Văn hóa

Thương vụ của gốm

VÕ VĂN TRƯỜNG 01/02/2024 16:18

Ngày xuân thong thả thưởng trà đàm đạo cùng bạn cố tri như là cái thú tao nhã của người Việt. Anh bạn chuyên sưu tầm đồ cổ ở TP.Tam Kỳ nói, bàn về cổ vật, mà ở đây cụ thể là nói về gốm sứ, trong một năm không có ngày nào hợp hơn ngày tết, không có mùa nào hợp bằng mùa xuân. Dường như, cổ vật cũng có mùa, có tết như con người vậy.

tnb-61888-06(1).jpg
Một số hiện vật gốm sứ tìm thấy trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm.

Từ bao đời nay, đồ gốm sứ đã gắn bó mật thiết với đời sống con người. Qua trí tưởng tượng và đôi bàn tay khéo léo của người thợ, biết bao sản phẩm gốm sứ ra đời, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đặc biệt ngày trước, khi xuân về tết đến, việc trang trí nhà cửa, mua thêm đồ dùng trong gia đình không thể thiếu những vật dụng từ gốm sứ.

Tinh hoa gốm Việt

Tôi nhớ không nhầm, Vương Hồng Sển trong “Hơn nửa đời hư” có viết: “Bình sinh tôi mê đồ cổ còn hơn khách hào hoa mê gái, hơn xa người đánh bạc mê bài…”. Anh bạn tôi chia sẻ, cổ vật lưu lại phổ biến nhất vẫn là gốm sứ. Gốm sứ cổ của người Việt rất đẹp và tinh xảo. Ngay bộ sưu tập đồ cổ của gia đình anh đến mấy nghìn hiện vật thì gốm sứ đã chiếm hơn tám mươi phần trăm.

Trong cuốn “Di sản và ký ức - những bức tranh từ mảnh ghép”, TS. Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh - đồng chủ biên cuốn sách, trong phần gốm thời Lê (thế kỷ 15-18) nhấn mạnh, đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ, giao lưu thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới tạo điều kiện cho nghề gốm Việt Nam phát triển vượt bậc cả về lượng và chất.

Từ những nhìn nhận trên, người viết bài này đặt suy nghĩ trong mối quan hệ với câu chuyện cách đây hơn 25 năm, tại Quảng Nam phát hiện và khai quật con tàu đắm trên vùng biển Cù Lao Chàm đã tìm thấy hơn 240.000 hiện vật, trong đó phần lớn là gốm có niên đại thế kỷ 15 (thời Lê sơ) được sản xuất ở vùng Hải Dương và Thăng Long, minh chứng từ thời ấy đã có hàng vạn sản phẩm gốm Việt xuất khẩu đến các nước trong khu vực và thế giới.

Cùng miền Bắc với các trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng như Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng (Bắc Ninh)…, gốm miền Trung cũng rất nổi tiếng và mang dấu ấn riêng về kỹ thuật chế tác, như làng gốm Phước Tích ở Thừa Thiên Huế, làng gốm Quảng Đức ở Phú Yên...

Còn làng gốm Thanh Hà ở TP.Hội An thì sao? Theo các nhà nghiên cứu, gốm Thanh Hà có nhiều nét tương đồng cách làm gốm của Phước Tích Huế (làm thủ công kiểu bàn xoay). Điều đáng nói, khi Hội An trở thành thương cảng quốc tế xứ Đàng Trong thì các sản phẩm gốm Thanh Hà đã có điều kiện thuận lợi xuất đi các nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Anh quốc. Thêm nữa, khi nhiều cư dân Nhật Bản, Trung Hoa định cư ở Hội An thì gốm sứ lại có con đường đi riêng kiểu “xách tay”.

tnb-61888-04(1).jpg
Với gốm.Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Trong số các nước có giao thương với nước ta, gốm sứ Trung Quốc nổi tiếng tinh xảo hàng đầu về mẫu mã, chủng loại hoa văn, họa tiết, triết lý phong cảnh… Theo ông Lê Thanh Nghĩa - Chủ tịch Hội cổ vật TP.Hồ Chí Minh, Trung Quốc là nước có nhiều nơi sản xuất gốm rất nổi tiếng từ xa xưa như Tuyền Châu (Phúc Kiến) hay Phật Sơn (Quảng Đông), Cảnh Đức Trấn (Giang Tây). Trong khi đó Hội An có lượng lớn người Hoa ở Phúc Kiến định cư nên gốm sứ Phúc Kiến đã sớm có mặt ở Hội An, trước khi có việc giao thương buôn bán lớn diễn ra.

Thương vụ của gốm

Điều khá lạ khi cổ vật tìm thấy trong con tàu đắm Cù Lao Chàm đa số là gốm Việt, thì các cổ vật trong con tàu đắm ở vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) lại chủ yếu là gốm sứ thời Minh - Thanh (thế kỷ 16 - 17); gốm sứ tìm thấy trong con tàu đắm ở vùng biển Hòn Cau (Bà Rịa Vùng Tàu) chủ yếu của Trung Quốc (thế kỷ 17); gốm sứ trong tàu đắm ở vùng biển Cà Mau chủ yếu của Trung Quốc (thế kỷ 18).

Cùng với việc giao thương trên con đường biển thì từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, gốm sứ Việt Nam có những hành trình riêng khá lý thú. Đó là việc người Việt đặt hàng gốm sứ từ Trung Quốc, Pháp sản xuất để đưa về nước.

Theo nhóm nghiên cứu cổ vật của Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh, vào thời Lê - Trịnh (1533 - 1788), nhằm hạn chế người dân tiêu dùng hàng hóa cao cấp - ngoại nhập (gấm vóc, đồ sứ) cùng với việc thể hiện đặc quyền đế vương (vua Lê, chúa Trịnh), phân biệt phẩm tước cao thấp, triều đình đã gửi những kiểu mẫu, đề tài trang trí sang đặt đồ gốm sứ ngự dụng tại các xưởng ở Cảnh Đức Trấn (Giang Tây, Trung Quốc).

Theo TS. Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, vào thời Nguyễn (1802 - 1945) các đoàn sứ bộ sang Trung Hoa, ngoài nhiệm vụ chính trị còn kiêm việc đặt làm đồ gốm sứ cho triều đình, chủ yếu dưới thời các hoàng đế Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định.

Người viết bài này cho đó là những thương vụ của gốm. Chính những thương vụ này tạo nên số lượng lớn, phong cách đa dạng, Âu - Á hài hòa, trong đồ dùng bằng gốm sứ của nước ta.

Sách “Di sản và ký ức - những bức tranh từ mảnh ghép” có nêu trường hợp cụ thể là một ví dụ: Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo có đặt hàng đồ gốm sứ tại công xưởng Sevres trang trí vương huy hình rồng kèm hai chữ “Khải Định”, hoa văn mạ vàng rực rỡ trên nền sứ màu tím thẫm.

Câu chuyện về gốm sứ chắc chắn còn dài, có thể nghêu ngao hết cả mùa xuân vẫn có thể kể tiếp. Song, theo các nhà nghiên cứu về gốm sứ thì Việt Nam (trong đó có Quảng Nam tiêu biểu là nghề gốm sứ ở Thanh Hà, Hội An) là một trong những quốc gia có nghề gốm xuất hiện khá sớm. Với trí sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của người thợ, sự tiếp thu cải biến những tinh hoa kỹ thuật gốm sứ của nhiều nền văn hóa khác nhau đã định hình nghệ thuật gốm rất đặc trưng của người Việt.

Theo thời gian, gốm sứ có bước phát triển mạnh mẽ về công nghệ chế tác lẫn thủ pháp nghệ thuật nhưng nó vẫn dựa vào những yếu tố cơ bản của gốm sứ thời tiền sử để tồn tại và phát triển. Các đồ dùng từ gốm sứ phục vụ mọi mặt đời sống của xã hội, từ dân gian đến cung đình, phản ánh đời sống vật chất tinh thần phong phú của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những sản phẩm gốm sứ đã trở thành di sản văn hóa vô giá cho người đời sau.

VÕ VĂN TRƯỜNG