Kịp thời gỡ vướng thủ tục đất đai cho người dân, doanh nghiệp
Phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc, so chiếu với các quy định hiện hành để có cách làm chặt chẽ, hướng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai... Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại hội nghị tổng kết công tác tài nguyên môi trường vừa được tổ chức.
Nhiều áp lực
Năm 2023, toàn ngành tài nguyên môi trường đối mặt với lượng công việc khổng lồ liên quan nhiều lĩnh vực. Áp lực lớn đè nặng từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, đặc biệt trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp - lĩnh vực tương đối nặng nề và phức tạp.
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói, có đến hơn 80% ý kiến cử tri tại các buổi tiếp xúc kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai.
“Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi gặp khó do một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hiện nay còn chồng chéo. Đặc biệt ở vùng Đông, cá biệt có quy hoạch tồn tại 10 năm, 20 năm, hạn chế rất lớn đến quyền sử dụng đất của nhân dân.
Cần có sự rõ ràng trong hướng dẫn thực hiện cũng như rà soát thường xuyên các quy hoạch để đảm bảo quyền lợi người dân. Những điều chỉnh về mặt chính sách cũng cần có quy định cụ thể để tránh tình trạng người dân đã được vận động vào khu tái định cư, bốc xăm giao đất nhưng sau đó lại điều chỉnh về số lô, thửa được cấp...” - ông Nguyễn Thế Đức phát biểu.
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, năm 2023, việc triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đạt tỷ lệ thấp, chất lượng chưa cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần cho phù hợp với hồ sơ quản lý đất đai của các địa phương.
Tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết số 07, ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh về đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 9 huyện miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2026 chưa đảm bảo tiến độ. Việc triển khai lập dự án cơ sở dữ liệu đất đai giai đoạn 2 (do UBND các địa phương làm chủ đầu tư) chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Bộ TN-MT, cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh.
“Công tác đo đạc - bản đồ có lúc, có nơi thực hiện chưa kịp thời với yêu cầu đặt ra. Nhiều nội dung tồn tại, vướng mắc trên lĩnh vực đất đai như rà soát đất công ích 5%; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các trường hợp di dân vùng sạt lở, rà soát hồ sơ 299/TTg..., và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số dự án chậm được xử lý.
Việc củng cố tổ chức bộ máy văn phòng đăng ký đất đai chưa kịp thời, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai chưa đầy đủ, đội ngũ hợp đồng lao động chiếm tỷ lệ lớn… làm ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai. Tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn đối với việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục trên lĩnh vực đất đai còn lớn, chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của UBND tỉnh” - ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT thông tin.
Đồng bộ các giải pháp
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Sở TN-MT nói, trong năm 2024, toàn ngành tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian đến.
“Sở sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh; tổng kết đánh giá, rà soát và tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh để triển khai các nội dung Luật Đất đai phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024, sẽ khẩn trương tham mưu trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nghị quyết liên quan. Sở TN-MT đã có chủ trương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án lập cơ sở dữ liệu đất đai giai đoạn 2, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn. Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra sẽ được chú trọng hơn nữa” - ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Chia sẻ những áp lực của ngành tài nguyên môi trường trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu thời gian tới, toàn ngành cần chú trọng công tác quản lý đất đai, rút kinh nghiệm từ những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục, thực hiện kịp thời, chính xác nhiệm vụ được giao.
“Ngành tài nguyên môi trường phải cùng các địa phương rà soát cơ chế chính sách đã ban hành, vướng cái gì trong thực tiễn, cần thiết thì phải sửa, đồng thời phải tham chiếu Luật Đất đai đã có hiệu lực. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, đề nghị toàn ngành và các địa phương hết sức quan tâm, làm chặt chẽ trong giai đoạn hiện nay. Năm 2024, phải tập trung tháo gỡ tồn tại vướng mắc đã kéo dài nhiều năm, hướng tới quyền lợi người dân, doanh nghiệp” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.