Lớn lên từ câu hát ru...
Theo biến thiên thời gian, những lời ru dần mai một, nên cần được khôi phục một cách bền vững, bởi từ lời ru của bà của mẹ đã trao truyền tâm hồn nhân hậu, khuyên dạy con người sống hòa hợp trong cuộc sinh tồn.
Từ trăn trở ấy, chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Trần Hồng và nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Hoàng Hương Việt, để lần tìm về nguồn cội của hát ru và đưa lời ru trở về trong nhịp sống hối hả thời hiện đại.
Neo mãi đời người
* Mùa xuân này, nhạc sĩ Trần Hồng bước vào tuổi 95 và nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt chớm tuổi 90. Nhìn lại cuộc đời mình, xin mạo muội hỏi, hai ông còn nhớ những lời mẹ ru thuở nào?
- Nhạc sĩ Trần Hồng: Đến bây giờ, tuổi tác đã cao, quên nhiều thứ, nhưng tôi vẫn nhớ như in những lời hát ru của mẹ tôi, một người mẹ đẹp gái hát hay, ở vùng quê Đức Hòa, Mộ Đức, Quảng Ngãi.
Từ lúc còn nằm nôi, dù không hiểu gì về lời hát, nhưng dường như trong tôi và mỗi đứa trẻ đều thẩm thấu cái dịu dàng của vòng tay, của nôi đưa và giọng hát ru ầu ơ của mẹ.
Lớn lên, 8 - 9 tuổi, tôi đi theo nghe mẹ hò hát đối đáp và càng hiểu thêm cái hay, cái đẹp của ca dao, dân ca và những lời hát ru từ ngày tấm bé…
- Nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt: Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Đồng Tràm, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, từ nhỏ đã thấm đẫm lời hát ru, bắt đầu từ mẹ, cha rồi đến chị.
Tôi nghĩ, hát ru ra đời sớm nhất trong các loại hình văn nghệ dân gian như ca dao, dân ca, hò, vè, chèo, tuồng, đồng dao… Bởi khi ru con, người cha người mẹ dùng hai hình thức: vỗ mông vỗ lưng nựng nịu và hát ơ hờ, rồi dần dần hình thành câu hát ru, để đứa trẻ ngủ nhanh và ngon giấc hơn.
Hát ru là loại hình đặc biệt, được tiếp thu một cách rất tự nhiên, không có truyền dạy. Mỗi người nghe rồi tự thuộc, tự hát; nên dù có bao nhiêu tuổi đi nữa, thì lời hát ru từ thuở còn thơ sẽ theo mãi cuộc đời của mỗi người, không thể nào quên!
* Hát ru thấm đẫm và đi theo mỗi con người như vậy, cộng với việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn nghệ dân gian, hai ông có thể nói thêm về nét độc đáo trong hát ru của người Việt nói chung và xứ Quảng nói riêng?
- Nhạc sĩ Trần Hồng: Đất Quảng là xứ có cả vùng biển, đồng bằng và miền núi, nên trong lời hát ru và ca dao, dân ca, luôn gắn bó đời sống con người và thiên nhiên.
Lời hát ru của người mẹ miền biển, miền đồng bằng thường nói về thân phận đời mình; trong khi lời ru của người mẹ dân tộc thiểu số ở miền núi thường gắn với đời sống sinh hoạt, lao động trên nương rẫy.
Đặc biệt, lời ru ở các vùng này đều có điểm chung, gắn với cảnh đẹp thiên nhiên, quê hương, đất nước, với thổ sản quê xứ…; từ đó hình thành một cách tự nhiên trong mỗi con người sợi dây gắn kết với thiên nhiên.
- Nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt: Trước tiên, phải thấy rằng, lời và điệu hát ru thường nhẹ nhàng, sâu lắng, nói lên những tâm tư tình cảm của con người, nhất là người mẹ, nên không có tính chất bạo lực hay trào lộng như một số loại hình văn nghệ dân gian khác. Chính yếu tố đó khơi dậy bản chất thiện lương trong mỗi con người từ thuở nhỏ.
Cùng với đó, lời hát ru làm cho con người nhận thức và yêu thiên nhiên, quê hương, xứ sở mình qua hình ảnh thân thuộc như: cây đa, bến nước, sân đình, dòng sông, đồng ruộng, bờ tre… với sự thuần hậu, chân chất.
Từ đó, con người lớn lên thêm yêu và gắn bó, hòa quyện với thiên nhiên. Vì vậy, có thể nói, hát ru dạy con người “sống xanh” từ thuở nhỏ và tạo nên cái gốc lâu dài, bền vững là như vậy.
Nặng hơn lời ru...
* Qua thời gian dài gắn bó với việc sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, trong đó có hát ru, hai ông có những nhận xét gì về hát ru trong đời sống hiện nay?
- Nhạc sĩ Trần Hồng: Có thể thấy trên thực tế rằng, trong đời sống hiện đại, ít ai còn hát ru!
- Nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt: Tôi cũng thấy vậy! Nhiều bà mẹ trẻ bây giờ không thuộc lời nên không hát; không quen hát nên có hát cũng không diễn tả được sự dịu dàng, sâu lắng của hát ru.
Văn nghệ dân gian muốn “sống” được thì cần có môi trường của nó. Bây giờ, không chỉ đô thị mà cả nông thôn cũng hiện đại hóa, cơ giới hóa nên những lời hát ru xưa cũ không còn đồng điệu, hòa quyện với đời sống, từ đó mai một dần; trong khi không có sự sáng tạo, sáng tác lời ru mới cho phù hợp.
Ngay cả việc hát ru cũng không còn cần thiết nữa khi mà nôi tự động, máy phát nhạc… đã trở nên phổ biến và ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của mỗi người dân.
* Như vậy, thực sự là một nỗi lo không nhỏ khi hát ru - một trong những sợi dây kết nối giữa con người với thiên nhiên một cách hài hòa, tự nhiên, bị “đứt đoạn”...
- Nhạc sĩ Trần Hồng: Bản thân tôi ngay từ những ngày còn tham gia kháng chiến, dưới hầm trú ẩn giữa đạn bom, tôi đã ghi chép, ghi âm lời hát ru của những người mẹ người chị để lưu giữ và truyền bá sau này. Trong những cuốn sách sưu tầm, biên soạn về văn nghệ dân gian, tôi đều phân tích cái hay, cái đẹp của ca dao, dân ca, của hát ru.
Trong nhiều năm hoạt động nghệ thuật, tôi cũng từng tham mưu, tổ chức các lớp dạy hát dân ca, hát ru trên sóng phát thanh truyền hình, trong các lớp học…, nhưng những hoạt động này giờ cũng vắng dần.
Theo tôi, để thành công trong việc khôi phục hát ru, phải có sự đồng bộ trên dưới trong tổ chức, thực hiện; người lãnh đạo phải có đam mê, dành sự đầu tư về vật chất và tinh thần thì mới làm được.
- Nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt: Như tôi nói, muốn khôi phục vốn văn nghệ dân gian phải tạo ra môi trường mới phù hợp. Tôi băn khoăn mãi về vấn đề này nhưng chưa nghĩ ra cách làm nào hiệu quả, lâu bền.
Đã từng có những lớp truyền dạy văn nghệ dân gian trong học đường; cũng có nhiều hội đàm, hội thảo, hội diễn, hội thi, từng có những cuộc thi hát ru… nhưng rồi cũng dần phai nhạt. Vì ai cũng thấy hay thấy đẹp nhưng để lan tỏa vào cuộc sống thì không có môi trường thuận lợi.
* Trân trọng cảm ơn hai ông về cuộc trao đổi này! Nhân mùa xuân mới, kính chúc hai ông sống lâu và có thêm những công trình nghiên cứu về văn nghệ dân gian!