Từ mạch nguồn gốm Việt...
Từ gốm, đã có những kết nối không biên giới. Đường biên nghệ thuật cứ dài rộng cùng những triết lý từ đất. Với các tác phẩm điêu khắc bằng gốm của nhiều nghệ sĩ, sứ mệnh đầu tiên chính là khám phá bản thể của mỗi người, dù họ từ quốc gia nào...
Kết nối
Bree Cribbin - một nghệ sĩ đương đại Úc làm gốm nghệ thuật như là phương tiện để kết nối tiềm thức và thực tại của mình. Hiện thực hóa cảm giác thành các dạng xúc giác, tác phẩm điêu khắc bằng gốm của cô là những biểu hiện để truyền tải và ghi lại năng lượng của bản thân. Âm thanh, giấc mơ, thiền định... Cribbin biến những thứ vô hình thành hình dạng.
“Đất sét với tôi giống như nhạc cụ, tôi dùng chúng như nhạc sĩ và tôi chưa bao giờ hiểu hết được tôi đang tạo nên cái gì cho tới khi hoàn thiện.
Một khi tôi nhận ra thông điệp được gửi đến, tôi tinh chỉnh lại kiểu dáng và ngồi với nó hàng tuần, xoay chúng, đặt chúng ở các vị trí khác nhau, các không gian khác nhau trong xưởng để hiểu chúng” - Bree Cribbin nói.
Cribbin nói, cô thích thú với chất liệu đất sét bởi nó có thể khiến cô dừng lại mọi sự quan sát và chỉ tập trung chú ý vào vòng xoay của đất. Lúc đó, mọi thứ xung quanh như mờ đi.
Nhưng điều kỳ diệu khiến Bree Cribbin lựa chọn trở thành một nghệ sĩ điêu khắc gốm, bắt đầu từ chính các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà. Những người dân làng gốm ven sông cùng câu chuyện kết nối với đất trở thành mạch nguồn để Bree Cribbin tiếp tục giấc mơ cùng gốm tại xứ sở của cô. Năm 2015, Bree Cribbin có chuyến du lịch tại các nước Đông Nam Á. Nhưng trải nghiệm học làm gốm tại Thanh Hà - Hội An đã khiến kế hoạch của cô phải thay đổi.
Dành một quãng thời gian đáng kể để cùng nghệ nhân làng gốm “vọc đất sét”, Bree Cribbin nói, ấn tượng với gốm giúp cô kết nối với con người, văn hóa nơi đây mặc dù cô không nói ngôn ngữ của họ. Và cũng chính gốm nơi đây đã khơi gợi cảm hứng để cô tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về gốm sứ và điêu khắc.
Trải nghiệm ở Thanh Hà cũng thôi thúc cô tiếp tục theo học với một số nghệ sĩ ở Berlin, Trung Quốc, Indonesia và Úc, cũng như sau này hoàn thành chương trình cử nhân điêu khắc và gốm sứ tại Trường Nghệ thuật quốc gia của Úc.
Tác phẩm của Cribbin đã lọt vào vòng chung kết nhiều giải thưởng nghệ thuật tại Úc, nhận được một số học bổng và cô trở thành một người dạy làm gốm sứ và điêu khắc ở Sydney.
Kiến tạo cầu nối nghệ thuật
Cribbin nói, cô thích thú với chất liệu đất sét bởi nó có thể khiến cô dừng lại mọi sự quan sát và chỉ tập trung chú ý vào vòng xoay của đất. Lúc đó, mọi thứ xung quanh như mờ đi. “Tôi không thường xuyên gặp sự kỳ diệu này, nhưng khi trải nghiệm nó, tôi cảm nhận sự kết nối với linh hồn, cuộc sống và bản thân mình” - Cribbin bộc bạch.
Cô đã từng dành rất nhiều thời gian để học cách chuốt gốm, cách sử dụng bàn xoay của nghệ nhân Thanh Hà. Và trong các kỹ thuật sáng tạo cùng đất sét sau này của mình, Cribbin ít nhiều đã chịu ảnh hưởng của các khối tròn từ những đôi tay nghệ nhân Việt Nam.
Nghệ thuật sắp đặt, lâu nay vẫn mang đến nhiều cảm xúc khác nhau. Sự thăng hoa của ngôn ngữ đất nung là nghệ thuật tinh tế. Chúng tôi nhớ đến câu chuyện của bộ đôi nghệ sĩ Hà Lan Douwe Buwalda và Bert van der Sluijs, đã dừng chân tại làng gốm Thanh Hà để cùng nghệ nhân ở đây làm nên cuộc triển lãm nghệ thuật từ đất sét. Mở ra những chiều kích suy tư, bằng chất liệu gốm, họ tìm kiếm sự đồng cảm.
“Chúng tôi đã bắt gặp nguồn tài nguyên đất sét và vẻ đẹp của các nghề thủ công, theo nhiều cách khác nhau. Chúng tôi bắt đầu hiểu nguồn gốc của cộng đồng làm gốm này. Họ vẫn đang kết nối với đất, nhiều thế hệ đã làm nghề. Nó đi vào trong máu của họ” - Bert và Douwe bày tỏ.
Và bộ đôi này từng mong trên sân phơi của làng gốm Thanh Hà, không chỉ là những sản phẩm quen tay như hũ, nồi, chum, vại... mà cần thêm những tác phẩm đất nung, gốm sứ nghệ thuật độc đáo từ nguồn nguyên liệu đặc trưng này.
Nhiều nghệ sĩ nước ngoài vẫn trầm trồ về hành trình của gốm Việt, nhưng thật lạ lùng, trong câu chuyện nghệ thuật đương đại, Việt Nam vẫn chưa có một lớp đào tạo bài bản về gốm. Từ gốm ý niệm đến gốm tạo hình là một câu chuyện dài, trong khi gốm được nhận định là chất liệu không dễ để chuyển tải các ý niệm của nghệ sĩ.
Ở tác phẩm của Bert và Douwe, người ta nhận diện được cái thô mộc vẫn nguyên sơ để toát lên một cuộc sống đẹp đẽ lạ thường. Còn với Bree Cribbin, gốm trở thành phương tiện để biểu đạt những biến động trong tâm hồn người.
Dầu bằng phương cách nào, những nghệ sĩ đã từng trải nghiệm gốm cùng người làng Thanh Hà, từ các khối tròn - vuông cơ bản cũng là mạch nguồn của câu chuyện gốm Việt, họ làm nên câu chuyện của riêng mình.