Rồng trên gươl của người Cơ Tu
Hình tượng con rồng du nhập vào đời sống văn hóa của người Cơ Tu không lâu nhưng nhanh chóng được họ yêu chuộng. Họ bản địa hóa chúng để làm giàu cho vốn văn hóa truyền thống bằng cách sáng tạo thêm những chi tiết, màu sắc huyền thoại với tên gọi riêng “dâng grai” hoặc “bhơdưa”...
Ngoài những phong tục tập quán, văn hóa, lễ hội và những tri thức bản địa độc đáo tồn tại từ xưa đến nay, người Cơ Tu còn có một loại hình nghệ thuật đặc sắc thể hiện về thế giới, cuộc sống xung quanh, đó là nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên gỗ.
Tuy trải qua những biến động, thay đổi của thời gian, không gian sống và những phong tục, tập quán nhưng những tác phẩm điêu khắc, trang trí trên gỗ có giá trị thể hiện đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất, tâm linh, tín ngưỡng của người Cơ Tu vẫn được giữ gìn qua các thế hệ...
Gươl không chỉ là ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, là sản phẩm văn hóa đặc sắc mà còn là nơi thể hiện tinh túy của nghệ thuật điêu khắc, hội họa và tri thức bản địa. Trang trí cho gươl, những nghệ nhân Cơ Tu đã tạo nên những bức tượng, bức tranh trên gỗ rất đa dạng và sống động. Với những bức tượng và những bức tranh điêu khắc gỗ, những nghệ nhân đã làm cho gươl trở thành một biểu tượng, là niềm tự hào của người Cơ Tu.
Trong muôn vàn đề tài mỹ thuật dân gian được thể hiện trên tượng, phù điêu, tranh gỗ… thì hình tượng con rồng được trang trí tại gươl đã tạo nên một nét lạ, nâng cao giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc truyền thống đặc sắc này.
Nếu như người miền xuôi thường sử dụng hình tượng con rồng để trang trí ở đình chùa miếu mạo thì người Cơ Tu trang trí gươl bằng những hình rồng lớn được điêu khắc công phu trên nóc để cầu cho bản làng bình yên, phát đạt, mưa thuận gió hòa, được mùa vụ. Những môtip điêu khắc rồng trên nóc gươl được ưa chuộng nhất là hình ảnh cách điệu lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long tranh châu.
Trên kiến trúc gươl thì những tấm ván mặt tiền hoặc tấm ván thưng phía chính diện, hay các cột con, xà ngang và xà dọc bên trong đều là nơi lý tưởng để nghệ nhân thể hiện các tác phẩm về hình tượng rồng.
Người Cơ Tu thường tạc tượng con rồng bằng gỗ tròn hay tạc vào những tấm gỗ dài như một bức phù điêu khắc nổi. Một số nhà gươl khác lại vẽ hình con rồng và tô màu giống như bức tranh.
Người Cơ Tu đặc tả con rồng với nhiều dáng vẻ sinh động trong tư thế uốn lượn trên những đám mây cách điệu. Bằng những chiếc rìu, chiếc rựa, chiếc đục thô, cọ và phẩm màu từ cây rừng, những tác phẩm điêu khắc, hình vẽ về rồng của các nghệ nhân Cơ Tu ra đời.
Có thể nói, những tác phẩm điêu khắc và bức tranh trên gỗ về hình tượng rồng trang trí trên gươl là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của nghệ nhân dân gian Cơ Tu.
Họ, chỉ bằng kinh nghiệm, bằng sự tiếp nối truyền thống… đã tạo nên tác phẩm mộc mạc, nguyên sơ từ chất liệu, ý tưởng, đường nét, bố cục đến cả màu sắc. Không chỉ vậy, hình tượng rồng còn làm cho các gươl của người Cơ Tu có vẻ đẹp khác biệt, ghi dấu trí tưởng tượng và đời sống tâm linh phong phú của đồng bào.