Ký ức bình vôi…
Hồi bà nội tôi còn sống, cứ mỗi lần trong nhà có giỗ chạp, ai bận bịu gì thì cứ việc, riêng bà lặng lẽ mang chiếc bình vôi đã nhuốm màu thời gian ra trước hiên nhà, cần mẫn quệt vôi, tem những cơi trầu cánh phượng.
Hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại suốt những tháng năm dài đời nội và đã khắc ghi vào tâm khảm chúng tôi những yêu thương bất tận. Mãi cho đến khi bà về với tổ tiên, chiếc bình vôi cũ kỹ ấy được mang ra cây sanh cuối làng, làm cuộc hội ngộ với vô số bình vôi của người làng đã mất, lặng im mưa nắng, làm chứng nhân cho bao nhiêu vật đổi sao dời của ngôi làng bé nhỏ.
Những chiếc bình vôi đủ cỡ nơi gốc sanh ấy có lẽ là hiện thân của một niềm tin rằng, dù con người có rời cõi tạm thì những vật dụng thiết thân như bình vôi sẽ là chút linh hồn của chủ còn lưu luyến lại nhân gian, để người làng mỗi lần nhìn thấy là một lần nhớ về người thân đã khuất, phải hướng mình sống sao cho xứng đáng với tiền nhân…
Cũng kỳ lạ, những người như thế hệ bà nội tôi, thường dùng đại từ “ông” thay vì dùng lượng từ “cái” thông thường để gọi tên bình vôi. Ông bình vôi được coi là một thành viên trong gia đình, tiêu biểu cho nếp sống lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Các cụ xưa thường ví: “Đời người có thể kéo dài tới cả trăm năm, giống như bình vôi vậy, càng sống lâu, càng giàu kinh nghiệm; càng sống lâu, càng thấy mình nhỏ bé”…
Các cụ xưa thường ví: "Đời người có thể kéo dài tới cả trăm năm, giống như bình vôi vậy, càng sống lâu, càng giàu kinh nghiệm; càng sống lâu, càng thấy mình nhỏ bé"...
Nếu không đi ra khỏi ngôi làng bé nhỏ của mình ở quê ấy, ký ức về bình vôi trong tôi cũng chỉ là một vật dụng đơn thuần để người già đựng vôi ăn trầu, để mỗi lần đi qua cây sanh cuối làng lại thấy cơ man bình vôi ở đó.
Nhưng càng về sau này, khi được tiếp cận với nhiều dòng bình vôi thuộc nhiều dòng gốm khác nhau, tôi mới nhận ra rằng, bình vôi là nét văn hóa đặc sắc của người Việt, là một trong những vật dụng đại diện cho cá tính người Việt. Văn hóa bình vôi có lịch sử và quá trình hình thành trải qua nhiều thời đại phong kiến Việt Nam.
Từ thời Lý, bình vôi đã thịnh hành với kiểu dáng còn đơn sơ nhưng lại được trang trí núm cầm có dạng một hoa sen. Bước sang thời Trần, bình vôi trở nên tinh xảo, dùng toàn đất sét nguyên chất, mịn, có tráng men.
Đến thời nhà Lê, nghệ nhân chế tác đã bắt đầu đưa hình tượng vào chiếc bình vôi. Quai cầm có dạng cây cau, có quả cau xanh, dây trầu lá lục vấn vít bao quanh rất tinh xảo, với đặc trưng men bóng, men rạn và men xanh lục chảy rất đẹp mắt.
Sau này, khi được tiếp xúc với bộ sưu tập bình vôi của nhà sưu tầm Phạm Văn Phát - Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Quảng Nam - tôi thật sự ngỡ ngàng về một dòng bình vôi vô cùng đặc sắc.
Bình vôi gốm Quảng Đức (Phú Yên) ra đời vào thế kỷ 16, là dòng gốm Việt đã thất truyền và độc đáo không lẫn vào đâu được. Bình vôi có màu xanh vừa là xanh dương vừa là xanh ngọc, vừa trắng, vừa đục. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa lửa và đất; đất chỉ lấy từ duy nhất đất sét ở làng An Định.
Bình vôi gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi), cũng không kém phần sắc sảo. Đó là sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm đã góp phần tạo nên phong cách độc đáo của dòng gốm Mỹ Thiện nổi tiếng khắp miền Trung.
Từ sắc màu vàng, tím đậm, ngả sang xanh vàng, thẳm sâu, huyền bí, đầy quyến rũ của men gốm Mỹ Thiện đã thể hiện đặc sắc cá tính của chiếc bình vôi, khiến người xem liên tưởng đến màu sắc của những hiện vật gốm trang trí trên tường và nóc của văn hóa tháp Champa…
Bình vôi trong văn hóa Việt được phân định khá rạch ròi. Bình vôi của giai cấp quyền quý thường được chưng trong tủ kính để ngắm nhìn. Trong khi đó, bình vôi dân dã, thô sơ được những người như bà nội tôi sử dụng hằng ngày đựng vôi tem trầu lại có mặt khắp quê hương, vẫn đầy ắp trong lòng, tình nồng dân tộc, lặng lẽ làm cuộc se duyên với mưa nắng đời người.