch Bàn, núi Chúa, dừng nghỉ ở đây… Đến sáng ngày thứ ba, mặt trời chưa quá rặng núi Dương Thông, bỗng Trí đang trinh sát từ trên cây cao tuột xuống, cặp chân tứa máu chạy về báo cáo Chủ tịch Phạm Đức Nam: “Địch đổ quân trên đỉnh Hòn Châu. Chúng đang xoi rừng đi xuống!”.

Tin dữ truyền đi rất nhanh đến với mọi người. Bí thư Hồ Nghinh vẫn sốt cao chưa chịu hạ cơn, bước thấp bước cao đến bên ông Phạm Đức Nam, giọng khàn: “Răng ông?”. “Phải di chuyển ngay!”. “Đi đâu?”. “Vùng B”. “Ông nghĩ kỹ chưa?”. “Rồi! Chỉ có cách luồn sát nách địch mới thoát ra được”.

Sát nách địch là đi sát Khu kỹ nghệ An Hòa. Đi xa đồn địch sẽ bị phục, bị mìn. Mìn của dân vệ, cả mìn của du kích. Qua trao đổi, Phó Trưởng ban Giao bưu Võ Tự nói với Chủ tịch Phạm Đức Nam: “Anh cứ yên tâm! Không ăn tết trên núi, ta về làng ăn tết với dân!”.

Rời Thạch Bàn trở lại Mỹ Sơn, lần đường rừng ra đến Khe Thẻ đã 2 giờ sáng. Dừng chân bên bờ Khe Thẻ chừng nửa giờ, vừa ổn định đội hình, dặn dò trước khi xuất phát. Người sau bám người trước, cố giữ không để gây nên tiếng động.

Võ Tự đi đầu, kế tiếp bảo vệ Đặng Văn Phụ và Nguyễn Ngọc Quang, người đi trước, người đi sau ông Hồ Nghinh, tiếp theo là Trí bảo vệ Chủ tịch Phạm Đức Nam. Gần đến làng Phú Đức, ông Phạm Đức Nam khẽ nhắc: “Tự. Coi chừng!”. “Không chi đâu anh”. Võ Tự nói đầy tự tin cho ông Sáu Nam yên tâm.

“Ngồi xuống hết. Nhắm thế nào đã!”. Võ Tự dừng lại nhìn quanh một thoáng rồi bảo đi tiếp. Đi được một đoạn ngắn, bỗng ‘‘bưng’’. Một tiếng nổ đanh, ánh chớp xanh lè. Cả đoàn người nằm liệt xuống đất - cỏ - lúa - bùn. “Trời ơi! Tôi bị rồi anh Sáu ơi”. Nghe tiếng Võ Tự thốt lên, ông Sáu Nam bò tới. Vai mang cây AK, lưng mang cái gùi nặng, một mảnh mìn trúng trán, Trí quay mòng mòng trên mé ruộng, gục xuống tắt thở. Quang bị thương ở mặt, một mảnh vào đầu gối ngã quỵ. Ông Sáu Nam sờ người Võ Tự, hai chân bay mất đoạn từ đầu gối xuống. Tiếng tiểu liên nổ tới tấp, đạn rít trên đầu.

Võ Tự kêu nhỏ: “Tôi chết!”. Nước mắt ông Sáu Nam trào ra. Võ Tự thì thào, nhỏ dần: “Anh ở lại chiến đấu. Em hoàn thành nhiệm vụ!”.

Lúc đó khoảng 9 giờ đêm 14 tháng 2 năm 1972. “Em hoàn thành nhiệm vụ!” là câu nói cuối cùng của Võ Tự - chiến sĩ giao bưu ông Sáu Nam tin tưởng và yêu quý vô cùng. Ông Sáu Nam kéo Võ Tự và Trí gần lại nhau, lấy tấm ny lon đeo ở thắt lưng ra đắp lên thân hai chiến sĩ. Nhíu mày nhìn hai chiến sĩ, ông quay lại nói với ông Hồ Nghinh: “Tôi dẫn đường”.

Nhằm ánh đèn hừng lên hướng Đà Nẵng, đoàn người lặng thinh, người sau bám người trước đi giữa đồng trống. Ra đến Mỹ Lược, vào làng, gặp dân và du kích Xuyên Hòa, ông Sáu Nam đề nghị du kích vào đưa thi thể hai chiến sĩ ra. Ông dặn lại: “Báo ngay cho chị Ba Chủng!”.

Mấy nữ du kích ngồi sát bên miệng hầm, ôm cô Ba. Giữa đêm xuân, cô Ba lại ứa nước mắt!

HỒ DUY LỆ