Du lịch xanh cùng gốm
Không chỉ là chỉ dấu cho sự bền bỉ của sức sống văn hóa làng, gốm Thanh Hà còn là nguyên liệu đặc sắc để thúc đẩy du lịch xanh cho địa phương…
Quần thể tài nguyên đặc sắc
Qua mấy thế kỷ tạo tác, nghề gốm Thanh Hà đã bồi lắng kho tàng tri thức sản xuất gốm cùng đời sống văn hóa tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc.
Từ chỗ chỉ còn 4 lò gốm “đỏ lửa” thuần sản xuất gốm truyền thống vào những năm 90 của thế kỷ trước, cư dân làng Nam Diêu đã khéo léo sáng tạo để nắn, nung con thổi, làm gốm mỹ nghệ bằng khuôn đúc, làm mặt nạ gốm, tượng gốm để phục vụ du lịch và thị trường. Xuyên suốt thời gian, đúc tượng táo quân là một trong những tri thức “độc quyền” của cư dân làng gốm Thanh Hà.
Mấy trăm năm “làm bạn với đất sét”, người làng luôn biết ơn tổ nghề, thành hoàng và các vị thần bảo hộ cho cộng đồng, nghề nghiệp. Từ chỗ là lễ cúng của làng, lễ tế xuân và giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà đã trở thành nét văn hóa đặc sắc thu hút cộng đồng, du khách tham dự.
Gắn liền với di sản phi vật thể nghề gốm Thanh Hà là hệ thống không gian, cảnh quan tự nhiên, xã hội. Nếu sâu trong vùng lõi làng nghề là hệ thống di tích kiến trúc đình, miếu, lò gốm thì bao bọc quanh làng là con nước hữu tình của sông Thu Bồn và hồ Lai Nghi.
Theo các cụ cao niên trong làng, thời thương cảng Hội An hưng thịnh trong quá khứ, ghe thuyền từ mọi miền vào tận bến của làng trực tiếp lấy hàng sau đó theo con nước thông ra sông Thu Bồn để xuôi ngược dòng sông này tỏa đi khắp nơi.
Cách đây khoảng 10 năm, bước đột phá của điểm đến này bắt đầu từ sự ra đời của Công viên đất nung Thanh Hà. Đây có thể xem là “trái tim” của làng, ít nhất về khía cạnh du lịch.
Một “thế giới gốm” thu nhỏ được sắp đặt ấn tượng chuyển tải dòng chảy của gốm Thanh Hà cũng như gốm nước ta đã giúp du khách có cái nhìn tổng quan trước khi khám phá sâu hơn làng nghề đã có tuổi đời hơn 500 năm.
Tiếng tăm của công viên này cũng gián tiếp giúp làng gốm Thanh Hà hưởng lợi trong việc tăng sức hút với du khách. Mới đây, công viên này được chuyên trang du lịch Escape của Úc gợi ý vào tốp 5 điểm thư giãn đẹp nhất Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, không gian làng gốm Thanh Hà có sự kết hợp hài hòa giữa việc bảo lưu phương thức sản xuất truyền thống và thích ứng với xu thế hiện đại thông qua việc tương tác giữa Công viên đất nung Thanh Hà với quần thể cư dân làm gốm trong làng.
Nghề gốm Thanh Hà đã được xác định là thành tố quan trọng của Hội An khi gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo và chỉ có sáng tạo không ngừng thì gốm Hội An mới có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới.
Định vị chiều sâu du lịch
Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2023 đã có khoảng 559 nghìn lượt khách mua vé tham quan làng gốm Thanh Hà (bằng 86% so với năm 2019), trong đó có đến 93% là khách quốc tế. Lượng khách ghé thăm làng gốm đứng thứ 3 trong số các điểm đến ở Hội An, chỉ sau khu phố cổ và rừng dừa Bảy Mẫu.
Với lượng khách trung bình mỗi ngày ghé thăm lên đến hơn 1,5 nghìn lượt, việc nâng cấp chiều sâu dịch vụ điểm đến là câu chuyện đáng quan tâm hơn.
Từ năm 2019, điểm đến này đã tiến hành trung chuyển khách bằng xe điện để cải thiện môi trường du lịch. Tại các điểm đón tiếp của làng cũng lắp đặt bảng thông báo khuyến khích du khách nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Sau cuộc chuyển mình vào thập niên 90 của thế kỷ trước để thích ứng với gốm dân dụng, thời gian vừa qua tại làng Thanh Hà có sự chuyển động lớn về cách thiết kế mẫu mã để tránh tụt hậu trong xu thế hàng lưu niệm du lịch.
Ông Ngụy Trung - một nghệ nhân của làng bộc bạch, qua cuộc thi tạo tác để nâng cấp chất lượng quà tặng du lịch Hội An, từ sự tư vấn của cơ quan chuyên môn, một số sản phẩm hàng lưu niệm của cơ sở đã được thiết kế với phiên bản nhỏ hơn, thời gian hoàn thiện nhanh, giá thành phải chăng để dễ dàng tiếp cận nhiều tệp khách hơn.
Ở góc độ tour tuyến, du lịch làng gốm Thanh Hà hiện chủ yếu dừng ở mức tham quan, trải nghiệm đơn giản với chuốt, xoay gốm trong khi hệ sinh thái của làng hội tụ nhiều điều kiện để thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch học tập.
Theo nhà nghiên cứu Trương Hoàng Vinh - Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cần xem xét hình thành tour 1 ngày lưu trú, trải nghiệm làng gốm bao gồm việc tham quan di tích, trải nghiệm làm gốm, câu cá trên sông Thu Bồn - đầm Lai Nghi, làm vườn, thưởng thức ẩm thực…