Mừng tuổi đầu năm
Theo cha đi mừng tuổi đầu năm, mọi nét phác thảo đầu đời ấy vẫn còn nguyên như mới, như bài ca tình quê ngân vang mãi với tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Mưa cuối tháng Chạp rây rắt những hạt nước lành lạnh xuống đám cải mé sân. Hình như năm mới đang bắt đầu từ đây. Người người, nhà nhà tất bật, mọi thứ từ trên bàn thờ ông bà ra tận ngoài vườn, đều phải sạch sẽ, ngăn nắp.
Sáng mùng Một, việc đầu tiên của cha là chuẩn bị quần áo sạch sẽ, gọn gàng để đi lễ trên nhà thờ tộc. Từ hũ sành, rượu được chiết ra trong một chai thủy tinh nho nhỏ, trong xanh.
Cặp nem xâu lạt tre móc vào cổ chai cùng với cơi trầu gói lá chuối được để sẵn trên bàn từ tối ba mươi. “Con nít không được lên nhà thờ tộc”, câu nói chắc như đinh đóng cột ấy của cha khiến tôi hết mơ lẽo đẽo chạy theo sau.
Nhưng sang mùng Hai, mọi việc lại khác đi. Tôi được cha tập lạy từ trước đó rất kỹ: “Bốn lạy, nhớ chưa, bốn lạy! Lạy xong đứng thẳng người lên, bái tạ ba bái đường hoàng rồi mới được ra khỏi chiếu. Nhớ cắm cây hương cũng phải ngay ngắn nhìn cho đẹp mắt”. Thêm vào những lần thực hành với cha tôi vẫn thường rình xem cha lạy. Vậy nên không nhớ sao được, nhớ cả đời, không riêng gì một thời.
Mùng Hai sang nhà ngoại, tôi lo dậy từ rất sớm. Phần để ôn lời cha dặn, phần vì bộ quần áo mới mua từ tháng Chạp cứ gây nôn nao khó ngủ. Hình như mỗi năm tôi chỉ được sắm thêm một bộ đồ mới vào dịp Tết, nên rạo rực là đúng rồi.
Khai trương bộ đồ mới vào dịp đầu năm mừng tuổi ông bà, sau Tết vẫn là cất kỹ để dành cho những dịp đám giỗ, đi chơi xa, về ngoại… Thói quen để dành ấy ngấm sâu vào người tôi cho đến tận bây giờ.
Cha cầm chai rượu đi trước. Tôi được phân xách cái khăn đùm gói trầu cau và cặp nem theo sau. Con đường dẫn đến nhà ngoại một bên là đồng ruộng, một bên là rừng.
Cha cố tình đợi tôi hay muốn trải lòng cùng xuân mà những bước chân vẻ như hơi chậm lại, mắt nhìn bâng quơ hết đồng đến rừng. Tự dưng tôi muốn đi theo kiểu nhảy chân sáo chứ không thích phải dè dặt từng bước theo cha như người lớn.
Ngõ vào nhà ngoại không có cổng mà chỉ có một bụi tre làm mốc giới hạn. Cạnh đó là một tảng đá to và cây xoài sum sê xanh mướt. Cha dặn, thổ nhẹ dép cho bớt dính đất trước khi bước chân vào nền sân gạch không một chiếc lá khô, một cọng cỏ dại.
Cha có thói quen tránh xông đất nhà người ta vào sáng sớm mùng Một nên năm nào về đến nhà cậu Hai cũng thấy đã đông người, toàn là con cháu, người thân về thăm Tết và mừng tuổi ông bà. Bà ngoại mất khi tôi chưa ra đời, cậu Hai là con đầu, thừa kế việc thờ cúng ông bà nên cũng được thừa kế cả căn nhà và khu vườn của ông bà ngoại để lại.
Việc đầu tiên của tôi là theo cha đi chào từng người thân. Ông ngoại râu tóc bạc trắng, kéo tôi vào lòng: “Nghe nói cháu của ông học giỏi lắm hả? Cố gắng chăm ngoan, vâng lời cha mẹ, thầy giáo nghe con”.
Nhớ lời cha dặn, tôi chúc: “Cháu kính chúc ông ngoại năm mới khỏe mạnh, sống lâu”. Cha trịnh trọng soạn lễ lên bàn thờ, quay sang nhìn tôi và ông ngoại, rồi cười rất tươi.
Tự dưng tôi nghe hồi hộp quá, không biết vì bàn thờ quá trang nghiêm, mùi hương thơm lừng lựng hay vì đang nhớ lời cha hôm đám giỗ ông nội: “Con cháu lớn nhỏ chi cũng phải quỳ lạy hết, lạy ông bà cho nghiêm túc để sau này bớt kiêu ngạo khi ra đời. Không phải lạy cho lấy có rồi bỏ chạy đi chơi đâu”.
Mặt trời đã lên cao khỏi bụi tre trước nhà cậu, nhưng nắng đầu năm vẫn còn rất dễ chịu. Con chim quạch quạch hình như đang làm ổ trên cây xoài, ríu ra ríu rít. Trước khi theo cha ra về, tôi lại vòng tay chào quanh từng người; cả nhà tiễn hai cha con ra tận ngõ.
Theo cha đi mừng tuổi đầu năm, chuyện thời thơ ấu quệt vội một dấu ấn vào tuổi, rồi lắng chìm theo thời gian và công việc. Những thứ tưởng rồi sẽ mất đi như bao lãng quên ký ức, nhất là khi thời nay mọi thứ đều khác đi, cái còn lại ít hơn cái đã mất. Vậy mà không, mọi thứ vẫn vẹn nguyên, dù ông ngoại, cha mẹ, cậu Hai không còn nữa...