Văn học - Nghệ thuật

Đồng hành văn chương sinh thái

BẢO ANH 03/02/2024 07:18

Tuy chưa có hẳn một dòng riêng, nhưng dưới góc nhìn của cảm quan sinh thái, văn học Quảng Nam đã có được không ít tác phẩm mang hơi thở của văn chương sinh thái, thể hiện sự đồng hành với xu hướng văn chương đương đại...

Tuy chưa có hẳn một dòng, nhưng nhiều tác phẩm văn học Quảng Nam đã mang hơi thở của văn chương sinh thái. Ảnh: B.A
Tuy chưa có hẳn một dòng, nhưng nhiều tác phẩm văn học Quảng Nam đã mang hơi thở của văn chương sinh thái. Ảnh: B.A

Từ lâu, nhiều tác giả văn học Quảng Nam đã có ý thức rất rõ trong việc sáng tác về quê nhà. Gắn với mỗi cảnh sắc là một yêu thương gắn với mỗi xóm làng, dòng sông, cánh đồng là một nhung nhớ đậm sâu và tha thiết.

Cảnh gắn chặt và neo giữ tâm hồn con người, đồng hành tâm trạng, hình thành trên trang viết những không gian sinh thái mướt xanh. Ở đó là mênh mông quê nhà, là sông Vu Gia với miên man đồng bãi...

Vu Gia/ vừa trôi vừa ngủ/ Bữa tối khẽ mọc tiếng cười và tiếng chén đũa/ Cha mẹ tôi như bóng con thuyền/ trôi chậm/ một màu phù sa” (Sóng Thu Bồn, trường ca của Nguyễn Giúp).

Ở đó, có thể chỉ đơn giản là cội mai già “cứ đến hẹn là chắt ra tinh anh, hiển nhiên như cánh én thì liệng giữa trời xuân”, tin cậy và tận hiến khi “mỗi tết chỉ ra vài cụm hoa, nhưng đúng dịp và bền bỉ, cạn xuân mới chịu tàn” (Đất trời ươm tết tự bao giờ, Ngô Thị Thục Trang).

Đặc tả cảnh sắc, phục dựng chi tiết từng không gian sinh thái, văn chương trở nên mềm mại và đẹp hơn. Nhưng trong nhiều trường hợp, đó không đơn thuần chỉ là sự miêu tả cảnh vật mà còn là những đốn ngộ sinh thái, còn là những giãi bày và ngẫm ngợi nhân sinh.

Có thể dễ dàng nhận thấy điều này trong nhiều trang văn của Lê Trâm, Nguyễn Bá Hòa, Tiêu Đình, Nguyễn Tam Mỹ, Phương Dung... và trong thơ của Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Chiến, Huỳnh Minh Tâm, Phạm Tấn Dũng, Đỗ Thượng Thế, Thái Bảo Dương Đỳnh, Mai Thanh Vinh...

Văn nghệ sĩ đi sáng tác trên đỉnh Ngọc Linh. ảnh: NGÔ QUANG TUẤN
Văn nghệ sĩ đi sáng tác trên đỉnh Ngọc Linh. ảnh: NGÔ QUANG TUẤN

Đề cao ý thức về nơi chốn gắn với trách nhiệm về sinh thái, nhiều tác phẩm văn học Quảng Nam đã tiệm cận được và thậm chí là đã thực sự dự phần vào lộ trình của chủ nghĩa nhân văn sinh thái. Đồng thời tạo nên những dịch chuyển qua lại giữa sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn.

Như khi nhìn đôi cánh chim trời ngẫu nhiên bay về đâu đó, chợt nghe lòng rộn lên tình yêu quê kiểng, thân thuộc cùng bao nhớ nghĩ bâng khuâng về nỗi niềm thiên di: “Ông đã ra bờ sông từ chiều nhưng mãi đến tận lúc này ông vẫn chưa muốn về. Cũng chỉ vì đàn chim ấy. Cái đàn chim bay ngang sông hồi chiều khi mặt trời vừa khuất sau núi Cánh Diều. Chúng nép vào nhau bay về phía trời xa” (Mùa chim bay đi, Lê Trâm).

“Từ lâu, tôi đã nghĩ đến và đã chủ động đề cập, khai thác những vấn đề về môi trường, về sinh thái trong sáng tác của mình. Thông qua văn chương, tôi vừa muốn bày tỏ cảm nghĩ của mình và góp một tiếng nói cảnh báo về rất nhiều vấn đề liên quan đến sinh thái. Nói cách khác, trong một số trường hợp, tôi sáng tác theo khuynh hướng văn chương sinh thái là hoàn toàn có chủ đích” - nhà văn Lê Trâm nói.

Sáng tác theo cảm quan sinh thái không chỉ phụ thuộc vào ý đồ của tác giả, mà đôi khi còn theo sự dẫn dụ của cảm xúc.

Nhà thơ Đỗ Thượng Thế chia sẻ: “Tôi tự thấy trong khá nhiều sáng tác của mình có những vấn đề thuộc về cảm quan sinh thái. Tuy nhiên, có lúc tôi cố ý viết theo khuynh hướng sinh thái nhưng “đáp số” thì không thật rõ.

Nhưng ngược lại, có những khi tôi viết một cách rất tự nhiên thì yếu tố sinh thái lại đầy ắp. Có lẽ, cảm quan sinh thái đã có sẵn trong máu huyết mình rồi, vấn đề là thể hiện nó trên tác phẩm của mình trong trường hợp nào và như thế nào mà thôi”.

Có lẽ vì vậy, những đứt gãy đầy tiếc nuối về một khu vườn ấu thơ nơi quê nghèo xa tít được Đỗ Thượng Thế đưa vào thơ tạo sự đồng cảm với độc giả: “Khu vườn chân núi/ ai đó gọi mà không ai mở cửa/ ẩn ức giếng thơi/ nhiều năm dềnh một tiếng gàu đứt dây” (Dưới tấm trần rỉ mưa)…

Cảnh báo về các nguy cơ sinh thái và mặt trái của văn minh - được xem là một trong các “tiêu chí” cơ bản của văn học sinh thái, đã được một số tác giả Quảng Nam đưa vào tác phẩm một cách nhuần nhuyễn.

“Quê kiểng bây giờ đã và đang bị đô thị hóa với tốc độ chóng mặt. Tre pheo không còn. Chim chóc biến mất”, đến mức trẻ con có nguy cơ “không sao hình dung được màu tím của hoa mua, hoa sim, không sao biết được cây lá chổi, cây cơm nguội” (Sau bức màn sương khói, Nguyễn Tam Mỹ).

Ngay cả các khu rừng già, đến chứng nhân lịch sử của sinh thái cũng bị xóa mất, trống vắng đến ngẩn ngơ. “Chỉ tiếc cây cổ thụ mấy trăm năm nơi buổi khai thiên lập địa ông Hạc đã ngủ giấc ngàn năm dưới gốc chừ không còn nữa” (Rừng ông Hạc, Nguyễn Tấn Ái)...

BẢO ANH