Văn hóa

Hồi cố màu men gốm

XUÂN HIỀN 01/02/2024 21:22

Phải chăng trong lịch sử, Thanh Hà từng nổi danh một dòng gốm men? Những dấu hỏi thôi thúc để có người trẻ của làng đi tìm và chắt chiu dựng lại một màu men gốm cũ...

tnb-62278-05_trinh.jpg
Nguyễn Viết Lâm lấm lem trong mọi khoảng thời gian để tạo men, trang trí gốm. Ảnh: X.H

Gặp lại Nguyễn Viết Lâm lần này, tôi thật sự... choáng. Chàng thanh niên năm nào ghi dấu với bộ sản phẩm “Dấu ấn ẩm thực Hội An” bằng đất sét, nay chững chạc và điêu luyện ở vai “thợ giỏi” cấp tỉnh. Cô vợ tháo vát cũng mê gốm như chồng, thành ra cái doi đất ven sông trước nhà tự nhiên lúc nào cũng rôm rả chuyện gốm chuyện nhà...

Người trẻ bước tiếp nghề cha ông

Không gian bảng lảng sông nước của làng Thanh Hà đủ gợi nên cảm thức mênh mông trong nhịp sống quê nhà. Trong buổi chiều nhạt nắng cuối năm xứ Quảng, chén trà vừa kịp ấm lòng bàn tay được bày biện vội trên ghế con trước hiên nhà. Thức lễ một bàn trà không đủ, nhưng lòng người thì trọn bao dung để đón nhận.

Lâm nói, bộ chén trà này đặc biệt lắm, vì màu men đủ chín giữa lúc trời xứ Quảng bữa nắng bữa mưa. Tôi nhìn cặp vợ chồng cứ ríu rít những chuyện không đầu không cuối, hồ như tính cách hồn nhiên này cũng đã mang vào trong gốm họ đang làm.

gom_trinha.jpg
Sản phấm gốm men của Nguyễn Viết Lâm. Ảnh: X.H

Phép trang trí đôi phần cầu kỳ hơn. Nhưng gốm của Nguyễn Viết Lâm lại khiến người ta cảm thấy mình vui vẻ khi dụng nó. Thật lạ lùng! Ranh giới mong manh của tinh xảo và quê mùa chỉ cách nhau có vài nét vẽ.

Ở gốm, nghệ thuật đôi khi phụ thuộc ký ức của người mê. Có người thích màu đen tuyền ở dòng gốm nung thủ công của người M’nông Đăk Lăk, nhưng cũng có những người thích hoài niệm trong cái màu cũ kỹ của gốm sành. Và sẽ vẫn có nhiều người thích cái sóng sánh của màu men trong từng sản phẩm gốm.

Nói về gốm men, có lẽ lâu đời nhất dĩ nhiên không thể xuất phát từ làng Thanh Hà. Tài liệu từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia ghi lại, vào triều Lý khoảng cuối thế kỷ thứ 11 đầu thế kỷ thứ 12, nghề thủ công truyền thống gốm sứ phát triển mạnh.

Cũng từ giai đoạn này, nghề làm gốm định hình và mang những bản sắc dân tộc rõ nét. Giai đoạn triều Lý, phổ biến và tiêu biểu nhất. Tiếp đến, gốm men nâu cũng bắt đầu xuất hiện với các sản phẩm kết hợp đắp nổi, tạo điểm xuyết trên thân, vai hoặc nắp bình.

tnb-62278-06_trinh.jpg
Sản phẩm lưu niệm được nhiều người ưa chuộng từ dòng gốm men mới của Thanh Hà. Ảnh: X.H

Tại làng gốm Thanh Hà, người làng vẫn đinh ninh 3 dòng gốm từ thời khai sinh là gốm sành, gốm đỏ và gốm men. Tư liệu từ người làng kể lại, rằng từ những năm 1950, ông Nguyễn Chước - người làng Thanh Hà đã đưa kỹ thuật làm gốm lên đỉnh cao với việc chế tạo gốm, ngói tráng men màu, được sử dụng để tu bổ kinh thành Huế vào năm 1959.

Nhưng ngói tráng men màu có giá thành cao, khó tiêu thụ nên không còn được chế tác vào sau này. Ông Nguyễn Chước cũng là cha chồng của nghệ nhân Nguyễn Thị Được - bà nội của Nguyễn Viết Lâm.

tnb-62278-07_trinh.jpg

Vực lại hưng thịnh làng nghề

Gốm sóng sánh đủ màu men. Những sắc màu được phủ lên và lan ra ở từng sản phẩm là độc bản. Nửa ngàn năm, những lớp gốm dù tráng men hay không, đều có vết rạn vỡ bởi sức thiêu đốt của lửa nung.

Từ khước mọi cuộc giao thoa, muôn đời nay hành trình làm gốm luôn là cuộc thai nghén của đất, nước, lửa và gió. Để cuối cùng, mỗi vật phẩm từ gốm ra đời, luôn là những bất ngờ với người tạo tác. Điều này càng đúng với dòng gốm men mà Nguyễn Viết Lâm liều lĩnh chọn làm đường đi.

Chúng tôi hồi tưởng câu chuyện bắt đầu cho cuộc trở về của Nguyễn Viết Lâm từ bộ sản phẩm “Dấu ấn ẩm thực Hội An” bằng đất sét.

Cùng với nghệ nhân tạo tác sản phẩm từ đất sét công nghiệp, bộ sản phẩm ra đời với vai trò làm mới sản phẩm lưu niệm của Hội An. Đồng thời từ đây, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Lâm quyết tìm đường đi mới cho nghề gốm của gia đình mình.

Gốm của nhà Sơn Thủy - cũng là tên tiệm gốm của gia đình, đã duy trì nhiều đời cùng làng Thanh Hà. Bàn xoay, cung cách chuốt gốm, những thủ thuật của quá trình nung, trở thành nằm lòng với cậu bé Lâm.

Tộc Nguyễn ở Thanh Hà, mỗi người miệt mài giữ nghề gốm, theo cách vừa làm gốm vừa làm du lịch, cũng như tiếp nối dòng sản phẩm từ bao đời của cha ông. Duy có dòng gốm men, đơn chiếc làm nên một dòng nhớ. Không ai đủ lực để vực nó sống lại cùng hưng thịnh làng nghề.

Nhưng thật may, làng nghề còn có những đứa trẻ kịp nhận ra giá trị trăm năm của xứ đất mình. Chọn một đường đi khó, nhưng khẽ khàng vì muốn bản sắc của gốm men sông Thu vẫn phảng phất trong dáng hình sản phẩm gốm mỹ nghệ đương đại.

Lâm khăn gói đến làng gốm Bát Tràng rồi trở về trong sự tiếc nuối, rằng những màu men lam, men ngọc của gốm xứ kinh kỳ này không thể nào đưa được vào gốm ven sông Thu.

May mắn, trong một tư liệu anh tiếp cận được, gốm men Thanh Hà vốn dĩ có cách tạo tác tương đồng với dòng gốm sứ Arita, gốm Mino, gốm Kiyomizu của xứ sở Phù Tang.

Từ nhiều mối duyên, Nguyễn Viết Lâm đến Nhật và học cách làm men gốm của nghệ nhân Nhật Bản. Và một thành tựu từ cá nhân người thợ trẻ, từ khâu tạo men và tráng men theo phương pháp cổ điển có thể thực hiện cho hầu hết dòng men sống.

“Men sứ sản xuất theo phương pháp cổ điển được nghiền trong máy, cho đến khi độ mịn của men đạt qua ngưỡng sàn 10.000 lỗ/cm². Trong quá trình nghiền men sứ cần khống chế độ mịn sao cho thích hợp. Chú ý không nghiền men quá thô dễ gây nhám bề mặt, cũng không nghiền men quá mịn sẽ dễ bị cuốn hoặc làm bong men” - Nguyễn Viết Lâm nói. Sau khâu tráng men, nhiệt độ nung sẽ quyết định sản phẩm có đạt đến mong muốn của người thợ hay không.

Từ bình, lọ cho đến những bộ chén trà... đều đã đăng ký thương hiệu gốm men của gia đình Lâm. Và cũng đã có những người học trò đang hạnh phúc với từng màu men mới ra lò từ người thầy trẻ vừa qua tuổi 26 - Nguyễn Viết Lâm.

XUÂN HIỀN