Giảm nghèo - An sinh

Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

AN BÌNH 01/02/2024 15:47

(QNO) - UBND tỉnh vừa có Công văn số 760 gửi các sở, ban ngành và các địa phương yêu cầu tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

doi-thoai.jpg
Diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo TP.Tam Kỳ và trẻ em. Ảnh: A.B

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW (ngày 25/12/2023) của Bộ Chính trị gắn với Chỉ thị số 41-CT/TU (ngày 6/9/2023) của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đạt mục tiêu Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo trên. Trong đó, khẩn trương rà soát, nghiên cứu đề xuất, tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ, chăm sóc đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặt biệt trên địa bàn tỉnh và tiếp tục tham mưu kiện toàn, chuẩn hóa nhân lực làm công tác trẻ em, nhất là nhân lực bảo vệ trẻ em cấp cơ sở.

Ngày 25/12, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 28 về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng sát với thực tiễn địa phương, đơn vị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự phát triển của thế hệ tương lai gắn với phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và vận động nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tiêu chuẩn, quy trình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em phù hợp giai đoạn mới. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em, nhất là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển, đảo.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật; bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển; được ưu tiên lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển quốc gia, ngành, địa phương.

Nâng cao năng lực, đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; quản lý chặt chẽ các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo trợ, các hoạt động xã hội, từ thiện và các hoạt động khác liên quan đến trẻ em. Chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xâm hại, bạo lực, bỏ rơi, mua bán, lạm dụng, xúi giục, kích động trẻ em và các hành vi bị nghiêm cấm khác.

Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch tạo sự đồng bộ, phát triển liên tục từ những năm đầu đời đến khi trưởng thành của trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện, bảo đảm cho trẻ em có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, nhân cách, tài năng, trí tuệ.

AN BÌNH