Tạp văn

Bên chung trà, cuối năm...

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 02/02/2024 05:51

Cuối năm bên chung trà, nhận ra trong câu chuyện nhân gian, tình yêu thương là dư vị sâu lắng còn đọng lại trước những biến động của đời sống...

Thưởng trà bên hiên nắng.Ảnh: KIỀU MAILY
Thưởng trà bên hiên nắng.Ảnh: KIỀU MAILY

Chất xúc tác của sự chiêm nghiệm

Cuối năm, chúng tôi được mời dự một buổi trà đạo chính tông. Nhưng vốn không có ý định làm những trà nhân thực sự, thái độ chúng tôi chỉ là “dong ngựa lướt hoa”. Tỉ như cái cảnh: “Hàn dạ khách lai trà đương tửu/ Trực lô thang phí hỏa sơ hồng” (Đêm lạnh khách thăm, trà thay rượu/ Bếp lò đun nước lửa đang hồng) của nhà thơ Đỗ Lỗi thời Bắc Tống.

Với tâm thái của chúng tôi như thế, đã là “không đủ” điều kiện cho việc tham dự trà đạo. Nhưng khi nhìn dáng ngồi nghiêng nghiêng của cô gái - nhân vật chính của buổi trà - với tấm khăn màu đỏ bên hông, bỗng nhận ra sự đối nghịch vốn luôn tiềm ẩn trong mọi sự vật.

Thêm một người bước vào buổi trà, thế là lại diễn ra việc giới thiệu. Chủ nhà thì thầm nhắc: Trong buổi thưởng trà, không nên và không cần những nghi thức xã giao thông thường.

Bếp đun nước, bình nước, ly trà, bột trà, dụng cụ khuấy trà đã sẵn sàng. Và buổi trà tiếp tục diễn ra lặng lẽ. Nghệ nhân pha trà hướng dẫn khách ngồi đúng vị trí, cách đường kẻ thẳng ở chiếc chiếu khoảng một gang tay, rồi bắt đầu nghi thức đưa bánh mời khách.

Có một chiếc bánh đậu xanh hình vuông, bên cạnh chung trà xanh. Tôi cầm chiếc bánh, giữa hai ngụm trà. Cô gái nhắc nhẹ, không nên làm hai việc lẫn lộn: ăn xong mới uống. Bánh có thể là bánh khô, hoặc bánh ướt, nhưng đều tượng trưng cho mùa.

Mỗi mùa trong năm, với những đặc điểm khác nhau thì hương vị bánh cũng khác biệt. Lời nhắc của cô gái khiến tôi nhớ, người xưa thường dùng nước suối hoặc nước mưa để lóng. Nghĩa là, nước phải sạch thì lòng mới có thể yên; vì nước là tấm gương của tình yêu, yếu tố nền tảng của sự yên bình…

Cuối buổi trà, cô gái kể: Ở thủ đô, đã có vài nhóm trà đạo, sinh hoạt đều đặn và nghiêm túc. Cô tham gia nhóm trà đạo truyền thống. Vài nhóm khác thì dung hòa giữa truyền thống và cách tân để phù hợp với sinh hoạt công nghiệp hiện nay.

Ấy cũng là điều tất nhiên, như vẫn diễn ra trong nhiều hoạt động xã hội khác. Tuy nhiên, những thành tựu của bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào, khi đã trở thành tài sản cộng đồng, thì việc “biến chế” thái quá sẽ dễ dẫn đến sự đánh mất và làm thiên lệch chính những kết quả ấy.

Năng lượng của yêu thương

Nguồn gốc của trà đạo xuất hiện vào thế kỷ 15 tại Nhật Bản như một cách luyện tâm của các tu sĩ, rồi phát triển mạnh hai thế kỷ sau đó. Chúng tôi được “giảng”, để biết rằng, trà đạo có bốn nguyên tắc. Hòa (和), có nghĩa là hài hòa; kính (敬) là lòng kính trọng, biết ơn những sự vật và con người xung quanh; thanh (清), là cảm nhận về sự an tĩnh, là ý nghĩa thật sự của cuộc sống; và tịch (寂), để chỉ cảm giác bình yên sâu thẳm. Mục đích cuối cùng của trà đạo là để “đến” được cái “chỗ” này; khi ấy, trà đã trở thành sự tự nhiên như… hơi thở.

Có thể ghi nhớ vài thuật ngữ của một buổi uống trà, ví như tấm vải màu đỏ (màu đỏ dành cho nữ, màu tím dành cho trà nhân là nam) mà cô gái mang bên hông gọi là fukusa (dùng để lau qua chén trà, ấm đun nước…) hoặc là sukiya là trà thất (nghĩa rộng là tâm thức con người)…

Tại Nhật, có những trường sư phạm đặc biệt để đào tạo nghệ nhân trà đạo; việc học cũng không đơn giản và quá trình học để xong chương trình này có thể đến 50 năm.

Cũng có nghĩa là, không ai có thể nói rằng đã hiểu cùng tận về trà đạo. Nhưng, do không phải là đệ tử của trà đạo, chúng tôi chỉ đón nhận buổi sinh hoạt này như một cơ hội để nhìn lại bản thân trong khi tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống.

Hoặc là, dù có bước thêm được một bước, thì cùng lắm, cảm hứng chính của chúng tôi cũng chỉ mon men đến với trạng thái mơ màng của Ức Trai tiên sinh khi người về gối đầu trên đá ở Côn Sơn: “Làng xưa như mộng trong ngần/ Can qua chưa dứt, yên phần mừng thay/ Bao giờ lều cỏ núi mây/ Pha trà nước suối, gối say đá mềm”.

Có lẽ, đó là cái bệ-phóng-dự-cảm cho việc nâng lên chén trà của lòng nhân ái chân thành, cho ta có thể nhận ra rằng, chỉ có tình yêu thương mới có thể đẩy lui dần những tiếng của sự hận thù, chia rẽ…

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT