Văn hóa

Chữ trên đồ sứ ở Tam Kỳ

PHÚ BÌNH 01/02/2024 08:00

Ngày nay, một số gia đình ở Tam Kỳ còn giữ mấy kiểu đồ sứ có ghi các bài thơ, bài châm với nhiều nội dung về chuyện xưa tích cũ hoặc những lời răn dạy...

tnb-61894-03.jpg
Bài thơ “Tây Thi thạch” trên bình sứ giả cổ. Ảnh: P.B

Tránh các trận càn của Pháp, từ năm 1947 - 1954, nhiều gia đình ở Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên đã tản vào phía Nam lánh nạn. Họ mang theo các đồ sứ, hoành phi, liễn đối… mà thân nhân làm quan của họ - từng làm việc ở Huế - sở hữu được.

Các nhà khá giả ở Tam Kỳ có duyên mua được một phần số hiện vật nói trên do người tản cư bán lại. Cổ vật - đặc biệt là đồ sứ hiện diện phong phú ở Tam Kỳ kể từ đó.

Đến khoảng 1951 - 1952, khi máy bay Pháp ném bom ác liệt vùng ven sông Tam Kỳ và phụ cận, nhiều gia đình đã chôn cổ vật dưới đất; sau quật lên, mười món đã hỏng đến bảy tám.

Sau năm 1955, các lái buôn đồ cổ, vốn cũng là những người tản cư khi trước, đã vào Tam Kỳ mua cổ vật đem ra Huế hoặc vào Sài Gòn bán cho các nhà sưu tập. Về sau, do nhiều nguyên nhân, con cháu các nhà khá giả đã không còn muốn giữ lại nhiều đồ xưa, vì thế, cùng với các cổ vật khác, đồ sứ ở Tam Kỳ càng ngày càng hiếm.

tnb-61894-01.jpg
Bài châm “Chu Tử trị gia cách ngôn”.Ảnh: P.B

Thơ trên đồ sứ thường gặp

Trong các bàn ăn đám giỗ theo truyền thống, thường gặp trên các mâm đồng hoặc mâm gỗ tròn các chén dĩa sứ ghi một số câu thơ.
“Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen”. Câu thơ Nôm này in trên lòng dĩa có vẽ hình chim hạc đứng cạnh cội mai già. Hiện trong bộ sưu tập ở nhà thầy giáo P.V.N - Tam Kỳ có chiếc dĩa như vậy. Hình ảnh và câu thơ đề trên loại dĩa này, từ trước, đã là căn cứ để nhà sản xuất trà Mai Hạc có tiếng ở Tam Kỳ trích lấy làm logo và câu tiếp thị sản phẩm.

Cũng ở nhà thầy P.V.N., có chiếc đĩa gốm Chu Đậu(?) in hình con chim dáng đẹp ngoảnh đầu về bên phải giữa núi rừng, hoa cỏ. Phía trên “hảo điểu” đó có dòng thơ “Hảo điểu chi đầu diệc lương hữu” (Con chim đẹp đỗ ở đầu cành kia là bạn hiền). Đến nay, chưa ai giải được ngụ ý của câu thơ đề trên đó!

Kê trang trọng trên giá nhỏ, gần chiếc dĩa “hảo điểu chi đầu” tại nhà thầy P.V.N. còn có chiếc dĩa sứ men trắng vẽ hình một lão trượng ngồi câu bên bờ sông dưới bóng mặt trời và áng mây dường như ở cảnh xế giờ Ngọ.

Đọc câu “Vị thủy đầu can nhật/ Kỳ sơn nhập mộng thần” ở góc trên bên trái chiếc dĩa, người không chuyên sâu thưởng ngoạn vẫn có thể biết chiếc dĩa này thể hiện tích Khương Tử Nha ngồi buông câu bên bờ sông Vị chờ thời.

tnb-61894.jpg
Bài thơ “Tư Dung thắng cảnh” trên dĩa sứ.Ảnh: Tư liệu

Trong bộ sưu tập ở nhà ông N.P.K. (phường An Phú, Tam Kỳ) có hai chiếc chén sứ đồng dạng, cùng ghi một bài thơ như nhau. Kiểu chén này thường gặp ở Tam Kỳ.

Nguyên văn bài thơ (được bố trí 6 dòng đứng, mỗi dòng 7 chữ) như sau: “Ngũ bách niên tiền tục thử du/ Thủy quang y cựu tiếp thiên phù/ Bồi hồi kim dạ tải sơn nguyệt/ Phảng phất đương niên Nhâm Thìn thu/ Hữu dục đắc ngư lâm Xích Bích/ Vô nhân đới tửu xuất hoàng ngoại” (Sau năm mươi năm ta lại đến chơi chỗ này. Vẫn mặt nước sáng trong phản chiếu bầu trời. Trước núi và trăng đêm nay, lòng ta bồi hồi. Phảng phất hình ảnh mùa thu năm Nhâm Thìn trước. Muốn được cá hãy đến sông Xích Bích. Nhưng không có người mang rượu đến (?).

Bài thơ bị lạc vần ở chữ cuối cùng (ngoại) nên câu cuối thành tối nghĩa; đoán là do cách dùng chữ của nơi sản xuất - cố ý thay đổi một chút so với nguyên tác để tạo sự riêng biệt cho nơi chế tác. Ở dòng sáu chữ thứ 8 trên chén sứ kể trên ghi “Kim thành tửu thập sơn tịch”; chưa rõ nghĩa của hàng chữ này.

Trước trận lụt lớn năm 1964 tại nhà thờ chi phái Lê Đình ở thôn Phú Bình xã Tam Xuân 1 từng có một dĩa cổ ở mặt đáy in bài thơ Nôm với nhan đề ghi rõ là Tư Dung thắng cảnh; chiếc dĩa này được mua năm 1947 từ một gia đình quan lại ở Điện Bàn tản cư. Trên Facebook, trang “Di sản Việt”, đầu năm 2023 có giới thiệu hình một chiếc đĩa tương tự của một nhà sưu tập người Việt ở Pháp.

Từ tự dạng trong tấm hình này, có thể đọc ra như sau: “Tư Dung thắng cảnh: Một bầu trực chỉ thú yên hà/ Nghi ngút hương bay cửa Đại La/ Ngày vắng đỉnh đang chuông Bát Nhã/ Đêm ngàn dóng dõi kệ Di Đà/ Nhặt khoan đờn suối ban mây tạnh/ Eo ét cầm ve khóa ác tà/ Yên lặng đạo xa hòa nhọc kiếm/ Bồ Đề kết quả ở lòng ta”.

Cách thể hiện một số âm Nôm trong bài không giống cách viết thông thường nên có nhiều nhà nghiên cứu cổ ngoạn phiên âm khác nhau ở một số từ. Bài thơ trên dĩa cổ nói trên đã được người chế tác trích từ một đoạn thất ngôn bát cú trong tác phẩm “Tư Dung vãn” của Đào Duy Từ (1572 - 1634) và được chỉnh sửa một số từ so với nguyên tác, ngay cả nhan đề bài thơ cũng thay đổi. Có thể đó là cách người chế tác muốn tạo nét riêng cho tác phẩm.

Bài châm trên dĩa sứ

Trên các dĩa sứ ở địa phương trên, thường gặp các bài châm, lời châm mang nội dung khuyên răn.

Một dĩa sứ ở nhà thầy P.V.N. - cũng gặp trước đây ở nhà thờ chi phái Lê Đình tại thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1 có ghi hai câu mở đầu trong bài châm “Chu Tử trị gia cách ngôn” (bài châm của Chu Tử - một triết gia Trung Hoa sống vào đời Tống dạy về việc xử lý việc gia đình - NV) như sau: “Lê minh tức khởi, sái tảo đình trừ, yếu nội ngoại chỉnh khiết; ký hôn tiện tức, quan tỏa môn hộ, tất thân tự kiểm điểm. Nhất chúc nhất phạn, đương tư lai xứ bất dị: bán ti bán lũ, hằng niệm vật lực duy nan.

Nghi vị vũ nhi trù mậu, vô lâm khát nhi quật tỉnh. Tự phụng” (Dịch: Sáng sớm liền dậy, quét dọn sân thềm, cốt sao cho trong ngoài sạch sẽ gọn gàng; đến gần tối thì nghỉ, đóng cửa đóng cổng, rồi phải tự mình kiểm tra lại cẩn thận.

Có được bát cơm bát cháo phải hiểu có được nó chẳng phải dễ dàng; mặc được chéo áo miếng chăn phải luôn nhớ công sức bỏ ra để dệt nên rất vất vả. Nên giằng buộc chặt mọi thứ khi chưa mưa gió; chớ để đến khô hạn kiệt nước mới đào giếng).

Sau đoạn đó có thêm hai chữ “tự phụng” là hai chữ mở đầu cho câu thứ ba của bài cách ngôn nói trên; sau đó không thêm chữ nào nữa. Đây là cách ngắt cho đủ chữ nhằm thể hiện cân đối bố cục 60 chữ xếp thành 8 hàng trong lòng dĩa.

Cũng gặp trong nhiều nhà giàu xưa chiếc dĩa có ghi câu châm ngôn “Sự phùng đắc ý nghi hưu tức/ Phú quý trường trung dị bạch đầu” (Dịch: Gặp việc đắc ý nên biết dừng lại đúng lúc; bon chen trong cõi danh lợi dễ khiến tóc sớm bạc). Ngày xưa chỉ những nhà giàu có, khoa bảng tích trữ đồ sứ; đặt câu răn dạy vào đây, người chế tác ngày xưa quả là hữu ý!

PHÚ BÌNH